
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, internet, mạng xã hội thời gian qua, tội phạm mạng, sử dụng công nghệ cao đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu; là thách thức lớn trong công tác bảo vệ quyền con người của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo Digital 2025 (Báo cáo thường niên về các xu hướng truyền thông xã hội do Meltwater và We Are Social công bố), tính đến tháng 02/2025, có 79,8 triệu cá nhân sử dụng Internet tại Việt Nam, chiếm 78,8% dân số. Trung bình mỗi người dành hơn 6 giờ/ngày để truy cập internet trên các thiết bị như: Điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng…Với sự phát triển như vậy, Việt Nam đang trở thành địa bàn lý tưởng của các hệ loại tội phạm, nhất là tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng về số lượng, tính chất vụ việc, mức độ, quy mô, phạm vi hoạt động.
Các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Nguồn: Internet.
Ngoài việc sử dụng các phương thức truyền thống để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, các đối tượng hiện nay còn triệt để khai thác lĩnh vực công nghệ, viễn thông, nhất là sử dụng nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để chỉnh sửa, cắt ghép hình ảnh, video giả mạo hết sức tinh vi, có tính thuyết phục cao nhằm tạo niềm tin, sự mất cảnh giác của người bị hại… Việc cá nhân sử dụng nền tảng các ứng dụng số phục vụ nhu cầu cuộc sống đã vô tình tạo ra không ít những sơ xuất, thiếu sót trong bảo mật thông tin cá nhân, dễ bị “hacker” chiếm quyền, đánh cắp, thu thập thông tin cá nhân, từ đó dựng lên các kịch bản hoàn hảo, đánh trúng vào tâm lý, khiến cho nạn nhân lầm tưởng và dễ dàng bị đánh lừa. Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2024 đã có gần 200 tên miền tương tự giả mạo được lập để thực hiện hành vi lừa đảo, giả danh cơ quan chức năng gọi điện, yêu cầu người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, cài ứng dụng VneID, hỗ trợ làm các thủ tục hành chính… để dẫn dắt truy cập vào đường “link” chứa virut, mã độc nhằm xâm nhập, chiếm quyền điều hành các ứng dụng đã cài đặt (tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng,…) và chiếm đoạt tài sản của người bị hại.
Thủ đoạn giả mạo đơn vị vận chuyển để lừa đảo. Nguồn: Internet.
Trước tình hình trên, để chủ động phòng ,chống tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian tới, Công an tỉnh khuyến cáo mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ mình là chính; thường xuyên trang bị những kiến thức cơ bản về phòng, chống tội phạm mạng, sử dụng công nghệ cao và đặc biệt cần khắc ghi, hình thành thói quen để thực hiện phương châm “1 Bảo, 2 Cảnh, 3 Kiểm, 4 Không, 5 Cẩn”, cụ thể:
“1 Bảo”: Bảo vệ an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân, chủ động chọn lọc thông tin trước khi chia sẻ công khai lên mạng xã hội, nhất là các thông tin như ngày tháng năm sinh, số CMND, CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng vào mục đích lừa đảo.
“2 Cảnh”:
- Cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là Công an, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Luật sư…để thông báo, yêu cầu điều tra các vụ án liên quan.
- Cảnh giác trước các thông tin thông báo nhận thưởng qua mạng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền để nhận thưởng.
“3 Kiểm”:
- Kiểm tra thường xuyên và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và cần bảo mật tuyệt đối thông tin các tài khoản trên, bao gồm: tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng….
- Kiểm tra kỹ thông tin khi kết bạn: Kiểm tra, tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền, tài sản lớn hoặc quà có giá trị lớn.
- Kiểm tra kỹ thông tin website khi thực hiện các giao dịch trực tuyến. (Website của tổ chức doanh nghiệp sẽ được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu đăng ký bằng hình ổ khóa bên cạnh tên miền giao thức https).
“4 Không”:
- Không mở, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cho người khác. Khi phát hiện đối tượng có hành vì mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
- Không nhấp vào đường “link” hoặc tệp đính kèm trong email (thư điện tử), tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định.
- Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng cá nhân, cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa xác định rõ nhân thân lai lịch của người đó.
- Không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng. Không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, số tài khoản ngân hàng…
“5. Cẩn”:
- Cẩn trọng xác minh đối với các tin nhắn qua mạng xã hội vay tiền, trong trường hợp này cần trực tiếp gọi điện thoại để xác nhận kỹ thông tin trước khi chuyển tiền.
- Cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch trên các đường “link” trong tin nhắn hay “Email” lạ không rõ nguồn gốc,
- Cẩn trọng trước lời mời chào hấp dẫn: nhất là lời hướng dẫn, giới thiệu, dụ dỗ làm theo các cách thức làm việc nhẹ nhàng, kiếm tiền dễ dàng…
- Cẩn trọng khi cài ứng dụng, phần mềm: Không cài đặt trên điện thoại, máy tính các ứng dụng chưa được xác thực. Khi phát hiện SIM điện thoại bị vô hiệu hóa, cần liên hệ ngay nhà mạng để yêu cầu hỗ trợ, xác mình. Nếu bị mất điện thoại, cần nhanh chóng báo cho nhà mạng để khóa SIM kịp thời.
- Cẩn trọng đối với các Website, ứng dụng giả mạo: Tuyệt đối không truy cập website, ứng dụng trong tin nhắn nhận được, trang web có nội dung không rõ ràng, giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng…
Khẩn trương trình báo với cơ quan Công an nơi gần nhất nếu nghi vấn bị lừa đảo để được hướng dẫn, xử lý kịp thời./.
Linh Chi
- Cảnh báo thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao (11/04/2025, 20:15)
- Công an phường Tự An bắt đối tượng trộm cắp tài sản sau 24h gây án (27/03/2025, 14:54)
- Tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đối với xe đạp điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ (21/03/2025, 00:59)
- Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” (24/01/2025, 15:05)
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đổi tiền trên mạng xã hội vào dịp Tết Nguyên đán để chiếm đoạt tài sản (16/01/2025, 15:02)
- Cảnh báo thủ đoạn sử dụng công nghệ “AI” cắt ghép, chỉnh sửa hình ảnh để đe dọa, tống tiền (15/01/2025, 21:54)
- Cẩn trọng trước các “lò” luyện thi đánh giá năng lực trên mạng xã hội (10/01/2025, 14:53)
- Cảnh giác với tội phạm tiền giả trong dịp Tết Nguyên đán 2025 (21/12/2024, 20:52)
- Công an huyện Ea Súp bắt đối tượng làm giả bằng cấp, giấy tờ để thu lợi bất chính (07/11/2024, 18:01)
- Tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các hành vi mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên không gian mạng (16/10/2024, 23:53)