
“Lệch chuẩn thần tượng” được hiểu là việc tôn sùng, ngưỡng mộ một cá nhân, sự việc nào đó của một bộ phận quần chúng nhưng đi ngược lại với lợi ích tốt đẹp của xã hội, sự trông mong của cộng đồng. Việc lệch chuẩn thần tượng đem lại sự nguy hại đối với xã hội vì nó liên quan đến hệ giá trị mà con người theo đuổi, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của xã hội, đến lối sống, đạo đức, văn hóa của cộng đồng, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Thời gian qua, có thể thấy giới trẻ Việt Nam đã tiếp thu rất nhanh chóng lượng tri thức khổng lồ của nhân loại thông qua mạng Internet, mở ra vô số cơ hội phát triển, nâng tầm nền tri thức, kinh tế của đất nước theo kịp với các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, những văn hóa lai căng, ngoại lai cũng chính từ con đường đó du nhập vào Việt Nam dưới cái mác hết sức sành điệu đó là “hội nhập văn hóa”.
Hiện tượng “sùng bái thần tượng” đã trở thành một làn sóng lan truyền mạnh mẽ trong giới trẻ nước ta. Điển hình đó là lòng hâm mộ một cách thái quá đối với các ngôi sao Hàn Quốc của các tín đồ K-pop, được thể hiện qua việc hàng trăm người hâm mộ đã gào thét, khóc lóc khi được gặp thần tượng của mình, hôn lên ghế thần tượng đã ngồi, chạy xe phóng nhanh, vượt ẩu để kịp giờ tiễn thần tượng ở sân bay…
Ảnh minh họa
Giới trẻ không chỉ thần tượng những ngôi sao, nghệ sĩ nổi tiếng, hiện nay, đã và đang xuất hiện hiện tượng giới trẻ thần tượng những đối tượng “giang hồ mạng”. Phần lớn những idol này đều có xuất thân bất hảo, xăm trổ đầy mình nhưng lại có những câu nói, hành động thể hiện, ra oai, xem thường pháp luật. Các đối tượng thường sản xuất, đăng tải lên trang mạng xã hội cá nhân những video, clip có nội dung vô bổ, nhảm nhí, cổ vũ bạo lực, thậm chí có những lời nói tục tĩu, kích động, tình dục… Không hề phù hợp với lứa tuổi đang phát triển về tâm sinh lý của phần đông “khán giả”. Có thể điểm qua một số cái tên như Khá “Bảnh”, Huấn “Hoa Hồng”, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền, Quang “Rambo”, Khánh Sky, Phú Lê… Điều đáng lo ngại là các đối tượng trên lại được rất đông các bạn trẻ, học sinh đón nhận, tung hô như những vị “anh hùng”, “thần tượng”… Hàng loạt đối tượng “giang hồ mạng” đã sở hữu những trang mạng xã hội Youtube, TikTok, Facebook… với hàng triệu lượt follow. Nguy hiểm hơn là từ tính tò mò, xem để biết, để “bắt trend” nhiều bạn trẻ đã bắt chước lời nói, hành động sai lầm, lệch lạc nhưng lại được sự cổ vũ, tán thưởng từ bạn bè xung quanh và cảm thấy tự hào về chiến tích đó.
Ảnh minh họa
Việc “lệch lạc thần tượng” có thể nhận biết qua một số nguyên nhân sau:
Một là, việc hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa vẫn còn bị chênh lệch. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với mục tiêu chủ yếu tập trung vào phát triển kinh tế và vấn đề hài hòa giữa hai nhiệm vụ hiện đại hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa vẫn chưa được giải quyết. Ngành công nghiệp giải trí tương đối non trẻ, không được tổ chức một cách có hệ thống và không rõ ràng ở Việt Nam chắc chắn không đáp ứng được nhu cầu giải trí ngày càng đa dạng, phức tạp của các thế hệ trẻ khi họ được truy cập và tiếp xúc nhiều hơn với ảnh hưởng của văn hóa, nghệ thuật nước ngoài, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và mở cửa cho các doanh nghiệp quốc tế, chính thức hội nhập vào thị trường toàn cầu hóa.
Hai là, nền văn hóa Việt Nam hiện nay là nền văn hóa đại chúng, rất dễ bị chi phối bởi các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Thực tế cho thấy, “làn sóng Hàn Quốc” là một ví dụ rõ rệt về cách dòng chảy một chiều của văn hóa nước ngoài ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ văn hóa của những người trẻ tuổi ở Việt Nam. Thời gian qua, các “trend” (xu hướng) xấu độc được nở rộ từ nhảy múa khoe thân đến quảng cáo cờ bạc, phim có nội dung người lớn; từ miệt thị người khác (trào lưu “body shaming” - miệt thị ngoại hình, trào lưu chê bai những người lao động nghèo…) đến kích động, phân biệt vùng miền. Kể cả việc tung hô những giá trị đi ngược lại với xã hội, thậm chí phản văn hóa, phi giáo dục. Điển hình có thể thấy cụm từ “sugar baby - sugar daddy” những năm qua trở nên phổ biến, thậm chí còn được sáng tác thành các ca khúc âm nhạc để cổ súy cho lối sống buông thả, coi trọng vật chất, chấp nhận trở thành “baby” để được các “daddy” bao nuôi và đổi lại bằng vấn đề tình dục.
Ba là, ngành công nghiệp giải trí, đặc biệt là phim Việt còn đang bị “hụt hơi” trong cuộc đua thu hút sự chú ý của giới trẻ. Phim ảnh Việt đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ văn hóa của mình, nhưng sức hút vẫn chưa thể vượt qua được phim nước ngoài. Qua thống kê thời gian vừa qua, cả nước có hơn 1.000 rạp chiếu phim, thế nhưng khoảng 80% tổng số rạp thuộc quyền sở hữu của các công ty, tập đoàn nước ngoài và 80% lượng phim chiếu rạp là phim nước ngoài. Đây là những con số thể hiện sự “hụt hơi” của nền điện ảnh nước nhà, trái ngược hoàn toàn với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Ngược lại lịch sử, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hàng trăm bộ phim điện ảnh ra đời đã góp phần thúc đẩy tinh thần, vun đắp tình yêu nước cho cả Dân tộc. Ấy vậy mà hiện nay, những bộ phim có nội dung nhân văn, mang đậm tính Cách mạng, nuôi dưỡng ý thức tìm hiểu lịch sử lại “vắng bóng”, thay vào đó là những bộ phim mang đậm tính bạo lực, đầy rẫy cảnh nóng và thậm chí có nhiều phim còn lồng ghép nội dung sai lệch lịch sử, gây hiểu lầm cho khán giả. Mặt khác, trên nền tảng trực tuyến cũng cho thấy sự thống trị của các nền tảng chiếu phim nước ngoài như Nextflit, Apple TV, WeTV…. Doanh thu của những doanh nghiệp này gấp đôi doanh thu của 22 nền tảng chiếu phim quốc nội.
Hiện tượng trên cùng với các yếu tố khách quan, chủ quan của nó đã mang đến những tác động tiêu cực đến cộng đồng người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, cụ thể:
Thứ nhất, làm suy yếu “sức đề kháng” văn hóa
Quá trình toàn cầu hóa đã tạo ra một “thế giới phẳng” cùng với truyền thông toàn cầu và mạng xã hội là “đường dẫn” để các luồng văn hóa trên thế giới lan truyền nhanh chóng đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trong đó tiềm ẩn những “cơn gió độc” gây hại cho các chủ thể tiếp nhận, làm phai nhạt, thậm chí băng hoại những giá trị mang tính bản sắc của mỗi quốc gia, dân tộc nếu con người không biết chọn lọc thông tin và không có “sức đề kháng” văn hóa tốt. Mặt khác, mạng xã hội đã tạo môi trường thuận lợi cho những hành vi lệch chuẩn được lan truyền sâu rộng và thu hút sự quan tâm của xã hội. Tình trạng bùng nổ thông tin, trong đó có cả tin giả, tin xấu, độc... đã dẫn tới nhiễu loạn dư luận xã hội, làm gia tăng tâm lý bất an cho công chúng, tác động tiêu cực đến chuẩn mực văn hóa ứng xử của cộng đồng. Thực tế hiện nay, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối chính trị thường xuyên lợi dụng tính tò mò, hiếu kỳ của một bộ người dân để tung ra những tin xấu, độc được gắn mác “tin từ nội bộ” đưa ra. Từ đó định hướng dư luận, lồng ghép nội dung xuyên tạc, bôi xấu Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành và địa phương. Hài hước hơn, chúng còn làm thay các cơ quan chức năng khi tự cho mình khả năng “quy hoạch” lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương khi đưa ra những nhận định, phỏng đoán vô căn cứ. Nhưng “sức đề kháng” của người dân đã và đang bị yếu dần, người dân có xu hướng thích và khao khát nghe những thông tin xấu độc hơn là thông tin chính thống. Thật đáng suy ngẫm và lo ngại!
Thứ hai, sự biến đổi giá trị
Hệ giá trị văn hóa của cộng đồng hiện nay đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức. Trong vòng xoáy của toàn cầu hóa, mặt trái của quá trình phát triển kinh tế thị trường, nhiều giá trị mới được tạo ra, nhiều giá trị cũ có nguy cơ mai một hoặc đang trong quá trình chuyển đổi và một số phản giá trị đang hoành hành, làm đảo lộn chuẩn mực xã hội. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ ra rằng: “Môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong, mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh, thiếu niên, rất đáng lo ngại”. Thế nhưng, thực tế cho thấy, sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đã làm thay đổi góc nhìn của một bộ phận không nhỏ người dân. Dân tộc ta có truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân”… nhưng sau thời gian dài đổi mới, mở cửa, khi những thứ văn hóa ngoại lai, không phù hợp có điều kiện du nhập vào Việt Nam đã khiến cho giá trị đạo đức bị thay đổi, lung lay, lệch chuẩn. Từ một xã hội mang tính cộng đồng, đề cao tính cộng động đã xuất hiện biểu hiện của lối sống ích kỷ, vụ lợi, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, coi nhẹ lợi ích cộng đồng. Từ một xã hội coi trọng tình nghĩa nhân ái, bao dung đã xuất hiện lối sống vô cảm, thờ ơ trước những khó khăn và khổ cực của đồng bào mình. Từ một xã hội đề cao các giá trị tinh thần, đã xuất hiện lối sống tôn thờ đồng tiền, chạy theo vật chất, chấp nhận bỏ qua những phẩm giá và nhân cách của con người…
Giới trẻ là những người chưa có sự trải nghiệm vốn sống trong nhìn nhận các vấn đề xã hội, do đó, khi đứng trước sự biến đổi của hệ giá trị, họ càng dễ dao động, hoang mang, thậm chí khủng hoảng niềm tin. Điều này đã khiến họ tìm đến những cá nhân được xem là “thần tượng”, “hiện tượng mới lạ” như một trợ lực về tinh thần mà nhiều khi không quan tâm tới một thước đo hay các thang giá trị chuẩn.
Đáng buồn hơn, sự lệch chuẩn về giá trị này không chỉ xuất hiện trong bộ phận quần chúng nhân dân, mà ngay trong chính hàng ngũ Đảng viên, cán bộ. Cá biệt, đối với những cán bộ có chức, có quyền thì sự lệch chuẩn còn thể hiện rõ nét hơn. Đó là nạn quan liêu, hách dịch, cửa quyền, là thói ham mê quyền lực, địa vị, là tham nhũng, hối lộ, hủ hóa. Sự suy thoái, biến đổi giá trị còn được chứng thực bằng việc lời nói không đi đôi với hành động, thiếu trung thực, không dám nhận trách nhiệm. Trước quần chúng thì luôn rành mạch với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, luôn đề cao trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, nhưng khi thực hiện lại chỉ hướng đến lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”.
Thứ ba, sự khủng hoảng thần tượng
Sự khủng hoảng niềm tin cùng sự biến đổi giá trị sống đã dẫn đến sùng bái những thứ “lệch chuẩn” của giới trẻ. Những người trẻ với sự nhạy cảm, dễ tổn thương đã không tránh khỏi hoang mang, bi quan và khi bắt gặp cái bất thường, khác biệt, họ đã tin theo và nhầm tưởng đó là những giá trị mới cần vươn tới và chia sẻ. Điều này dẫn đến hiện tượng các đối tượng có tiền án, tiền sự chỉ cần tạo được “trend” đã có thể dễ dàng trở thành “tiêu chuẩn”, hình mẫu để giới trẻ ngưỡng mộ, sùng bái và noi theo.
Nghệ sĩ cũng là một trong những đối tượng được giới trẻ tôn sùng làm thần tượng. Những hành vi của họ luôn thu hút được sự dõi theo của giới trẻ. Thế nhưng, không ít ca sĩ, nghệ sĩ lựa chọn cách thức đánh bóng tên tuổi bằng cách tạo đời tư cá nhân ồn ào, quảng cáo sai sự thật cho một số nhãn hàng, có những phát ngôn gây sốc, thậm chí mang tính xúc phạm khán giả để được nổi tiếng… Đây không phải là hình ảnh mà một người nghệ sĩ vốn có.
Ngày nay, ngoài những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trên các nền tảng mạng xã hội, những người có nhiều lượt theo dõi, lượt thích cũng dễ dàng trở thành idol (thần tượng). Mạng xã hội phát triển đã tạo điều kiện cho nhiều nhà sáng tạo nội dung trở thành người có tầm ảnh hưởng trên không gian mạng, có thể dẫn dắt, định hướng dư luận mà hiện nay vẫn được nhắc đến với tên gọi KOL - Key opinion leader. Qua nắm bắt thông tin dư luận và từ các công ty quản lý các mạng xã hội cũng thừa nhận, hiện nay không ít KOL lựa chọn cách thức nổi tiếng bằng việc đưa ra nội dung xấu, độc. Có thế nhắc đến “Dưa leo” - một nghệ danh tự đặt của Nguyễn Phúc Gia Huy, một nghệ sĩ hài độc thoại. Đối tượng này thường xuyên quay, dựng các clip tự thoại, giọng điệu đả kích, châm biếm những vấn đề xã hội, trong đó lồng ghép các nội dung sai sự thật liên quan đến các sự kiện chính trị xã hội, các chủ trương của Đảng, Nhà nước và hoạt động của cơ quan chính quyền, Công an… Hay như “Nờ Ô Nô” - một tài khoản TikTok của Phạm Đức Tuấn đã cố bắt trước theo trend giúp đỡ những người neo đơn, khó khăn bằng cách mua cho họ một bữa ăn, nhưng bằng cách thức miệt thị người già, người tàn tật với những câu thoại như “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Nghèo mà còn bày đặt chê đồ ăn nữa, vậy thôi khỏi ăn”, “chúc bà nhiều sức khỏe, vượt qua mùa đông cô đơn nghèo khổ, bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu”... Clip được đăng tải đã gây phẫn nộ, bất bình trong dư luận. Cả hai KOL trên đều đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về những hành vi không đúng của mình.
Thứ tư, người trẻ sống lệch chuẩn
Giới trẻ dễ chạy theo “xu hướng” đám đông, thường xuyên theo dõi, truy cập, tương tác với các hiện tượng mạng mà không tìm hiểu sâu xa, cặn kẽ về động cơ, hành vi cũng như nhân phẩm của những người đó, không tự ý thức được giới hạn đúng - sai, tốt - xấu trong chính hành vi của bản thân mình. Đại bộ phận người trẻ mang tâm lý đám đông, theo “trend”, cho rằng việc không nhanh chóng cập nhật và làm theo số đông là lạc hậu, lập dị.
Đáng lo ngại hơn, chính những hành vi lệch chuẩn được giới trẻ tung hô trên không gian ảo đã ngấm ngầm xâm nhập vào tiềm thức của một số người, từ đó tạo ra những hành vi đi ngược với chuẩn mực và nhân cách của họ. Có thể kể đến những hành vi lệch chuẩn diễn ra với tần suất lớn thời gian qua như những vụ bạo lực học đường; các vụ giết người dã man mà đối tượng phạm tội là trẻ vị thành niên; tư tưởng yêu gấp, sống vội, sống hưởng thụ dẫn đến việc “yêu phong trào”, “góp gạo thổi cơm chung” và xem nhẹ những giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; lối sống vị kỷ, thờ ơ với các phong trào Đoàn, phong trào của học sinh - sinh viên; coi trọng giá trị vật chất hơn tinh thần, quan tâm đến lợi ích trước mắt của bản thân, dễ dao động trước hoàn cảnh, hoặc chùn bước khi gặp khó... là minh chứng cho hệ lụy đó. Giới trẻ sẽ có tâm lý lạnh lùng, vô cảm, thờ ơ trước những vấn đề chính trị, xã hội. Giới trẻ sẽ thích thú với lối sống xa hoa, hưởng thụ hơn là chăm chỉ học tập, lao động. Giới trẻ sẽ bất chấp để “đu trend” cho dù có đi ngược lại các giá trị truyền thống, sự giáo dục của gia đình, trường lớp, miễn sao được tung hô, được “on top” (lên xu hướng).
Để ngăn chặn, hạn chế tác động tiêu cực của hiện tượng “lệch chuẩn thần tượng” cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
- Cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ. Điều này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chịu trách nhiệm chính. Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, cần thực hiện hiệu quả hơn nữa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Thầy mẫu mực, trò chăm ngoan”... ở các khu dân cư và trong các nhà trường. Mặt khác, gia đình, nhà trường và xã hội cần có sự tương tác để tạo môi trường, cơ hội cho người trẻ được lên tiếng, được thể hiện bản thân. Cần tạo các diễn đàn để giới trẻ tham gia, bình luận, chia sẻ, tìm hình mẫu xứng đáng trong thời đại mới, coi đó như tấm gương sáng để noi theo. Đó là cách tạo ra một thế giới thực với những con người thực, những giá trị đích thực, giúp giới trẻ phân biệt và tránh xa thế giới ảo đầy cạm bẫy.
- Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - thông tin. Cần vận dụng triệt để quy định của 05 luật, 50 nghị định, 14 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 100 thông tư, thông tư liên tịch trong nỗ lực kiểm soát, làm trong sạch, lành mạnh môi trường văn hóa mạng. Theo dõi và xử lý nghiêm các hành vi đăng tải hình ảnh, clip có nội dung lệch chuẩn đạo đức xã hội, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật.. cần được thực hiện quyết liệt hơn.
- Phát huy vai trò của giới nghệ sĩ, trí thức, hình thành những idol chuẩn mực về lối sống, nội dung truyền tải lành mạnh, đề cao giá trị văn hóa truyền thống. Thời gian qua, có rất nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn lựa chọn nội dung “ít thu hút” như đề tài lịch sử (tài khoản TikTok “Giao Cùn” với những chia sẻ về lịch sử qua giọng kể của GenZ, cách kể sử hóm hỉnh, vui vẻ); chia sẻ cuộc sống trong quân ngũ (tài khoản TikTok “Anh Bộ Đoại”, “Lê Anh Nuôi”), truyền cảm hứng (tài khoản TikTok “Quan Không Gờ”, “Chị An Đen”, “Nguyễn Thúc Thùy Tiên”)… Những tài khoản này thực sự là làn gió mát, thổi đi những thứ văn hóa xấu độc, nhảm nhí đang đầy rẫy trên không gian mạng, đem lại những trải nghiệm tích cực đến khán giả, nhất là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên.
Hiện tượng “lệch chuẩn thần tượng” không phải là hiện tượng mới, nhưng hệ lụy mà nó gây ra có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực rất cao đối với đời sống văn hóa, xã hội. Với vai trò, trách nhiệm của mình, từ cơ quan, tổ chức đến từng cá nhân hãy chung tay, cùng làm trong sạch môi trường văn hóa mạng, đẩy lùi những cái xấu, độc, lan tỏa những việc làm hay, những điều tốt đẹp để góp phần đưa Việt Nam ta hòa nhập với văn hóa thế giới nhưng vẫn giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hóa Dân tộc với tinh thần “hòa nhập nhưng không hòa tan”.
Bích Hiền
- Công an xã Ea Ral, huyện Ea H’leo truy bắt nhanh 02 đối tượng Cướp giật tài sản (23/04/2025, 18:33)
- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế giữa Công an tỉnh và Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk trong tình hình mới (23/04/2025, 10:21)
- Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk kịp thời khống chế đối tượng loạn thần cầm dao gây rối (23/04/2025, 09:52)
- Quán trán triệt, triển khai và sơ kết việc thực hiện các văn bản của UBND tỉnh về bảo đảm ANTT phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh (23/04/2025, 08:36)
- Công an tỉnh Đắk Lắk tăng cường tham mưu phối hợp quản lý chất lượng sầu riêng xuất khẩu (20/04/2025, 22:50)
- Phòng An ninh kinh tế tổ chức chương trình “Cùng em đến trường” tại Trường tiểu học Ea Bông (huyện Krông Ana) (20/04/2025, 14:27)
- Bộ Công an tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng và thi hành án hình sự tại cộng đồng Quý I/2025 (20/04/2025, 09:57)
- Công an phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ phát động, triển khai thi đua cao điểm về việc thống kê, tiếp nhận, nộp lưu, tra cứu hồ sơ căn cước, cư trú (19/04/2025, 23:53)
- Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện Đề án truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030 (19/04/2025, 23:43)
- Phòng Tham mưu tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập lực lượng Tham mưu CAND (18/4/1946 - 18/4/2025) (18/04/2025, 17:10)
- Phản bác luận điệu xuyên tạc cuộc cách mạng cải cách, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (18/04/2025, 11:06)