CHI TIẾT TIN CHI TIẾT TIN
Đắk Lắk quyết tâm xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở vững mạnh (22/06/2024)

Từ Nghị định, Pháp lệnh đến Luật

Trong những giai đoạn trước đây, Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố và các tổ chức Dân phòng ở cơ sở đã có những quy định, thông tư, nghị định, pháp lệnh để điều chỉnh, từng bước nâng tầm hoạt động. Riêng lực lượng Công an xã bán chuyên trách, năm 1999 có Nghị định số 40, đến năm 2008 đã nâng tầm và có Pháp lệnh số 06. Đến nay, 3 lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố và Dân phòng được hợp chung thành Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được Quốc hội khóa 15 ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Với 5 Chương, 33 Điều, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định rõ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động; công tác xây dựng lực lượng, điều kiện bảo đảm cho lực lượng này hoạt động hiệu quả và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có 6 nhóm nhiệm vụ hỗ trợ Công an cấp xã, gồm: hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở và hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.

Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện Luật lực lượng tham gia BV ANTT ở cơ sở

Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh quán triệt việc thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được ban hành đã cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Luật được thực thi sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng trong hoạt động, quản lý, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để lực lượng này phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thực sự nâng tầm là “cánh tay nối dài” hỗ trợ cho Công an cấp xã thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới đạt hiệu quả cao ngay từ cấp thôn. Theo thống kê trên cả nước, đến năm 2023, có khoảng 300 ngàn người đang tham gia hỗ trợ các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong đó, có hơn 66.700 thành viên Bảo vệ dân phố, trên 70.800 Công an xã bán chuyên trách và hơn 161 ngàn đội trưởng, đội phó các đội dân phòng. Và những người đã có quá trình đóng góp tích cực, tiêu biểu, đảm bảo các tiêu chuẩn đều được các địa phương xem xét đưa vào danh sách để thành lập tổ chức mô hình các Tổ bảo vệ an ninh, trật tự mới theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đây là những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, buôn, tổ dân phố để tiếp tục hỗ trợ, giúp Công an và UBND cấp xã tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển KT-VH-XH ở các địa phương, cơ sở.

Đắk Lắk quyết tâm xây dựng Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vững mạnh

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, thực tế những giai đoạn trước đây cũng cho thấy các lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố và Dân phòng đã có những đóng góp rất quan trọng, to lớn trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Trong những thành quả bảo vệ an ninh, trật tự của lực lượng Công an Đắk Lắk, luôn có một phần cống hiến mồ hôi, công sức của các lực lượng này. Trong đó, có nhiều đồng chí Công an xã bán chuyên trách đã tích cực, tận tụy, dũng cảm đối mặt với bọn tội phạm nguy hiểm, ngăn chặn cái ác và đã bị thương, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ ANTQ. Như liệt sỹ Đàm Văn Dũng, Phó Công an xã Ea Phê, huyện Krông Pắk; liệt sỹ Nguyễn Đình Long, Công an viên thôn 6, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk và liệt sỹ Nguyễn Xuân Ba, Trưởng Công an xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar.

Để động viên các lực lượng này ở cơ sở hoạt động, trong những giai đoạn đã qua, Tỉnh ủy Đắk Lắk, HĐND, UBND tỉnh và Công an tỉnh đã có nhiều sự quan tâm, chỉ đạo thiết thực. Thời gian gần đây, khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được Quốc hội thông qua, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã quyết liệt tham mưu, tích cực, khẩn trương tổ chức thực hiện nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho Lễ ra mắt lực lượng này thành công trên quy mô toàn tỉnh và nhanh chóng đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả cao trong thời gian tới. Thực hiện các nhiệm vụ Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ngày 20/6/2024, tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 13, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X đã thông qua nghị quyết Quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Quy chế có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024. Theo nội dung được đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, tại mỗi thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh sẽ thành lập 1 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Trên địa bàn tỉnh có 2.199 thôn, buôn, tổ dân phố, thì có 2.199 Tổ bảo vệ an ninh trật tự. Về số lượng thành viên của Tổ, Nghị quyết quy định đối với thôn, buôn, tổ dân phố có quy mô dân số đến 2.000 người được bố trí 3 thành viên; trường hợp thôn, buôn, tổ dân phố thuộc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội thì bố trí tối đa 5 thành viên. Đối với thôn, buôn, tổ dân phố có quy mô dân số trên 2.000 người được bố trí 4 thành viên; trường hợp thôn, buôn, tổ dân phố thuộc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội thì bố trí tối đa 6 thành viên. Cùng với việc quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, các đại biểu cũng đã tán thành thông qua nội dung quy định về chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng này. Theo đó, Tổ trưởng, Tổ phó và Tổ viên được hỗ trợ hằng tháng lần lượt là: 1.800.000 đồng, 1.500.000 đồng, 1.200.000 đồng/người/tháng và được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức đóng bảo hiểm y tế. Ngoài ra, khi thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc thực hiện các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày, nhưng không quá 10 ngày/người/tháng. Trường hợp chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ được hưởng hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; hỗ trợ tiền ăn hằng ngày. Trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn, tùy thuộc vào tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động được trợ cấp, tối đa 30.000.000 đồng; trường hợp chết khi thực hiện nhiệm vụ thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng phí bằng 11.000.000 đồng; trợ cấp tiền tuất bằng 5 (năm) lần mức hỗ trợ hàng tháng hiện hưởng. Nghị quyết được thông qua, ban hành làm cơ sở để thống nhất 3 lực lượng hiện nay (Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng) thành 1 lực lượng và việc quy định chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn cơ sở. Có thể khẳng định rằng, việc trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua nghị quyết tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 13 đã đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; đảm bảo cho tỉnh triển khai Kế hoạch của Bộ Công an về tổ chức Lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được trang trọng, ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả hơn. Qua đó, tạo khí thế phấn khởi, động viên lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trong toàn tỉnh tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở góp phần củng cố nền an ninh Nhân dân, thế trận an ninh Nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc.

Trong những ngày cuối tháng 6/2024, trước khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu lực, chúng tôi đã gặp nhiều thành viên trong các Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở các xã, phường, thị trấn. Mọi người đều bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng và có tinh thần cống hiến cao hơn khi đã có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ông Đặng Công Chắt, Tổ phó bảo vệ an ninh, trật tự ở Tổ dân phố 6,  Phường Tân Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Trước đây, tôi làm Tổ trưởng của Bảo vệ dân phố 6, thuộc phường Tân Lợi trong nhiều năm. Tôi thấy ở phường tôi và các xã, phường trọng điểm khác của Thành phố Buôn Ma Thuột hàng năm có nhiều vụ việc về ANTT, đánh nhau, gây rối, trộm cắp, nghiện, ma túy…Ban bảo vệ dân phố chúng tôi cũng ngày, đêm khi cần, có việc, cũng luôn cùng Công an phường đi tuần tra, nắm, ngăn chặn, giải quyết các sự việc, vụ án…Lâu nay, hoạt động của chúng tôi cũng khó khăn, có nhiều hạn chế về phụ cấp, chế độ các thứ. Nhưng từ tháng 7/2024 có Luật rồi, tỉnh và Công an tỉnh đã quan tâm rồi thì chúng tôi được động viên hơn, hưởng phụ cấp tốt hơn…Chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục tham cho phường tốt hơn”. Còn ông Lý Hồng Nhượng, Công an viên thôn 7A, xã Ea Wy, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk thì chia sẻ: “Giờ đã có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở rồi, thì chúng tôi cũng cảm thấy được động viên hơn, được thụ hưởng chế độ, bảo hiểm và mức phụ cấp hàng tháng tương đối ổn định hơn. Hiện tại mức phụ cấp như tôi được 1,8 triệu đồng, ở nông thôn thì nó rất là nhiều việc. Nói chung là sẽ cố gắng hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ giao và để ngày càng vững mạnh, phát triển. Thời gian tới, chúng tôi cũng mong Đảng, Nhà nước, tỉnh, Công an tỉnh quan tâm hơn nữa, có nhiều giải pháp để hỗ trợ đối với lực lượng chúng tôi, nhất là ở những thôn, buôn, những xã trọng điểm có nhiều việc phức tạp về ANTT”.

Hình ảnh Công an xã bán chuyên trách, các Ban Bảo vệ dân phố, các Tổ dân phòng cùng Công an chính quy tuần tra bảo vệ ANTT, vây bắt tội phạm, dân vận tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk những năm qua

Với những quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cùng các văn bản pháp lý hiện hành cụ thể hóa để thực thi Luật này và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hy vọng trong những năm tới, 2.199 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ được xây dựng thực sự vững mạnh hơn, từng bước được nâng tầm, những vi phạm về ANTT, tội phạm được ngăn ngừa, kéo giảm sâu hơn ngay từ thôn, buôn, tổ dân phố và hiệu quả các mặt hoạt động đảm bảo ANTT, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với xây dựng, phát triển KT-VH-XH ở các địa phương, cơ sở sẽ được nâng cao hơn nữa./.

Trọng Hiến

Các tin khác

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐẮK LẮK

Địa chỉ : 58 Nguyễn Tất Thành - Tp.Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đắk Lắk

Điện thoại: 0694 387 789

Chung nhan Tin Nhiem Mang

ipv6 ready