
Thời gian vừa qua, công tác tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước trong công tác phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiểm đoạt tài sản tuy đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, người dân vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin, nhất là các thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách an sinh xã hội, đầu tư, sản xuất, kinh doanh… Một bộ phận quần chúng Nhân dân nhận thức còn hạn chế, nhẹ dạ, cả tin, hám lợi, mất cảnh giác, dễ trở thành “con mồi” để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như: Tài chính, ngân hàng, không gian mạng, đất đai, công chứng còn tồn tại nhiều thiếu sót, bất cập; chính sách pháp luật trên một số lĩnh vực chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, tạo kẻ hở để tội phạm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong 5 năm 2015 – 2019, Công an toàn quốc đã phát hiện, khởi tố điều tra 10.360 vụ - 11.410 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài các thủ đoạn lừa đảo truyền thống như: Giả danh các bộ cơ quan Nhà nước, người nhà lãnh đạo cấp cao để lừa xin việc làm, “chạy chức”, “chạy án”, xin dự án, vay vốn tổ chức, cá nhân nước ngoài; kêu gọi đầu tư, tài trợ vào các công ty, dự án, chương trình, các quỹ, lừa làm các thủ tục đưa người đi du lịch, du học hoặc đi làm việc ở nước ngoài; làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý, cây cảnh (lan đột biến, cá cảnh…) giá trị cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm, sử dụng các loại giấy tờ, tài liệu giả liên quan đến quyền sở hữu tài sản để cầm cố, thuế chấp, mua bán; lừa đảo trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản… Các đối tượng còn lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi, đa dạng về cách tiếp cận các nạn nhân, nhiều vụ có lượng lớn người bị hại tham gia tại nhiều địa phương trên khắp cả nước, một số thủ đoạn điển hình như: Sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế để yêu cầu bị hại nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt… vào các tài khoản ngân hàng được chỉ định rồi chiếm đoạt; giải danh cán bộ cơ quan nhà nước, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo chủ thuê bao có liên quan đến vụ án, vụ việc đang giải quyết rồi đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền hoặc khai thác thông tin tài khoản ngân hàng của bị hại để đăng nhập rồi chuyển tiền vào các tài khoản khác để chiếm đoạt; chiếm quyền quản trị (hack) hoặc giả lập các tài khoản mạng xã hội của người khác rồi nhắn tin, lừa gạt người thân quen của chủ tài khoản chuyển tiền, sau đó chiếm đoạt.
Từ năm 2019 đến nay, do tác động của việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo phương thức truyền thống giảm, song tội phạm lừa đảo lợi dụng không gian mạng để hoạt động lại có chiều hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp, nổi lên là các thủ đoạn như: Tạo lập các Website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư, kinh doanh tiền ảo, ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary option)… theo mô hình đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản; đăng thông tin giả mạo về các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền huy động được; lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến, trên mạng xã hội, nhất là mua bán các mặt hàng như khẩu trang, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra… để lừa đảo chiếm đoạt tiền của đối tác mua, bán hàng hoặc giả danh nhân viên y tế mời gọi người dân mua thuốc phòng dịch hoặc cung cấp dịch vụ xét nghiệm, tiêm vắc xin, cung ứng vật tư y tế yêu cầu người dân đóng tiền rồi chiếm đoạt.
Tính từ ngày 25/5/2020 đến 24/5/2021, toàn quốc đã phát hiện xảy ra 5.408 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó: 2.894 vụ lừa đảo theo các phương thức truyền thống (chiếm hơn 53,5% tổng số vụ phát hiện); 2.514 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (chiếm 46,5% tổng số vụ). Đáng chú ý trong đó có nhiều chuyên án, vụ án lớn, được các ngành, các cấp ghi nhận và đánh giá cao, dư luận quần chúng Nhân dân đặc biệt quan tâm, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống Nhân dân.
Dự báo trong thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiềm chế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi và đẩy mạnh; cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự chuyển dịch sang nền kinh tế số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, các sản phẩm tài chính ngày càng đa dạng, nhiều hình thức giao dịch điện tử, trực tuyến được triển khai, trong khi năng lực tiếp cận kinh tế số của nước ta còn hạn chế, các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ còn thấp, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, hoạt động xuyên quốc gia, có sự cấu kết giữa nhiều đối tượng trong và ngoài nước, nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn thì hậu quả thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng. Do đó, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện những vấn đề có dấu hiệu không bình thường, nghi vấn hoạt động phạm tội để thông báo đến cơ quan chức năng xử lý, giải quyết, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra./.
Tấn Tèo
- Thực hiện 1 bảo, 2 cảnh, 3 cẩn, 4 không, 5 kiểm để phòng tránh tội phạm trên không gian mạng (08/05/2025, 08:46)
- Cảnh báo thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao (11/04/2025, 20:15)
- Công an phường Tự An bắt đối tượng trộm cắp tài sản sau 24h gây án (27/03/2025, 14:54)
- Tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đối với xe đạp điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ (21/03/2025, 00:59)
- Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” (24/01/2025, 15:05)
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đổi tiền trên mạng xã hội vào dịp Tết Nguyên đán để chiếm đoạt tài sản (16/01/2025, 15:02)
- Cảnh báo thủ đoạn sử dụng công nghệ “AI” cắt ghép, chỉnh sửa hình ảnh để đe dọa, tống tiền (15/01/2025, 21:54)
- Cẩn trọng trước các “lò” luyện thi đánh giá năng lực trên mạng xã hội (10/01/2025, 14:53)
- Cảnh giác với tội phạm tiền giả trong dịp Tết Nguyên đán 2025 (21/12/2024, 20:52)
- Công an huyện Ea Súp bắt đối tượng làm giả bằng cấp, giấy tờ để thu lợi bất chính (07/11/2024, 18:01)
- Tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các hành vi mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên không gian mạng (16/10/2024, 23:53)