
Sau sự việc vụ khủng bố ngày 11/6/2023 tại huyện Cư Kuin, các tổ chức phản động FULRO lưu vong đã tạo ra một “làn sóng” truyền thông trên không gian mạng, sử dụng nhiều thủ đoạn để chia rẽ khối đại đoàn kết, chống phá Việt Nam.
1. Rạng sáng ngày 11/6/2023, một nhóm đối tượng có vũ trang đã tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk; hậu quả làm 9 người chết, 2 người bị thương, nhiều tài sản khác bị đốt phá.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc để xử lý vụ việc, ổn định tình hình. Đến thời điểm hiện tại, các đối tượng tham gia vụ khủng bố đều đã bị bắt giữ; Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố, bắt, tạm giam đối với 91 bị can về các tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “Không tố giác tội phạm”, “Che giấu tội phạm” và “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định, đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý triệt để các đối tượng liên quan. Ngoài ra, lực lượng Công an cũng đã thu thập được các tài liệu, chứng cứ chứng minh vụ án xảy ra còn do có sự hậu thuẫn, chỉ đạo từ một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, thậm chí cử đối tượng từ nước ngoài xâm nhập trái phép về Việt Nam để dàn dựng, chỉ đạo vụ tấn công khủng bố.
Các đối tượng khủng bố bị bắt giữ
Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, Bộ Công an cũng như các cơ quan chức năng đã có các thông tin chính thức với báo chí và tại một số hội nghị, diễn đàn. Tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do Liên Hợp quốc tổ chức tại New York (Mỹ) ngày 20/6/2023, đồng chí Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt - Cục trưởng Cục An ninh nội địa đã khẳng định: “Vụ tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6 là vụ khủng bố. Cơ quan Công an đã đã bắt giữ nhiều nghi phạm, trong đó có đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công. Đây là hoạt động khủng bố có tổ chức, được trang bị các loại vũ khí; hành vi rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính. Việt Nam mạnh mẽ lên án các cá nhân, tổ chức đã dung túng, hậu thuẫn, chỉ đạo cũng như số đối tượng đã trực tiếp gây ra vụ việc này. Đồng thời, Việt Nam kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong điều tra vụ việc cũng như đấu tranh đối với các hoạt động tương tự”.
Kết quả đấu tranh của lực lượng Công an đến nay đã xác định rõ vụ khủng bố nêu trên là hoạt động có chủ đích, tính toán, nằm trong loạt âm mưu, hoạt động của tổ chức phản động Fulro lưu vong nhằm thành lập “Nhà nước Đề ga”, gây bất ổn về an ninh trật tự tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và địa bàn Tây Nguyên nói chung.
2. Những năm gần đây, các tổ chức phản động Fulro lưu vong như: “Hội những người miền núi” (MFI); “Nhân quyền người Thượng” (MHRO); “Người Thượng thống nhất” (UMP)... vẫn không ngừng ra sức tuyên truyền, thực hiện nhiều thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, kích động đồng bào DTTS ở Tây Nguyên biểu tình, vượt biên ra nước ngoài, đòi thành lập “Nhà nước Đề ga”...
Ở trong nước, chúng thành lập và triệt để lợi dụng các tà đạo như “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”, “Hà Mòn”, “Bơ khắp Brâu” hoạt động dưới danh nghĩa các tổ chức tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan và kích động phá hoại, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự xã hội với luận điệu phổ biến là: Tuyên truyền “đất Tây Nguyên là của người Thượng”, “người Kinh lấy đất của đồng bào trên chính quê hương của mình”, “đất Tây Nguyên là của tổ tiên người Thượng để lại” hay những luận điệu đầy tính “Slogan” kiểu như “đánh đuổi người Kinh, giành lại đất của người Thượng”… Không chỉ xuyên tạc để hình thành và khoét sâu mâu thuẫn giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà cụ thể ở đây là giữa dân tộc Kinh với dân tộc Ê-đê (dân tộc Thượng), chúng còn triệt để lợi dụng các sai lầm, khuyết điểm của một số cán bộ, công chức để bêu rếu, bôi xấu, kích động đồng bào tụ tập gây rối, biểu tình, đồng thời vu cáo, xoáy sâu vào vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đất đai để kích động tư tưởng ly khai, tự trị.
Trên phương diện quốc tế, chúng lợi dụng các diễn đàn quốc tế để rêu rao, vu cáo Việt Nam “đàn áp, diệt chủng người Thượng ở Tây Nguyên”, kêu gọi Mỹ, Liên hiệp quốc can thiệp, tiến hành mở các cuộc điều tra độc lập, gây sức ép ngoại giao với Việt Nam.
Đây không chỉ là những luận điệu cố tình phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước mà còn nhằm chia rẽ mối đoàn kết giữa người Kinh với người đồng bào DTTS ở Tây Nguyên, kích động biểu tình, bạo loạn, gây thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự cũng như uy tín, tầm ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
3. Liên quan đến vụ việc ngày 11/6 tại huyện Cư Kuin, ngay sau khi xảy ra vụ việc, các tổ chức phản động và phần tử cơ hội ở trong và ngoài nước ngay lập tức đã tạo ra một “làn sóng” truyền thông trên không gian mạng để xuyên tạc, bóp méo sự thật. Chúng đặc biệt lợi dụng các hội, nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ, gây nhiễu loạn thông tin. Nhiều bài viết, bình luận thể hiện thái độ hả hê của các đối tượng phản động trước sự hy sinh và mất mát của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ; cố tình đánh tráo bản chất, hướng vụ án sang nguyên do khác nhằm kích động thù hận, kỳ thị dân tộc hòng chia rẽ khối đại đoàn kết. Nhiều video clip chứa các nội dung kích động như “Cướp đất khắp nơi ở Tây Nguyên”, “Tình cảnh người Thượng bị đàn áp”, “Khi Tây Nguyên không còn là nhà”, “CSCĐ đàn áp, chiếm đất người Thượng”… đã thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ trên các hội nhóm, thu hút nhiều người xem và bình luận. Các luồng thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng này đã gây tâm lý hoang mang, dao động, bất an trong một bộ phận quần chúng, thể hiện qua phần bình luận của cư dân mạng thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, diễn biến vụ việc.
Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin, truyền thông của các tổ chức phản động ở nước ngoài cũng “tranh thủ” hoạt động “hết công suất”, điển hình là các bản tin, bài viết, bình luận mang tính quy chụp, phiến diện, thiếu thực tiễn như: “Tiếng súng Cư Kuin còn cho thấy điều gì và nó phục vụ ai?” (RFA), “Đắc Lắc đã trở lại bình thường?” (VOA), “Câu chuyện Tây Nguyên và người dân sắc tộc của núi rừng trong lòng tôi” (BBC), “Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: Có phải người Tây Nguyên thành bộ phận dân số nghèo nhất?”… chúng xem vụ việc đã xảy ra như là “cơ hội hiếm có” để tuyên truyền, xuyên tạc, hạ bệ uy tín của Việt Nam.
Ngày 10/7/2023, khoảng 200 người do tổ chức Fulro lưu vong tại Mỹ cầm đầu đã tham gia tuần hành trước tòa nhà Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng và Đại sứ quán Việt Nam tại Thủ đô Washington với lý do phản đối chính quyền Việt Nam đàn áp người Thượng ở Tây Nguyên, kêu gọi Chính phủ Mỹ và Liên Hiệp quốc tiến hành điều tra độc lập vụ việc xảy ra ngày 11/6 tại Cư Kuin và “giúp đỡ những người thiểu số đang gánh chịu tình trạng bị dồn đến đường cùng”. Những người tham gia cầm cờ Mỹ, cờ Fulro, căng băng rôn in các khẩu hiệu như “Tự do tôn giáo cho Tây Nguyên”, “Chính quyền Việt Nam hãy ngừng giết người Dega”, “Tây Nguyên thuộc về người Dega”, “Nước Mỹ hãy cứu người Dega"; chúng cũng không quên cấu kết với các đài báo phản động như VOA Tiếng Việt, RFA… để xây dựng phóng sự, video phỏng vấn các đối tượng Fulro cộm cán như Y Hin Niê, Y Duen Bdăp và tung lên các nền tảng mạng Internet. Mục đích là để thế giới có cái nhìn sai lệch về tình hình Việt Nam. Từ đó kêu gọi can thiệp vào Việt Nam dưới chiêu bài dân quyền, dân tộc, dân chủ. Đây là những thủ đoạn “không có gì mới”, được các thế lực phản động, Fulro lưu vong thường xuyên sử dụng để chống phá nước ta.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc nhanh chóng, hiệu quả của các cơ quan truyền thông, báo chí, các đài truyền hình, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Công an, cũng như các ngành, các cấp… đã kịp thời đưa các tin tức chính thống, hình ảnh vụ khủng bố xảy ra hôm 11/6, định hướng thông tin, ổn định tình hình dư luận, từ đó huy động được sức mạnh của quần chúng nhân dân trong việc điều tra, truy bắt các đối tượng khủng bố. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta cũng không ngừng tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế trong phòng, chống khủng bố. Nhiều quốc gia đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong trong điều tra làm rõ vụ việc, xử lý triệt để các tổ chức, cá nhân đứng đằng sau. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lệnh cho lực lượng Cảnh sát và quân đội các tỉnh dọc biên giới với Việt Nam (Ratanakiri, Mondulkiri và Kratie) và một số địa phương tăng cường công tác an ninh, phối hợp với chính quyền Việt Nam ngăn chặn các hành vi vi phạm biên giới có thể xảy ra, tổ chức rà soát, truy tìm những nghi phạm có thể lẩn trốn từ Việt Nam sang để truy bắt, bàn giao cho phía Việt Nam xử lý; đồng thời cảnh báo các tổ chức, cá nhân tại Campuchia không được chứa chấp, dung túng cho những kẻ khủng bố.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội ngày 24/7 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định: “Tôi xin khẳng định rằng Mỹ không chấp nhận những gì xảy ra tại Đắk Lắk, cũng như phản đối bạo lực dưới mọi hình thức”, đồng thời ngài Đại sứ cũng nhấn mạnh: “Mỹ cũng sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Việt Nam bằng mọi cách cần thiết nhằm làm rõ sự việc và những kẻ đứng sau. Đây là thông điệp chúng tôi phát đi rất rõ ràng, đặc biệt là khi có thông tin về tổ chức đặt trụ sở tại Mỹ”.
Đại sứ Marc Knapper phát biểu trước báo giới tại Hà Nội
Phát biểu của ngài Đại sứ Marc Knapper vừa là lời khẳng định cho quyết tâm đoàn kết, hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống khủng bố, khẳng định sự khôn khéo, đúng đắn trong đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cũng là một “cú đánh thẳng mặt” cho những luận điệu xảo trá, ảo tưởng của các tổ chức phản động ở trong và ngoài nước, Fulro lưu vong.
Những kẻ cuồng vọng, ảo tưởng “tin vào sự giúp đỡ, can thiệp của Mỹ” tham gia tấn công khủng bố ngày 11/6 sẽ bị đưa ra ánh sáng, đối diện với chúng sẽ là những bản án nghiêm khắc với khung hình phạt cao nhất lên đến từ chung thân hoặc tử hình./.
Tấn Tèo
- Công an xã Ea Ral, huyện Ea H’leo truy bắt nhanh 02 đối tượng Cướp giật tài sản (23/04/2025, 18:33)
- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế giữa Công an tỉnh và Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk trong tình hình mới (23/04/2025, 10:21)
- Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk kịp thời khống chế đối tượng loạn thần cầm dao gây rối (23/04/2025, 09:52)
- Quán trán triệt, triển khai và sơ kết việc thực hiện các văn bản của UBND tỉnh về bảo đảm ANTT phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh (23/04/2025, 08:36)
- Công an tỉnh Đắk Lắk tăng cường tham mưu phối hợp quản lý chất lượng sầu riêng xuất khẩu (20/04/2025, 22:50)
- Phòng An ninh kinh tế tổ chức chương trình “Cùng em đến trường” tại Trường tiểu học Ea Bông (huyện Krông Ana) (20/04/2025, 14:27)
- Bộ Công an tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng và thi hành án hình sự tại cộng đồng Quý I/2025 (20/04/2025, 09:57)
- Công an phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ phát động, triển khai thi đua cao điểm về việc thống kê, tiếp nhận, nộp lưu, tra cứu hồ sơ căn cước, cư trú (19/04/2025, 23:53)
- Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện Đề án truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030 (19/04/2025, 23:43)
- Phòng Tham mưu tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập lực lượng Tham mưu CAND (18/4/1946 - 18/4/2025) (18/04/2025, 17:10)
- Phản bác luận điệu xuyên tạc cuộc cách mạng cải cách, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (18/04/2025, 11:06)