
Xuất phát từ nhu cầu của một số người không muốn học, không muốn tốn thời gian nhưng lại muốn có bằng cấp để làm hồ sơ xin việc; ngụy trang, che giấu nhân thân, qua mắt cơ quan chức năng nhằm đạt được những mục đích cá nhân hay để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (lừa đảo, giả mạo…), thời gian qua trên các nguồn trang mạng Internet, mạng xã hội xuất hiện ngập tràn các dịch vụ nhận làm giả bằng cấp, tài liệu, giấy tờ giả các loại. Mặc dù lực lượng chức năng đã quyết liệt đấu tranh, xử lý nhiều trường hợp nhưng do việc làm này mang lại lợi nhuận cao nên các đối tượng vẫn ngang nhiên công khai hoạt động.
Hiện nay, không khó để tìm kiếm được các dịch vụ làm giấy tờ, bằng cấp giả qua các phương tiện công nghệ. Chỉ vài thao tác đơn giản với từ khóa “làm giấy tờ giả…”, chúng ta có thể nhận được hàng trăm, hàng nghìn lượt kết quả như: “Nhận làm giấy tờ giả các loại, giá cả hợp lý”, “làm bằng giao ngay” hay “Nhận làm giấy tờ chuyên nghiệp, giao hàng tận nơi, không cọc…”. Thậm chí, các dịch vụ này còn công khai tên chủ dịch vụ, số điện thoại để liên lạc khi có nhu cầu; nhiều dịch vụ còn có chương trình khuyến mãi, giảm giá, cam kết bảo mật thông tin.
Hàng ngàn kết quả nhận được chỉ với từ khóa “làm giấy tờ giả”
Một số dịch vụ còn sao chép, thu thập số điện thoại của nhiều người qua nhiều kênh khác nhau rồi gửi tin nhắn quảng cáo, gợi ý trực tiếp tới số điện thoại người nhận. Khách hàng chỉ cần lựa chọn loại giấy tờ mình có nhu cầu, cung cấp thông tin cá nhân phù hợp, địa chỉ nhận hàng thì chỉ cần chờ sau vài ngày là đã có thể nhận được loại giấy tờ mà mình mong muốn. Các loại giấy tờ giả này có mức giá trung bình từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Với việc xuất hiện ngày càng nhiều về nhu cầu sử dụng bằng giả, giấy tờ giả, các dịch vụ làm giả giấy tờ, tài liệu mọc lên như “nấm”. Bằng những kỹ thuật, công nghệ in ấn chất lượng cao như hiện nay, các giấy tờ, tài liệu giả được in ấn rất tinh xảo, thậm chí trước những chuyên gia, cơ quan chuyên môn cũng không thể phân biệt bằng mắt thường. Từ đó, các giấy tờ, tài liệu này xuất hiện ngày càng nhiều và qua mắt được các cơ quan chức năng và người sử dụng dễ dàng đạt được mục đích. Một số người sử dụng bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả để hoàn thiện hồ sơ xin việc làm. Khi đã “trót lọt”, nhiều người tiếp tục sử dụng những loại giấy tờ này để “thăng quan, tiến chức”. Hậu quả để lại là người không có kiến thức, năng lực nhưng lại đảm nhiệm, những vị trí nhất định trong các cơ quan, đơn vị dễ dẫn đến những hoạt động lệch lạc, vi phạm quy định thậm chí vi phạm pháp luật hình sự. Một số khác làm giấy tờ tùy thân giả để thay đổi thông tin, che giấu bản thân hay làm các loại giấy tờ giả có giá trị lớn (giấy tờ nhà, đất,…) để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay các hành vi vi phạm pháp luật khác, gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Điển hình là ngày 08/11/2019, Công an thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố bị can đối với Trương Công Tấn (sinh năm 1993; trú tại xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) và Tống Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1996; trú tại phường Khánh Xuân, thành phố Buôn ma Thuột) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do thiếu tiền ăn chơi, tiêu xài, 02 đối tượng trên đã lên internet tìm các dịch vụ làm giả giấy tờ để đặt làm giả 03 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số bộ dấu giả để đóng vào giấy tờ. Sau đó, các đối tượng đã mang những giấy tờ giả trên đi lừa bán, vay thế chấp của người dân trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột với tổng số tiền lên tới 455 triệu đồng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh.
Hai đối tượng Trương Công Tấn và Tống Thị Hồng Hạnh tại cơ quan Công an
Ngoài ra, cũng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ năm 2016 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố trên 20 vụ án với nhiều bị can có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là thông qua một số đối tượng làm giả các loại giấy tờ, giấy chứng nhận thương tật, làm giả hồ sơ thương bệnh binh nhằm qua mắt cơ quan chức năng để được hưởng các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước, gây thiệt hại lớn cho ngân sách quốc gia. Trên thực tế, loại tội phạm này không chỉ diễn ra riêng tại tỉnh Đắk Lắk mà còn ở rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước với những con số thiệt hại rất lớn.
Tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Ngoài quy định tại điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, người làm, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả còn có thể phạm vào các tội danh khác như: Tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 340), tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác (Điều 339)… Bên cạnh việc xử lý về mặt pháp luật hình sự, người vi phạm còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo những quy định khác như: Nghị định 138/2013/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP,…
Hiện nay, những loại hình như tiền giả, giấy tờ giả, bằng cấp giả, tài liệu giả… đang trở thành những vấn đề hết sức nhức nhối trong xã hội. Để ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả những vấn đề trên, từng cá nhân, tổ chức trong xã hội đều đóng vai trò rất quan trọng. Mỗi người dân cần phát huy tính tự giác, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nói không với việc mua bán, sử dụng bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả. Bên cạnh đó, đối với các cơ quan, tổ chức cần tổ chức thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là trong công tác tuyển dụng đầu vào đối với cán bộ, nhân viên và trong việc bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ chủ chốt. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các thủ tục mang tính hình thức, chồng chéo; thay vào đó là ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong việc in ấn, quản lý các loại giấy tờ, tài liệu theo từng nhóm, lĩnh vực để đảm bảo sự kiểm soát một cách khoa học, có hệ thống; phục vụ kịp thời việc kiểm tra, phát hiện những hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu để xử lý theo quy định của pháp luật./.
An ninh điều tra
- Công an xã Ea Ral, huyện Ea H’leo truy bắt nhanh 02 đối tượng Cướp giật tài sản (23/04/2025, 18:33)
- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế giữa Công an tỉnh và Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk trong tình hình mới (23/04/2025, 10:21)
- Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk kịp thời khống chế đối tượng loạn thần cầm dao gây rối (23/04/2025, 09:52)
- Quán trán triệt, triển khai và sơ kết việc thực hiện các văn bản của UBND tỉnh về bảo đảm ANTT phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh (23/04/2025, 08:36)
- Công an tỉnh Đắk Lắk tăng cường tham mưu phối hợp quản lý chất lượng sầu riêng xuất khẩu (20/04/2025, 22:50)
- Phòng An ninh kinh tế tổ chức chương trình “Cùng em đến trường” tại Trường tiểu học Ea Bông (huyện Krông Ana) (20/04/2025, 14:27)
- Bộ Công an tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng và thi hành án hình sự tại cộng đồng Quý I/2025 (20/04/2025, 09:57)
- Công an phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ phát động, triển khai thi đua cao điểm về việc thống kê, tiếp nhận, nộp lưu, tra cứu hồ sơ căn cước, cư trú (19/04/2025, 23:53)
- Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện Đề án truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030 (19/04/2025, 23:43)
- Phòng Tham mưu tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập lực lượng Tham mưu CAND (18/4/1946 - 18/4/2025) (18/04/2025, 17:10)
- Phản bác luận điệu xuyên tạc cuộc cách mạng cải cách, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (18/04/2025, 11:06)