
Bộ Ngoại giao Mỹ cần đánh giá khách quan về tự do tôn giáo ở Việt Nam
Vào các dịp cuối năm, Bộ Ngoại giao Mỹ thường đưa ra các báo cáo nhân quyền, tự do tôn giáo đối với các nước trên thế giới. Mỹ tự cho mình đóng vai trò “Cảnh sát quốc tế” để giám sát hoạt động của các nước về nhân quyền, tự do tôn giáo. Ngày 04/01/2024, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tuyên bố, tiếp tục liệt Việt Nam vào Danh sách “Theo dõi đặc biệt” về tự do tôn giáo. Thừa dịp này, các trang Web, những tờ báo của nhóm cực đoan, đặc biệt là các “anh lớn” như: Đài phát thanh Châu Á tự do, Việt Tân, VOA Tiếng Việt “nhanh chân” với những nội dung đầy ác ý cùng tiêu đề “Tại sao Việt Nam vẫn trong Danh sách “Theo dõi đặc biệt” về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ”.
(Ảnh minh họa)
Những nhận định trên hoàn toàn mang tính bịa đặt, bóp méo sự thật và xuyên tạc chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan, công bằng. Bộ Ngoại giao Mỹ đơn phương đưa ra danh sách để đánh giá một quốc gia có chủ quyền, độc lập như Việt Nam là đi ngược lại quy định Hiến chương của Liên Hợp Quốc (LHQ) năm 1946. Mặt khác, cáo buộc này đã phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam khi tham gia vào “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966” mà Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982 với điều 18 cam kết về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng” (khoản 1 Điều 18 Công ước năm 1966).
Bộ Ngoại giao Mỹ thường cử các phái đoàn ngoại giao vào Việt Nam để theo dõi, quan sát về tình hình tự do tôn giáo, điều này phù hợp với tinh thần đối thoại, hợp tác lẫn nhau giữa Việt Nam và Mỹ. Tính từ năm 2006 đến nay, hằng năm phía Mỹ thường xuyên cử các phái đoàn hỗn hợp của Bộ Ngoại giao, Quốc hội Mỹ, tổ chức phi chính phủ trực thuộc các cơ quan, ban, ngành của Mỹ đến thăm, tiếp xúc làm việc với các cá nhân, chức sắc, tín đồ và tham dự các hội thảo, hội luận, tọa đàm do chính quyền Việt Nam tổ chức để làm rõ hơn quy cách quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ thường cử phái đoàn đến thăm gặp, tiếp xúc với cá nhân là chức sắc, tín đồ tôn giáo có những hoạt động vi phạm pháp luật hoặc những hội nhóm chưa đủ điều kiện công nhận về tổ chức tôn giáo theo quy định pháp luật. Đơn cử vào tháng 5 và tháng 10/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cử phái đoàn vào Việt Nam để khảo sát tình hình tự do tôn giáo chỉ tiếp xúc với các hội nhóm tôn giáo chưa được công nhận, thường xuyên vi phạm pháp luật như “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”, “Pháp luân công”, “Tin lành Đấng Christ các dân tộc Việt Nam”, “nhóm Cao Đài, Hòa Hảo độc lập”, “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”… Họ lên tiếng bênh vực những cá nhân vi phạm pháp luật như: đối tượng Nguyễn Năng Tĩnh, Lê Đình Lượng, Hồ Đức Hòa… trong đạo Công giáo; đối tượng Nguyễn Trung Tôn, Y Hin Niê, A Ga, A Đảo… trong đạo Tin lành; đối tượng Thích Không Tánh, Thích Tuệ Sỹ trong “Phật giáo Việt Nam thống nhất”. Thậm chí, những kẻ cố tình lợi dụng danh nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo như đối tượng Lê Tùng Vân tại “Thiền am bên bờ vũ trụ” (còn gọi là Tịnh thất Bồng Lai), tỉnh Long An cũng được phía Mỹ liệt kê vào danh sách cần “quan tâm, bảo vệ”.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý vững chắc để chứng minh những điều mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu trong báo cáo là không chính xác, thiếu khách quan
Thực tế tại Việt Nam, tình hình tự do tôn giáo được khẳng định rõ trong Hiến pháp, pháp luật và được tôn trọng, bảo đảm trên thực tế. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được ghi nhận tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013. Một số nguyên tắc, chuẩn mực cơ bản về bảo vệ, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo đã được ghi nhận trong các luật và bộ luật quan trọng của Việt Nam như: Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (Điều 9); Bộ luật Hình sự năm 2015 (Điều 116), Luật Giáo dục năm 2019 (Điều 13, 20); Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (Điều 17); Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, v.v.. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo với tổ chức, cá nhân chức sắc, tín đồ. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018), Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Nghị quyết số 25/NQ-TƯ, ngày 12/3/2003 Hội nghị Trung ương 7, Khóa IX về công tác tôn giáo, nêu 5 quan điểm về chính sách trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, tín đồ. Nhiều năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, trong đó có tín đồ, chức sắc tôn giáo được nâng cao, đã có những bước chuyển biến rất rõ nét, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đặc biệt, với việc Việt Nam 2 lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ (nhiệm kỳ 2014-2016 và nhiệm kỳ 2023-2025) với số phiếu bầu cao cho thấy sự tín nhiệm của các nước trên thế giới với cách nhìn nhận đánh giá đúng đắn, công tâm về tiến trình bảo đảm nhân quyền nói chung và quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam nói riêng.
Ngoài ra, những thành tựu gần đây về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận như: tổ chức thành công 3 lần Đại lễ VESAK LHQ các năm 2008, 2014 và năm 2019; Việt Nam đã cùng với Giáo hội Công giáo hoàn vũ (Vatican) tổ chức 9 vòng đối thoại thường niên để tiến tới xây dựng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Vatican phục vụ lợi ích giữa giáo hội, giáo dân và dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngày 09/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ đã đã công bố Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giao ở Việt Nam” minh bạch hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam và thành tựu bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở nước ta trong thời gian qua. Một lần nữa khẳng định, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng; không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào có hoạt động đúng pháp luật bị ngăn cấm.
Theo Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, tại Việt Nam với 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Hiện nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, người dân cũng hoàn toàn được tự do lựa chọn tôn giáo, tín ngưỡng. Có 15 tờ báo và tạp chí của các tổ chức tôn giáo hiện đang hoạt động.
Với trách nhiệm là công dân - tín đồ, đồng bào tôn giáo đã tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tại Quốc hội khóa XV, có 5 chức sắc trúng cử đại biểu Quốc hội, 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện, 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng bào tôn giáo tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước. Với tinh thần vì cộng đồng, các tôn giáo đã có những đóng góp quan trọng trên lĩnh vực an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo. Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị các cấp với các tổ chức tôn giáo được xây dựng tốt đẹp, gắn bó khăng khít được thể hiện trong nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại, thăm hỏi, đặc biệt là Hội nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được tổ chức hằng năm.
Ở Hoa Kỳ, mặc dù không ban bố bất cứ luật hay pháp lệnh riêng nào về tôn giáo, nhưng tất cả các hoạt động tôn giáo đều phải chịu sự điều chỉnh bởi các quy định trong hệ thống luật dân sự. Mỹ không thiết lập bộ máy quản lý riêng về tôn giáo, việc quản lý hoạt động tôn giáo được thực hiện theo từng bang và là công việc của các cơ quan hành chính, nhưng các tổ chức tôn giáo muốn hoạt động đều phải đăng ký với chính quyền và phải đảm bảo những điều kiện nhất định theo quy định của luật pháp. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn phải tuân thủ luật pháp và được giám sát trực tiếp bởi các cơ quan của chính quyền bang. Ở Đức, giáo sĩ Công giáo khi nhậm chức phải tuyên thệ tôn trọng chính phủ hợp hiến, tôn trọng lợi ích của nước Đức, v.v.. Như vậy, rõ ràng quyền tự do tôn giáo là có giới hạn và tùy thuộc vào luật pháp của mỗi quốc gia. Do đó, không thể đem quan niệm về tự do tôn giáo ở một quốc gia áp dụng cho tất cả các quốc gia, không thể đem những giá trị và tiêu chuẩn về tự do tôn giáo ở quốc gia này để đánh giá quyền tự do tôn giáo ở một quốc gia khác.
Việc Bộ Ngoại giao Mỹ đơn phương đưa Việt Nam vào “Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo” thực sự chưa thể hiện góc độ tiếp cận tích cực, thiếu căn cứ pháp lý. Tạo thêm những cơ sở, điều kiện để các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị tuyên truyền xuyên tạc sai lệch bản chất vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam./.
Bùi Nga
- Công an tỉnh Đắk Lắk thăm hỏi người chiến sĩ dũng cảm cắm cờ chiến thắng giữa lòng địch, trong chiến dịch Tây Nguyên lịch sử (28/04/2025, 17:38)
- Công an phường Tự An tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biên pháp luật phòng chống tội phạm trên địa bàn (28/04/2025, 15:24)
- Xã Cư Suê, huyện Cư M’gar tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa cho các hộ dân trên địa bàn (28/04/2025, 14:56)
- Tăng cường công tác phối hợp hướng dẫn, quản lý hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế trên địa bàn tỉnh (28/04/2025, 14:09)
- Thông báo về việc áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 01 tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột (28/04/2025, 11:07)
- Công an tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật về an toàn thực phẩm (28/04/2025, 10:06)
- Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức kỳ thi tuyển Điều tra viên năm 2025 (26/04/2025, 23:30)
- Khởi tố đối tượng sử dụng chất độc Xyanua để khai thác, chế biến vàng trái phép (26/04/2025, 23:19)
- Diễu binh, diễu hành - nét đẹp kỷ luật, sức mạnh và tinh thần đoàn kết toàn quân, toàn dân (26/04/2025, 23:11)
- Du khách nước ngoài cần sự giúp đỡ vật chất tại Việt Nam: bài toán khó giữa lòng tốt và trật tự an toàn xã hội (26/04/2025, 23:03)
- Thắt chặt tình đoàn kết giữa tỉnh Đắk Lắk - Mondulkiri qua chương trình giao lưu nghệ thuật “Thắm tình biên cương” (26/04/2025, 21:54)