CHI TIẾT TIN CHI TIẾT TIN
Cảnh báo thủ đoạn lừa đổi tiền trên mạng xã hội vào dịp Tết Nguyên đán để chiếm đoạt tài sản (16/01/2025)

Lì xì đầu năm mới là một phong tục truyền thống đầy ý nghĩa trong văn hóa Việt Nam, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Để chuẩn bị lì xì, nhiều người thường tìm đến dịch vụ đổi tiền mới. Do đó, Tết đã trở thành cơ hội cho các loại hình kinh doanh tiền mới, tiền có seri đẹp, tiền lưu niệm độc lạ.

Hiện nay, trên mạng xã hội có nhiều hội nhóm được lập ra nhằm phục vụ cho “dịch vụ đổi tiền lẻ” với những lời mời chào hấp dẫn. Chỉ cần gõ tìm kiếm từ khóa “đổi tiền mới”, hàng loạt tài khoản, hội, nhóm liên quan đến dịch vụ này xuất hiện. Có những hội, nhóm lên tới cả chục ngàn thành viên tham gia. Mệnh giá được đổi thường từ 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng đến 20.000, 50.000, 100.000 đồng… và mỗi mệnh giá lại có mức phí khác nhau. Hầu hết các “đại lý online” đều công khai phí tương đương nhau, dao động từ 5 đến 15% hoặc hơn giá trị số tiền được đổi. Phí đổi sẽ biến động liên tục, càng gần Tết thì phí sẽ càng tăng, tùy vào độ hút hàng của mệnh giá. Theo quảng cáo, khách hàng muốn loại tiền mới nào cũng có, đủ tờ, nguyên seri, nguyên cọc, giao hàng nhanh, chi phí rẻ…

Tuy nhiên, theo quy định Thông tư 25/2013/TT-NHNN ngày 02/12/2013 quy định về hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông của Ngân hàng Nhà nước đã chỉ rõ: chỉ có những tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp và có thể bị xử phạt. Do đó,  các hành vi thu đổi tiền mới, tiền lẻ của các cá nhân, tổ chức nhằm hưởng phần trăm chênh lệch đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, những dịch vụ “đổi tiền lẻ”, “tiền mới” trên mạng xã hội lại mang tính rủi ro rất cao. Bởi, các đối tượng có thể lợi dụng nhu cầu của người dân đang cần đổi tiền mới mà có thể sử dụng tiền bất hợp pháp, tiền không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả. Các đối tượng còn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để dẫn dụ nạn nhân đổi tiền trực tuyến nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản; không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản, trang mạng xã hội đã chặn liên lạc, chiếm đoạt khoản tiền đã đặt cọc của khách; thậm chí, có trường hợp người đi đổi tiền còn trở thành nạn nhân của hành vi “cướp tài sản”. Mới đây nhất, vào ngày 09/1/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk đã tạm giữ hình sự 01 đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi “Cướp tài sản”. Theo đó, “đóng vai là người có nhu cầu đổi tiền” với mục đích cướp tài sản; đối tượng đã sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook để liên lạc với tài khoản của nạn nhân và đặt đổi 20 triệu đồng tiền mới. Sau khi nạn nhân đến địa điểm được hẹn trước, đối tượng đã đổi địa điểm và dẫn dụ nạn nhân đến một địa điểm khác để thực hiện hành vi cướp tài sản là 38 triệu đồng tiền mặt, cùng 01 điện thoại di động.

Vì vậy, để không vi phạm pháp luật hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm, người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh “mắc bẫy” đổi tiền lẻ, tiền mới của các loại đối tượng; khi có nhu cầu giao dịch, trao đổi tiền, chỉ thực hiện tại những tổ chức được Nhà nước cho phép.

Linh Chi

Các tin khác

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐẮK LẮK

Địa chỉ : 58 Nguyễn Tất Thành - Tp.Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đắk Lắk

Điện thoại: 0694 387 789

Chung nhan Tin Nhiem Mang

ipv6 ready