
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn chiến trường miền Trung nói chung, vùng Tây Nguyên nói riêng, tháng 10 năm 1965, Khu uỷ V quyết định hợp nhất B3([1]), B5([2]) thành tỉnh Đắk Lắk, phân chia địa giới hành chính kháng chiến của tỉnh gồm 10 huyện, thị; đặt mật danh từ H1 đến H10. Theo quyết định trên, Ban An ninh B3, B5 sáp nhập thành Ban An ninh Đắk Lắk; Ban An ninh các huyện, trong đó có Ban An ninh huyện H5 được sắp xếp, củng cố, kiện toàn theo mô hình tổ chức mới. Lúc này, Ban An ninh huyện có tổng quân số gồm 12 đồng chí, đồng chí Phan Châu Sĩ - Thường vụ Huyện ủy được phân công làm Trưởng Ban; Phó Ban là đồng chí Nguyễn Xuân Tùng, trực tiếp chỉ đạo công tác nghiệp vụ.
H5 là một huyện có địa giới hành chính kháng chiến rộng lớn([3]) với vị trí chiến lược vô cùng quan trọng: là bàn đạp vững chắc cho công tác nắm tình hình địch và đánh địch trong thị xã Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, địa bàn huyện là nơi có đường hành lang chiến lược Bắc - Nam của ta đi ngang qua. Vì vậy, thường xuyên có các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội chủ lực; đồng thời, là nơi cất giấu kho tàng, trung chuyển hàng hóa chi viện từ miền Bắc đến chiến trường miền Trung và Nam Bộ. Xác định đây là địa bàn chiến lược, Mỹ, ngụy cũng thường xuyên tập trung lực lượng, phương tiện đánh phá nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng, cắt đứt con đường hành lang vận chuyển của ta đi qua địa bàn huyện. Từ năm 1965, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, chúng tăng cường sử dụng phi pháo, xe tăng, máy bay chiến đấu… để “tìm diệt” lực lượng cách mạng và “bình định” các buôn, ấp, hòng giành giật với ta từng người dân, từng tấc đất. Bên cạnh đó, chúng còn đẩy mạnh hoạt động của bộ máy tề, xã, ấp, hoạt động tình báo, chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, ráo riết chống phá cách mạng.
Hội thảo khoa học lịch sử CAND Đắk Lắk trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Trước tình hình trên, với chức trách, nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh H5 đã kiên cường bám đất, bám dân, thực hiện tốt công tác nắm tình hình, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo, cơ quan, căn cứ, hành lang vận chuyển của ta; phối hợp lực lượng tham gia đánh địch, chống các cuộc bình định, càn quét, gom dân lập ấp chiến lược. Đặc biệt, Ban An ninh H5 đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng cơ sở, diệt ác, phá kìm, góp phần tích cực nâng cao khí thế và phong trào cách mạng trên địa bàn huyện. Giữa tháng 12 năm 1965, nhân lúc bọn lính bảo an đang tập trung tại dinh điền Phú Học xem cải lương, lơ là canh gác; cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh H5 đã đột nhập vào trụ sở, diệt 01 tên chỉ điểm, 02 tên ác ôn, trong đó có 01 tên là Trưởng Cảnh sát xã, có nhiều nợ máu (từng tham gia tàn sát cán bộ và đồng bào ta tại đập Vĩnh Trinh, Quảng Nam - Đà Nẵng). Trận diệt ác này đã làm bọn lính bảo an hoang mang, lo sợ, bỏ chốt chạy về Quảng Nhiêu (nay thuộc địa phận huyện Cư M’gar). Nhân cơ hội đó, cán bộ, chiến sĩ An ninh đã phối hợp với các lực lượng phát động quần chúng đứng lên giải phóng toàn xã Phú Học. Cũng trong thời gian này, cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh H5 còn phối hợp diệt tên Phạm Tẫn - thuộc an ninh quân đội ngụy, là một tên hoạt động chống phá rất tích cực, gây nhiều khó khăn cho ta trong công tác liên lạc, vận chuyển vũ khí, phương tiện và con người trên đường hành lang.
Trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, thực hiện chủ trương tổng công kích, tổng khởi nghĩa của Tỉnh ủy và Ban An ninh tỉnh, CBCS An ninh H5 đã vận động, tập hợp được hàng nghìn quần chúng Nhân dân từ các vùng giải phóng, các buôn làng trong vùng địch hình thành đội quân đấu tranh chính trị kéo vào Quảng Nhiêu; kết hợp đấu tranh chính trị với nổi dậy diệt ác, phá kìm, tấn công vào các cứ điểm, làm hệ thống chính quyền địch hầu như bị tê liệt, bọn tề điệp, ngụy quân, ngụy quyền bỏ đồn bốt chạy trốn… Bên cạnh đó, CBCS An ninh H5 còn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an toàn trại giam đóng trên địa bàn huyện([4]). Sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, H5 trở thành một trong 02 huyện có vùng giải phóng lớn nhất tỉnh. Tiếp tục phát huy khí thế các mạng đang dâng cao trên địa bàn huyện, tháng 4/1968, đồng chí Lê Huy Kim - Phó Ban An ninh H5 đã đột nhập vào trụ sở Hội đồng xã Quảng Nhiêu, diệt tên Lại Đức Cát - Chủ tịch Hội đồng, đảng viên Quốc dân đảng - một tên khét tiếng ác ôn, có nhiều nợ máu với Nhân dân. Cùng thời gian này, CBCS an ninh H5 đã tiến hành truy quét mạng lưới tề điệp, tình báo, chiêu hồi do địch cài cắm vào vùng giải phóng, bắt 80 tên đưa đi giáo dục, cải tạo.
Bước qua năm 1969, Mỹ, ngụy triển khai chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Chúng ráo riết đẩy mạnh việc bố phòng, tăng quân, thực hiện kế hoạch “bình định cấp tốc” nhằm “tìm diệt” cho hết các cơ sở cách mạng, kết hợp lùa xúc dân vào các khu đồn, ấp chiến lược, hình thành vành đai trắng ngăn cách giữa căn cứ của ta và vùng địch kiểm soát. Tình hình ác liệt của chiến trường cùng với việc địch tăng cường thủ đoạn chiến tranh tâm lý, chiêu hồi đã làm ảnh hưởng đến tư tưởng, lập trường của một số cán bộ, nhân viên của ta dẫn đến chao đảo, thoái hóa, đi đầu hàng địch, trong đó có tên Trịnh Ngọc Sỹ - Trung sỹ An ninh vũ trang Đắk Lắk. Sau khi đầu hàng phản bội, Sỹ được ngụy quyền bổ nhiệm làm Phó An ninh thôn 4, Quảng Nhiêu. Y hoạt động rất ranh ma, xảo quyệt, nhiều lần dẫn đường cho địch phục kích đánh phá, chỉ điểm bắt cơ sở ta. Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Ban An ninh tỉnh phải diệt bằng được tên Sỹ, bảo vệ lực lượng cách mạng, CBCS An ninh H5 đã lập kế hoạch bám sát đối tượng, nắm vững quy luật sinh hoạt của hắn và tìm cách tiếp cận, gài mìn, trừng trị tên này ngay tại nhà. Chiến công này của CBCS An ninh H5 đã được cấp trên khen ngợi, đánh giá cao, đáp ứng được mong muốn của đông đảo CBCS; đồng thời, có tác dụng mạnh mẽ trong việc răn đe, giáo dục những đối tượng có ý định làm tay sai cho địch.
Từ năm 1969 đến 1972, CBCS An ninh H5 tiếp tục tổ chức, thực hiện được nhiều vụ diệt ác với cách đánh nhanh, táo bạo nhưng vô cùng hiệu quả, gây chấn động địa bàn, như: năm 1969, đã diệt một tên Phó đoàn bình định, tổ trưởng dân y vụ, bắn bị thương 01 Cảnh sát xã; năm 1970, đã bố trí lực lượng, phục kích, chặn đường tiêu diệt tên Trần Côn, là một tên ngụy quyền khét tiếng ác ôn, thu 01 súng, 01 xe máy; tháng 8/1971, Tổ An ninh H5 do đồng chí Y Sơn Kpă chỉ huy đột nhập vào khu Đồn 23, bắt diệt tên Phó an ninh khu đồn, tên ấp trưởng và tên trung đội trưởng nghĩa quân; năm 1972, đã đột nhập vào khu Đồn Quảng Phú giữa ban ngày, diệt tên ác ôn Huỳnh Chư, thôn trưởng thôn 4; bắt, đưa đi giáo dục cải tạo tên Cận - Chủ tịch Quốc dân đảng xã Quảng Nhiêu. Kết quả công tác diệt ác của CBCS Ban An ninh đã làm bọn tề, điệp, ác ôn trên địa bàn hoảng sợ, không dám hoạt động mạnh, nhiều tên đã chủ động liên lạc với ta cung cấp tin tức tình hình, khai báo tội lỗi và tố cáo đồng bọn hoặc mang súng chạy ra vùng giải phóng xin gia nhập vào lực lượng vũ trang của ta.
Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, H5 là nơi trú quân, tập kết quân và là nơi cất dấu phương tiện khí tài của ta; đồng thời, đây cũng là nơi đứng chân của toàn bộ cơ quan của Tỉnh([5]). Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho quân và dân H5 nói chung, Ban An ninh H5 nói riêng là rất nặng nề. Với chức trách, nhiệm vụ được giao, CBCS An ninh H5 đã tập trung xây dựng các phương án, kế hoạch phối hợp bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo; phát động phong trào “bảo mật, phòng gian”, đảm bảo an toàn các cơ quan, các trục hành lang, nơi đóng quân bộ đội, cơ quan tiền phương tỉnh, huyện. Phục vụ cho cuộc tổng tiến công, CBCS An ninh H5 còn tập trung xây dựng, củng cố lại các cơ sở phục vụ công tác nắm tình hình địch, tình hình quần chúng để kịp thời tham mưu cấp ủy; gấp rút xây dựng trại giam dã chiến đóng trên địa bàn huyện theo chỉ đạo của lãnh đạo Ban An ninh tỉnh… Khi quân chủ lực đánh chiếm các cứ điểm, lực lượng an ninh đã tham gia dẫn đường cùng bộ đội chủ lực tấn công vào các cơ quan đầu não của địch. Tại Cư M’gar, lực lượng An ninh đã phối hợp với các ban ngành hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp, giải phóng 8.000 dân.
Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, CBCS Ban An ninh đã tổ chức đánh độc lập 194 trận; phối hợp đánh 201 trận; diệt được 986 tên địch, trong đó có gần 100 tên ác ôn có nhiều nợ máu; thu hàng trăm súng các loại và nhiều phương tiện hoạt động của địch. CBCS Ban An ninh còn xây dựng được hàng chục cơ sở bí mật phục vụ cho công tác đánh địch; bảo vệ an toàn hàng trăm lượt đưa đón các đồng chí lãnh đạo đi công tác. Quá trình công tác, chiến đấu, CBCS Ban An ninh H5 luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Những thành tích, đóng góp của CBCS Ban An ninh H5 đã góp phần tích cực tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk nói chung và lực lượng CAND nói riêng, xứng đáng được các thế hệ đi sau trân trọng và tôn vinh. Với những thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu, Ban An ninh H5 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý; đặc biệt, ngày 22/7/1998, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 342/KT-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban An ninh H5./.
Minh Thủy-Phòng Tham mưu
([1]) B3: gồm M’Đrắk, Đông Cheo Reo, Tây Cheo Reo, Buôn Hồ và vùng nông thôn phía Bắc thị xã Buôn Ma Thuột
([2]) B5: gồm thị xã Buôn Ma Thuột, vùng nông thôn phía Nam thị xã, huyện Lắk, một số vùng phía Bắc huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đức Xuyên (thuộc tỉnh Lâm Đồng ngày nay) và một số làng nam đường 21.
([3]) Bao gồm địa bàn huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar và một phần phía Tây thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk ngày nay.
([4]) Trong năm 1968, ta đã phải thay đổi địa điểm trại giam 11 lần vì bị địch phát hiện, đánh phá. Mỗi lần di chuyển, CBCS mưu trí, dũng cảm phải vượt qua bọn biệt kích, thám báo, máy bay bắn phá đồng thời đảm bảo an toàn cho phạm nhân, không để chúng trốn thoát.
([5]) Để thuận lợi cho công tác chỉ đạo chiến trường, tháng 1/1975, Tỉnh ủy quyết định chuyển toàn bộ cơ quan của tỉnh về địa bàn H5.
- Khai giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho Đối tượng 2 và Đối tượng 3 năm 2025 (12/05/2025, 21:30)
- Cảnh giác bẫy lừa đảo qua mạng trong mùa thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 (12/05/2025, 16:28)
- Công an Đắk Lắk triển khai các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai năm 2025 (12/05/2025, 11:41)
- Phòng An ninh kinh tế tổ chức các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống vẻ vang của lực lượng An ninh kinh tế (13/5/1953 - 13/5/2025) (12/05/2025, 11:23)
- Hướng dẫn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID (12/05/2025, 09:45)
- Bản án nghiêm minh, thích đáng cho kẻ mua bán trái phép chất ma túy (10/05/2025, 16:37)
- Phòng Cảnh sát Cơ động Đắk Lắk: Nghĩa tình từ “trái tim” những người lính (09/05/2025, 16:37)
- Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân Liệt sĩ chưa xác định danh tính (09/05/2025, 16:30)
- Công an tỉnh Đắk Lắk thăm, chúc mừng các cơ sở Phật giáo nhân dịp Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc và lễ Phật đản PL.2569 năm 2025 (09/05/2025, 16:22)
- Khen thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân lập thành tích trong phát hiện, làm rõ các đối tượng có hành vi vận chuyển, tàng trữ vũ khí (09/05/2025, 11:04)
- Phòng Hậu cần sôi nổi chuỗi hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (01/05/2025, 21:47)