
Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR) năm 1948 nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không có giới hạn về biên giới”. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 cũng quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”.
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, việc bày tỏ tự do ngôn luận càng được chú trọng, bảo đảm hơn. Tuy nhiên, thông tin trên không gian mạng thật - giả, tốt - xấu khó lường, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách lợi dụng tự do ngôn luận để phát ngôn tùy tiện, vô lối, nhằm lôi kéo, kích động gây bạo loạn lật đổ, với những chiêu bài hết sức tinh vi, thâm độc.
Tự do ngôn luận ở Việt Nam được đề cao, bảo đảm
Ở Việt Nam, các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân luôn được Đảng, Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Trong đó phải kể đến quyền tự do ngôn luận từ bản Hiến pháp đầu tiên, các văn kiện của Đảng. Các bản Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định và hiện thực hóa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Để đảm bảo thực hiện quyền tự do ngôn luận trong thực tế cuộc sống và không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và ANQG, TTATXH. Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhất là việc tự tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến của mình đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên không gian mạng.
Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho việc thúc đẩy, bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Vì lẽ đó, Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009), thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016), thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2016 - 2018), thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2015 - 2019). Theo kết quả bầu chọn tại khóa họp thứ 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc công bố ngày 7/6/2019, Việt Nam nhận được 192/193 phiếu ủng hộ, vượt xa mốc tối thiểu 129/193, chính thức trúng cử vào ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đó là những bằng chứng thuyết phục nhất khẳng định ở Việt Nam có tự do ngôn luận, phản bác những kẻ rắp tâm phá hoại đất nước bằng thứ “ngôn luận tự do” đầy hằn học, xấu xa, thiếu căn cứ...
“Tự do ngôn luận” hay “ngôn luận tự do” để xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, mạng xã hội xuyên quốc gia như Facebook, Twitter, Youtube… đã tạo ra những cơ hội, khả năng tiếp xúc, giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới. Nhưng chưa bao giờ môi trường ảo lại nhiều tác động tiêu cực như hiện nay. Tình trạng lợi dụng tự do ngôn luận phát tán tin giả, tin sai sự thật, các nội dung phản cảm, thiếu tính giáo dục, kích động bạo lực trên không gian mạng đang diễn biến rất phức tạp.
Tự do ngôn luận, báo chí đang là một mục tiêu xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch nói chung và các bộ phận người dân thiếu hiểu biết, chống đối Đảng, Nhà nước nói riêng. Nổi lên bằng việc các trang mạng xã hội, báo chí nước ngoài và không ít trang web trong và ngoài nước rêu rao rằng: ở Việt Nam “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”; “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”;… Điển hình như: Báo cáo nhân quyền thế giới hàng năm của Anh, Úc; Nghị quyết của Nghị viện EU; Báo cáo thường niên, thông cáo báo chí của các tổ chức quốc tế; Báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), của tổ chức Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ),... Qua đó cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do báo chí để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền hòng hạ thấp uy tín nước ta trên trường quốc tế.
Những thủ đoạn, âm mưu chống phá của chúng, trước hết là xuyên tạc khái niệm tự do báo chí; viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về tự do báo chí, mạng xã hội làm cho nhiều người hiểu lầm rằng “tự do báo chí” là một quyền tuyệt đối, không có bất cứ một hạn chế nào. Trên lĩnh vực báo chí, một số đối tượng còn thành lập các câu lạc bộ, các diễn đàn trên mạng dưới chiêu bài “tự do ngôn luận, tự do báo chí” để tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Điển hình như các trường hợp: Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã, Lê Thế Thắng, Trương Châu Hữu Danh (trú tại: tỉnh Long An), Nguyễn Phương Hằng, Lê Anh Dũng (trú tại: thành phố Hồ Chí Minh), Lê Chí Thành (trú tại: tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Huy (trú tại: tỉnh Quảng Trị)... Những trường hợp trên đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, cụ thể là lạm dụng quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội được quy định Điều 331, Bộ luật hình sự.
Ngày 12/4/2023, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Lân Thắng, sinh năm 1975, trú tại: quận Đống Đa, TP.Hà Nội 6 năm tù và quản chế 2 năm; Ngày 12/5/2023, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Trần Văn Bang, sinh năm 1961, trú tại: tỉnh Hải Dương 8 năm tù và quản chế 2 năm; Ngày 06/6/2023, Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử và tuyên phạt bị cáo Đặng Đăng Phước 8 năm tù và 4 năm quản chế. Tất cả các đối tượng trên đều bị xử lý về tội danh làm, tàng trữ, phát tán tài liệu chống phá nhà nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự, trong đó có hành vi lợi dụng “Tự do ngôn luận” để tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng, nói xấu chính quyền nhân dân; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân; kêu gọi đa nguyên, đa đảng, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân...
Giữ một trái tim nóng, một cái đầu lạnh để yêu nước
Pháp luật luôn tôn trọng và bảo vệ những tư tưởng, ý chí, nguyện vọng của mỗi tổ chức và cá nhân khi đưa lên công khai trên phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội nếu phù hợp với tinh thần xây dựng và thượng tôn pháp luật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và truyền thống văn hóa của dân tộc. Đồng thời cũng kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi vi phạm pháp luật, răn đe, trừng phạt thích đáng đối với những đối tượng có hành vi vi phạm.
Cần nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần cảnh giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận thông qua mạng xã hội để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc về Đảng và Nhà nước ta. Điều này có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả đấu tranh, ngăn ngừa hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận qua mạng xã hội để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực báo chí, truyền thông. Qua đó, chủ động phát hiện những hành vi sai phạm, xu hướng lệch lạc ở các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, nhà báo để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Kịp thời phát hiện, nhận diện để đấu tranh, nghiêm trị những phần tử phá hoại núp dưới danh nghĩa “yêu nước”, “nhân quyền”, “đòi công lý cho nhân dân” để kích động, tạo lập các mầm mống gây bạo loạn, lật đổ,... trên tất cả các phương diện, hình thức khác nhau./.
Văn Tình - Phòng CSHS
- Công an xã Ea Ral, huyện Ea H’leo truy bắt nhanh 02 đối tượng Cướp giật tài sản (23/04/2025, 18:33)
- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế giữa Công an tỉnh và Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk trong tình hình mới (23/04/2025, 10:21)
- Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk kịp thời khống chế đối tượng loạn thần cầm dao gây rối (23/04/2025, 09:52)
- Quán trán triệt, triển khai và sơ kết việc thực hiện các văn bản của UBND tỉnh về bảo đảm ANTT phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh (23/04/2025, 08:36)
- Công an tỉnh Đắk Lắk tăng cường tham mưu phối hợp quản lý chất lượng sầu riêng xuất khẩu (20/04/2025, 22:50)
- Phòng An ninh kinh tế tổ chức chương trình “Cùng em đến trường” tại Trường tiểu học Ea Bông (huyện Krông Ana) (20/04/2025, 14:27)
- Bộ Công an tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng và thi hành án hình sự tại cộng đồng Quý I/2025 (20/04/2025, 09:57)
- Công an phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ phát động, triển khai thi đua cao điểm về việc thống kê, tiếp nhận, nộp lưu, tra cứu hồ sơ căn cước, cư trú (19/04/2025, 23:53)
- Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện Đề án truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030 (19/04/2025, 23:43)
- Phòng Tham mưu tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập lực lượng Tham mưu CAND (18/4/1946 - 18/4/2025) (18/04/2025, 17:10)
- Phản bác luận điệu xuyên tạc cuộc cách mạng cải cách, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (18/04/2025, 11:06)