CHI TIẾT TIN CHI TIẾT TIN
Những bài bút ký về Công an Đắk Lắk (01/10/2018)

BAN VẬN ĐỘNG SÁNG TÁC BÚT KÝ

 VỀ ĐỀ TÀI CÔNG AN ĐẮK LẮK

(Tháng 11 năm 2017 – tháng 7 năm 2018)

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI B

PHÍA SAU MỘT VỤ ÁN

Bút ký của Trần Thị Ánh Nguyệt

          Một ngày mùa xuân, đất trời Ea Kar đẹp dịu dàng như một bức tranh thủy mặc. Nắng vàng như mật tỏa mênh mông, những cơn gió mang làn hương dịu nhẹ và tinh khiết của hoa cà phê thoang thoảng trong không gian an lành. Thiếu tá Huỳnh Nhất Linh lặng lẽ nhìn những bông mai đang tận hiến hết mình cho mùa xuân, ông nhớ về thời trai trẻ.

          Thời gian dẫu có như "bóng câu qua cửa sổ" thì với những người đã đi gần hết đời mình như ông, ký ức sương gió về những năm tháng cùng đồng đội dấn thân trên con đường phụng sự đất nước, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân là thứ không dễ lãng quên. Trải qua nhiều vị trí công tác, Thiếu tá Huỳnh Nhất Linh nguyên là Phó trưởng phòng Khoa học hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk, Phó trưởng Công an huyện Ea Kar, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk. Ông đã trực tiếp tham gia hàng trăm chuyên án, mỗi chuyên án đều để lại dấu ấn riêng trong tâm khảm của ông. Nhưng ám ảnh nhất trong ông vẫn là vụ án xảy ra đêm giao thừa năm 1994 tại thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, khi ấy ông đang là Phó trưởng công an huyện Ea Kar. Với sự chảy trôi của thời gian, có thể có người còn nhớ, cũng có người đã quên. Riêng ông, mỗi khi nhớ đến vụ án ấy vẫn đau đáu và trĩu nặng một niềm thương cảm cho ba nạn nhân xấu số.

          Đêm ba mươi tháng Chạp của hai mươi bốn năm về trước, tiếng pháo nổ vang trời, chuẩn bị đón năm mới. Đại úy Huỳnh Nhất Linh cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thu Hà chuẩn bị mâm cỗ để cúng giao thừa. Vợ ông rất vui vì đây là giao thừa hiếm hoi ông được ở nhà sum vầy với vợ con trong giờ khắc thiêng liêng này. Bỗng, tiếng chuông điện thoại dồn dập gọi tới. Nghe xong, giọng ông hốt hoảng "Anh có việc phải đi ngay". Nhìn nét mặt chồng, biết là đã xảy ra trọng án, bà đáp: "Anh cứ đi, việc nhà đã có em lo". Bao năm làm vợ của một chiến sĩ công an, bà hiểu và thông cảm với công việc của chồng, khi mọi người được nghỉ ngơi thì ông cùng đồng đội vẫn phải miệt mài với công việc và năm mới chỉ đến thực sự khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Đó là sự "hy sinh thầm lặng" để mang lại sự bình yên và hạnh phúc cho mọi người. Nhưng trong lòng bà tránh sao khỏi sự hụt hẫng lúc này. Bà nhìn theo bóng chồng khuất sau màn đêm lạnh giá. Ngoài trời gió vẫn vi vút thổi những điệu nhạc không lời.

          Ông vội vã đến hiện trường của vụ án, một cảnh tượng quá đau lòng. Trong gia đình của ông Hà Đạt Đản có 05 người thì ông Hà Đạt Đản và vợ là bà Nguyễn Thị Luận cùng người con gái lớn bị sát hại. Còn lại hai đứa con nhỏ là Hà Tuấn Đạt và Hà Thị Huyền may mắn thoát chết. Đứng trước cảnh tượng thương tâm đó, ông cùng đồng đội đều thể hiện lòng quyết tâm tìm ra hung phạm. Nhưng trái tim của ông như bị bóp nghẹt đến vỡ vụn khi nhìn thấy sự sợ hãi đầy tuyệt vọng hằn sâu trong mắt hai đứa trẻ. Ánh mắt ấy như một sự kêu gào thống thiết đầy ai oán đã chạm sâu đến trái tim của người Đại úy công an. Và ông tự hỏi "Mình phải làm gì cho hai đứa nhỏ để khỏa lấp bớt những đau thương đang cuồn cuộn đốt cháy hai tâm hồn trẻ thơ? Chúng còn quá nhỏ để chịu đựng nỗi đau ấy". Câu hỏi ấy khiến ông bần thần, trong lòng ông lúc nào cũng nghĩ làm sao có thể gánh bớt nỗi đau mà cháu Đạt và Huyền đang chịu đựng. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu ông, vợ chồng ông sẽ nhận hai cháu về nuôi. Chúng phải có một gia đình mới, ngôi nhà của vợ chồng ông sẽ là tổ ấm mới của hai đứa nhỏ.

Khi nghe chồng nói về ý định của mình, biết hoàn cảnh tang thương của hai cháu Huyền và Đạt, bà Hà cũng dậy lên sự thương cảm. Nhưng bà ngần ngại lắm, hai vợ chồng bà với hai đứa con, một đứa lên sáu, một đứa lên bốn, đồng lương của ông ít ỏi, bà chỉ là một thợ may, tằn tiện lắm mới đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Nỗi lo cơm áo của vợ chồng với hai đứa con nhỏ đã khó khăn, giờ nhận thêm hai đứa nữa về nuôi thì sự khó khăn càng thêm chồng chất. Biết là vợ chưa đồng thuận ngay nhưng ông tin từ trong sâu thẳm trái tim của một người mẹ, bà sẽ sớm đồng ý để đưa hai đứa trẻ mồ côi về chăm sóc. Nỗi trăn trở của bà tan biến khi chứng kiến cảnh nửa đêm ông bừng tỉnh giấc, mồ hôi đầm đìa, nói với bà: "Anh mơ thấy hai đứa trẻ ấy đang lang thang và bị kẻ xấu hãm hại. Anh lo quá". Giọng ông lại trầm buồn trong đêm vắng: "Cuộc đời bao thăng trầm biến cố ở phía trước mà chúng đang chập chững bước vào đời liệu chúng có vượt qua nổi?".  Bà hiểu ngày nào chưa nhận nuôi hai đứa trẻ thì trong lòng ông trĩu nặng lắm. Thôi thì, vợ chồng cùng chịu khó và chịu khổ để cưu mang hai đứa trẻ đáng thương. Bà nói với chồng: "Ngày mai, anh đưa hai đứa nhỏ về nhà mình nha". Ông vui mừng khôn xiết và thầm cảm ơn bà đã giúp ông gỡ được một khối đá đang đè nặng trong lòng.

Hai vợ chồng Đại úy bước vào "cuộc chiến" trong việc nuôi dạy và chăm sóc 4 đứa trẻ. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng khi chăm sóc bốn đứa trẻ, vợ chồng Đại úy mới thấu hết được sự vất vả vì phải đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống. Chiếc máy may của bà Hà phải quay liên tục cả ngày lẫn đêm để góp cùng với tiền lương của chồng cũng không đủ lo cho bốn đứa con thơ. Rồi hết đứa nọ đến đứa kia thay nhau đau ốm triền miên. Quá xót xa khi mỗi lần xuống thăm con và cháu, thấy sự mệt mỏi bơ phờ in hằn trên gương mặt con gái và con rể, cha mẹ vợ của Đại úy có nhã ý muốn được đưa hai đứa cháu ngoại về nuôi. Hai vợ chồng đắn đo vì không muốn phải xa con của mình. Cuộc sống chật vật vì phải lo cơm áo và sự mệt mỏi trong việc chăm sóc con đã vắt kiệt sức đã làm cho bà Hà luôn trong tình trạng suy nhược cơ thể. Sau bao đêm cân nhắc, dù thương con hai vợ chồng không còn cách nào khác đành chấp nhận gửi con cho ông bà ngoại nuôi dưỡng. Được sống gần con để chăm sóc con khôn lớn không chỉ là trách nhiệm mà còn là mong mỏi của những người làm cha làm mẹ. Nhưng để chu toàn giữa công việc và con cái, hai vợ chồng Đại úy buộc phải xa hai đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra. Mỗi lần, nghe tiếng gà mẹ gọi đàn con trong chiều tà để về ấp ủ, trong lòng hai vợ chồng lại day dứt vì cảm thấy chưa tròn trách nhiệm với con. Cuối tuần lên thăm con, khi dắt xe ra về, nghe con mếu máo đòi về nhà, hai vợ chồng bước lên xe mà đôi chân trĩu nặng, nước mắt hai hàng theo từng vòng xe. Đại úy anh ủi vợ "Hai đứa con mình tuy phải sống xa cha mẹ nhưng được ông bà ngoại chăm sóc bằng tình yêu ruột thịt, thỉnh thoảng còn được cha mẹ lên thăm. Hai con Đạt và Huyền vĩnh viễn mất đi cha mẹ, không nơi nương tựa, hai vợ chồng mình gắng bù đắp sự thiệt thòi cho hai đứa trẻ bất hạnh. Anh tin rằng, lớn lên con mình sẽ hiểu thôi em à". Hàng xóm khi thấy hai vợ chồng Đại úy đem con ruột của mình cho ông bà ngoại nuôi, không khỏi xì xào: "Ruột bỏ ra, da bọc vào". Đại úy động viên vợ "Ai nói gì thì cứ kệ họ, miễn mình không hổ thẹn với lòng là được".

***

Bốn đứa con của ông bà giờ đây đã trưởng thành, ai cũng một lòng hiếu kính với mẹ cha. Riêng hai người con nuôi được vợ chồng Thượng tá đứng ra lo liệu chu toàn trong việc xây dựng gia đình. Anh Hà Tuấn Đạt đang là công nhân của Khu công nghiệp Ea Kar. Chị Hà Thị Huyền buôn bán các mặt hàng nông sản. Nhớ lại ngày xảy ra biến cố với gia đình, trên gương mặt anh Hà Tuấn Đạt vẫn hằn sâu một nỗi đau. Còn nỗi đau nào hơn khi con phải tận mắt nhìn thấy cái chết đầy tức tưởi của cha mẹ và chị gái mình. Những ngày sau đó là những ám ảnh khôn nguôi, mọi cánh cửa của niềm vui và hạnh phúc dường như đóng chặt trước mắt của hai anh em. Lòng đầy sợ hãi và hoang mang, chỉ cần nghe một tiếng lá rơi trong đêm vắng hay nghe tiếng gió rít qua khe cửa cũng làm cho anh và em gái giật mình thảng thốt, ôm nhau khóc nức nở. Nỗi nhớ cha mẹ luôn cồn cào, sự đau xót vì bỗng chốc mất đi gia đình xé nát tim hai anh em. Nhưng may mắn thay, anh cùng em gái được ba Linh và mẹ Hà đem về nuôi dưỡng, tạo cho hai anh em tổ ấm mới và vững bước sau những đau thương mất mát. Tình thương của ba mẹ như ánh bình minh tươi sáng xua đi những đám mây đen xám xịt của đêm giông bão để hai đứa trẻ côi cút đến với hạnh phúc và bình an. Hơn hai mươi năm qua, hai anh em chưa bao giờ có cảm giác mình là con nuôi của ba mẹ. Ba mẹ đã dành hai anh em một tình yêu bao la và tình yêu thương đó như một cánh đồng trải dài bất tận xanh mơn mởn trên bầu trời rực nắng. Lòng biết ơn của anh Hà Tuấn Đạt và chị Hà Thị Huyền không thể diễn tả bằng lời với công ơn dưỡng dục. Với tất cả sự biết ơn và kính trọng dành cho người cha tận tụy, người mẹ tảo tần vì các con, hai anh em tự nhủ, cách tốt nhất để báo hiếu đó là sống trở thành người có ích.

"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng". Đó chính là tấm lòng của vợ chồng Thiếu tá Huỳnh Nhất Linh. Tấm lòng đó được trao đi không phải để người khác ghi nhận, không phải mong được trả ơn mà tấm lòng đó xuất phát từ trái tim nhân hậu của một chiến sĩ công an "Bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ".

 

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI B

GIỮA VÙNG ĐẤT NÓNG

                                                Bút ký của H'Linh Niê

          Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, mấy ngày nay Buôn Ma thuột mưa dầm. Hai chiếc gạt nước cần mẫn lia ngang, cố giúp chủ nhân làm sáng hơn tấm kính đầu xe, vậy mà vẫn cảm thấy như đang bồng bềnh bơi đi trong biển sương mù đặc quánh trên đèo Hà Lan. Xe phải bật đèn vàng để di chuyển.

          Hơn 3 năm , kể từ ngày khảo sát làm đề án quy hoạch làng nghề cho tỉnh, tôi mới trở lại Ea H'leo. Nên nếu chỉ có bão mới hoãn chuyến đi, chứ mưa vậy đã ngán gì. Cuộc hẹn của đại tá Y Thoan Hmok nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh, với Đại tá Lê Văn Sơn, trưởng công an huyện Ea H'leo, những người bạn chiến đấu từng vào sinh ra tử với anh hùng LLVT Y Ni Ksor, chính là động lực để chúng tôi đầm mưa mà đi là thế   

Có thể ít người biết việc huyện Ea H'leo được Bộ Công an xếp vào địa bàn "nóng", là trọng điểm phức tạp về cả an ninh chính trị lẫn an toàn xã hội. Bởi không chỉ là nơi có số dân đông thứ 4/13 thành phố, huyện, thị trong toàn tỉnh Đăk Lak, ngoài người dân tộc tại chỗ Ê Đê và Jrai, còn có tới  24 tộc người trong cả nước, đông nhất là Tày – Nùng, đang cùng cộng cư, mang theo nguy cơ tiềm ẩn tệ nạn tàng trữ và buôn bán ma túy. Đây còn là địa bàn giáp ranh với các huyện Krông Pa, Ayun Pa của Gia Lai, từng là trọng điểm móc nối chỉ đạo của phulro gây biểu tình bạo loạn những năm 2001-2008.

             Ea H'leo là miền đất đỏ có nhiều tài nguyên. Mặc dù diện tích rừng tự nhiên đã giảm, nhưng cao sucà phê ngát xanh bạt ngàn là hai loại cây công nghiệp chủ đạo và bây giờ thêm những cánh đồng sả cũng xanh ngăn ngắt để chưng cất tinh dầu,  mang lại thêm thu nhập đáng kể cho người dân và cho ngân sách của huyện.  Ea H'Leo từng được Nhà nước trao tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với lịch sử hào hùng của Chiến thắng Cẩm Ga -Thuần Mẫn, mở màn cho Chiến dịch Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đăk Lăk. Ngày nay, huyện đang vươn lên trở thành một trong những địa phương nằm trong tốp đầu của tỉnh về phát triển kinh tế. Ngày 8/4/2010, huyện đã tổ chức lễ kỉ niệm 30 năm thành lập huyện và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của nhà nước. Với thành tích đóng góp ngân sách đứng thứ 2 toàn tỉnh (chỉ sau thành phố Buôn Ma Thuột), xếp trên cả những huyện, thị xã trong tỉnh như Krông Pak hay Buôn Hồ ; toàn huyện đang phấn đấu trở thành Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

          Thật vui khi ngắm nhìn sự tấp nập bán mua, với những cửa hàng biển hiệu đỏ vàng chi chít trên những trục đường của thị trấn huyện lỵ Ea Đrăng, nơi đang trên đường xây dựng đô thị văn minh hiện đại,trung tâm của tiểu vùng phía Bắc tỉnh Đăk Lăk. Năm 2016, thị trấn Ea Drăng đã được công nhận là đô thị loại IV. Bên cạnh đó, ngày 19/5/2017 xã DLiê Yang, một xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chính thức hoàn thành chương trình xây dựng xã Nông thôn mới đầu tiên của huyện.

          Có được vài dòng ngắn ngủi trên và kết quả từ 2008 đến nay, giữa một vùng " đất nóng", không xảy ra vụ việc bạo loạn chính trị nào, chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của Công an huyện.

Với vị trí cận kề một địa phương luôn có kẻ kích động vượt biên sang CamPuchia và Thái Lan, trước đây là di tản và nay là lao động bất hợp pháp, bằng những lời rủ rê có việc làm thu nhập cao, ăn ở sung sướng. Nhất là từ khi Công ty Ô Lam của Ấn Độ đầu tư trồng tiêu tại xã Ea Lê, bị người dân đấu tranh đòi lại đất nên bắt trói người của Công ty, hàng loạt thanh niên bán hết tài sản kéo cả gia đình vượt biên. Để đảm bảo an ninh chính trị ở một vùng đất "dữ ", Công an Ea H'leo đã có những sáng kiến bất ngờ. Khi vận động được họ hồi hương, thay vì đưa ra kiểm điểm trước cộng đồng hay bắt tạm giam, các anh đã đề xuất chính quyền địa phương phối hợp tổ chức cho bà con tái hòa nhập cộng đồng,thậm chí toàn bộ chiến sỹ trong đơn vị còn trích lương, đóng góp chia sẻ những khó khăn ban đầu bằng gạo, muối, dầu…đưa đến tận từng gia đình. Công an trực tiếp đứng ra liên hệ ngân hàng cho vay vốn sản xuất, đề nghị nhà trường nhận các cháu đi học lại…Những việc làm tưởng như " không giống ai" ấy đã tạo được lòng tin ấm áp cho dân. Thông qua các già làng, trưởng các dòng họ , những sự hỗ trợ của chính quyền và công an, 85 trường hợp ra đi, đã có 35 hộ trở về. (Thậm chí công an huyện còn cho xe ra tận biên giới đón về buôn). Nay những Kpă Y Nêk, Rchăm Y Pin, R'Ô Phi Ông… đều đã yên tâm làm ăn, con cái đến trường học hành ổn định. Không chỉ tuyên truyền phát động rộng rãi để người dân hiểu, không nghe lời kẻ xấu, công an còn đưa những người trở về đến nói chuyện tại các buôn. Nhân chứng sống động khiến bà con thêm tin tưởng. Đại đa số chiến sỹ trong đơn vị đều nói được tiếng Ê Đê, có thể trực tiếp trò chuyện thân mật cùng bà con.

Đại tá Lê Văn Sơn, trưởng công an huyện, kể cho tôi nghe trường hợp của Siu Y Nhi, mới trở về tháng 5/ 2018 : Được 2 tội phạm hình sự móc nối, Y Nhi đưa cả vợ con cùng vượt biên sang Campuchia, rồi từ đó qua Thái Lan. Ở đó 6 tháng, làm thuê được 5 tháng mà không có lương. Thực tế cuộc sống nơi xứ người không giấy tờ tùy thân, bị cảnh sát bắt 8 người trong số những kẻ cùng đi, không tiền, không nơi trú chân, lại bị vợ mang con bỏ theo người Thái, Y Nhi vô cùng hoang mang. Thông qua người nhà, Trung tá Y Sao phó công an huyện có được số điện thoại của Y Nhi, anh trực tiếp gọi điện trò chuyện, thuyết phục, hứa bảo lãnh sinh mạng để họ yên tâm hồi hương. Thông qua người dân tốt bên nước bạn, nhờ đưa nhóm trở về . Nhưng thay vì đi theo đường tiểu ngạch, tới đâu điện thoại tới đó cho Y Sao biết và chỉ mất chừng 200 ngàn đồng cho xe ôm đưa tới biên giới, thì vì không đủ tiền, họ đành lên xe đò ( chỉ 150 ngàn) về cửa khẩu Mộc Bài. Không có giấy tờ nên bị hải quan Campuchia giữ lại. Đơn vị phải cho xe tới nơi làm thủ tục đón nhận.

 Bằng những nỗ lực của các anh, từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ vượt biên giảm hẳn, chỉ còn lẻ tẻ vài ba người, đều đi tìm việc, không vì lý do chính trị. 

Với vấn đề an toàn xã hội, những việc làm của đơn vị cũng có hiệu quả cao.  Phòng chống ma túy tại Ea H'Leo được coi là một trọng điểm, chỉ xếp ngay sau thành phố Buôn Ma Thuột. Bởi người dân tộc phía bắc di cư đông, thanh niên không có việc làm thường xuyên tụ tập, nhất là tại xã Ea Wy, nơi tập trung toàn bà con dân tộc Tày ( chiếm tới 62% dân toàn xã). Hàng năm số vụ và số đối tượng bị phát hiện tại xã cũng chiếm tỷ lệ tới 40% trên toàn huyện. Xác định việc chuyển hóa địa bàn là khâu quan trọng để ngăn chặn, giảm nguồn cung ma túy, giảm số người nghiện, các anh đã  cùng chính quyền huy động mọi sức mạnh tổng hợp ngoài chính quyền, đoàn thể, còn gia đình, dòng họ, người có uy tín, kể cả hàng xóm…để tham gia phòng, chống.  Gần như nửa lực lượng được đưa xuống Ea Wy, rà soát, đánh giá mức độ, lập hồ sơ, khi cần thì xử lý hành chính cai nghiện tại cộng đồng hay bắt buộc tập trung …Chỉ trong năm 2017 – 2018 đã xác định được 64 người nghiện. Sau đó 17 đối tượng tự nguyện cai nghiện, 30 đối tượng Tòa án huyện ra quyết định đưa vào Trung tâm cai nghiện.

Thực ra công việc cũng chẳng giản đơn như trong những dòng báo cáo kết quả. Các chiến sỹ còn phải đối đầu với nhiều hiểm nguy bất ngờ. Như khi bắt quả tang Triệu Văn Hùng ở thôn 6 xã Ea Khal tàng trữ 5,953 gam Heroin. Đối tượng chống trả quyết liệt để hòng thoát thân. Bằng các thế võ thuần thục, Trung úy Hà Văn Phương đã quyết tâm, nhanh chóng quật ngã đối thủ, nhưng lại bị hắn hung hãn cắn chảy máu. Đơn vị e ngại bị phơi nhiễm HIV đã đưa đồng chí Phương đi xét nghiệm, nhưng chưa xác định được. Hay cuộc hỗn chiến của những thanh niên mâu thuẫn sau chơi geam ở thôn 4 xã Ea Hieo. Phía bên nhóm di cư sử dụng súng kíp, nhóm thanh niên Ê Đê dùng súng bi tự chế,  bắn nhau. Mỗi bên đều có 2 người bị thương vong. Bằng nghiệp vụ, các anh khống chế bắt truy tố 2 đối tượng cầm đầu, vận động các đối tượng khác ra đầu thú để xử lý theo pháp luật….Thôn xóm bình yên, đời sống kinh tế các buôn bản ổn định, nụ cười bừng trong ánh mắt cả người dân lẫn các chiến sỹ.

          Ngồi trong căn phòng ngát hương tinh dầu sả của Đại tá Lê Văn Sơn ( như một cách khoe khéo rằng Công an huyện cũng là đơn vị tư vấn giúp mở rộng diện tích và vận động thành lập HTX chế biến tính dầu xả, nâng cao thu nhập cho người dân), mông lung theo những giọt mưa ngắn dài tí tách rơi ngoài sân. Trong tôi kỷ niệm đong đầy với Ea H'Leo sóng dậy. Tại đây, không chỉ có gia đình bác Ama Khê, một trong những vị chủ tịch huyện Buôn Hồ đầu tiên của tỉnh Đăk lak sau thời chống Pháp, quê của những phụ nữ dòng họ Niê kdam kế tục sự nghiệp chính trị của cha như Mai Hoa, Mai Hoan…Mà còn là nơi chúng tôi đã cùng hai cố ca sỹ NSND Y Moan Ea Nuôl và H'Gang Snar, vừa đi vừa hát, gánh gồng và chất lên xe bò máy móc, nhạc cụ để về diễn tại buôn Dliê Yang, sau chuyến đi biểu diễn ở Bun Ga Ri trở về. Cũng trong một ngày mưa rả rích như thế. Bà con đội mưa ngồi xem, chúng tôi cũng mặc kệ mưa mà hát, báo hại kỹ thuật thỉnh thoảng bị điện giật vài cái. Đây cũng là nơi những học trò thân thương của tôi Y Brức, Y Liêm, Y Tuýt…vì gia cảnh mà tốt nghiệp trung cấp âm nhạc, múa rồi phải nuốt ước mơ vào lòng, quay lại cặm cụi với vườn cà phê, ruộng lúa. Và Y Phôn Ksor cũng thế…khó khăn lắm mới gỡ được phần nào gánh nặng gia đình vợ để em trở về với nghệ thuật, đủ an lòng và cảm xúc để làm nên những ca khúc đẹp như sử thi " Bay về cội nguồn, Đi tìm lời ru Nữ thần mặt trời"… . Đây cũng là nơi trái tim nhạc sỹ Nguyễn Cường rung động để làm nên ca khúc nổi tiếng một thời " Đến với cao nguyên". Rằng " Vì một bình mình rừng thu sương tan/ Vì một trường ca Dam San,/ Vì một dòng suối Ea Khal/ tôi đến đây cao nguyên ơi"…

          Tôi đã gặp Trung tá Y Sao Niê trong tâm trạng ấy. Dáng cao lớn, nụ cười cởi mở, anh gây cho người đối diện cảm giác tự tin và thân thiện. Là cháu của Amí Khê, anh được cậu Sa Phôn hướng đi học công an ngay từ khi tốt nghiệp lớp 12. Mặc dù bị cả gia đình phản đối vì e ngại lúc ấy đang là thời kỳ cao điểm cả tỉnh chống Phulro, đây lại là ngành dễ gặp hiểm nguy đến tính mạng, nhưng tuổi trẻ ham đi xa, anh vẫn quyết tâm vác ba lô đến trường.Y Sao cười :

-Nào có biết gì về nghề nghiệp đâu. Cứ được đi xa là thích đã. Đến trường thấy áo xanh, áo vàng còn thắc mắc sao có bộ đội học chung với công an nhỉ? Học rồi mới hiểu thế nào là an ninh, thế nào là cảnh sát. Hiểu rồi là thích, là gắn bó với nghề nghiệp từ đó đến nay. Nhất là được đảm bảo cuộc sống bình an cho chính quê hương thân yêu của mình.

Tốt nghiệp đại học an ninh, Y Sao về nhận nhiệm vụ tại công an tỉnh từ năm 1998, rồi 2012 lại về làm phó công an huyện Krông Năng. Mãi đến tháng 6/2014 để hợp lý hoàn cảnh gia đình, mới chính thức về nhận chức phó công an huyện Ea H'Leo. Thấy tôi săm soi mấy chiếc bằng khen của ban Chỉ đạo Tây Nguyên về thành tích hoạt động và Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất trong phòng làm việc của anh, Y Sao cười :

-Tất thảy hơn 50 cái các loại cô ạ. Treo ở nhà cũng không đủ chỗ.

Vâng! Đó là những minh chứng về thành tích của Y Sao khi tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh chính trị của quê nhà. Như chuyên án CAK302 năm 2001, thực hiện việc vây bắt toán trưởng Y Kuăr  Buôn Yă vốn nằm vùng tại buôn Akǒ Mlieo ( xã Hòa Thắng, BMT), khi biết hắn có ý định cùng đồng bọn vượt biên qua CămPuchia.Y Sao và đồng đội đã bí mật đuổi theo hành trình, tới tận Bình Dương, nhân cơ hội chúng đang ăn sáng, uống cà phê trong tiệm vắng vẻ tại Lái Thiêu, đã ập vào bằng các động tác nghiệp vụ, bắt gọn cả 3 tên, áp giải về Đăk Lăk. Ngày đó Y Sao là thượng sỹ, trẻ nhất đội công tác. Anh còn tham gia vây bắt hết các đối tượng trưởng các khu vực từ T2 đến T14 của địch. Góp phần hạ nhiệt  cho vùng " đất nóng". Y Sao cười hiền khi tôi hỏi các sự cố nghiệp vụ và chìa hai cánh tay mang những vết sẹo, kết quả của trận bị thanh niên  quá khích ở các buôn bủa vây ném đá, khi anh điều quân giải tán cuộc  biểu tình ở phường Tân Lợi thành phố Buôn Ma Thuột năm 2004. Cả đôi bàn tay rộng đầy chai sần cùng vợ chăm sóc 1.000 gốc tiêu với 5 ha cà phê cho năng suất 4T/ha ( khá cao so với thu hoạch của bà con dân tộc thiểu số trong vùng). Y Sao đang có một gia đình hạnh phúc cùng người vợ là hậu phương vững chắc, với hai đứa con khỏe, ngoan, mà trai lớn đã nối nghiệp ama đang học ở trường Công an.

          Với những thành tích và những con người như Lê Văn Sơn, Y Sao Niê, Hà Văn Phương…cùng các đồng đội, năm 2017, Công an huyện Ea H'Leo được nhận cờ thi đua của Tổng cục chính trị Công an nhân dân, được bằng khen của Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk về thành tích 5 năm liền đạt danh hiệu "Đảng bộ Trong sạch vững mạnh".

          Mưa đã tạnh khi chúng tôi trên đường về lại Buôn Ma Thuột. Mặt trời cao nguyên hừng lên nhẹ nhàng lau khô giọt mưa trên lá những cánh rừng cao su, cà phê đã thỏa thuê vẫy vùng no nê nước.  Vùng " đất nóng" đang mỗi lúc một thêm mát mẻ và xanh màu bình yên ấm no. Nhờ sự góp sức của Công an Ea H'Leo.

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI: B

NGƯỜI CHIẾN SỸ TRẺ

HAI LẦN SỐNG TRONG PHƠI NHIỄM

 Bút ký của Trung Kiên

  Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy là một lĩnh vực đầy cam go, thử thách, hiểm nguy. Tai nạn nghề nghiệp luôn hiện hữu với những người mang trên mình trọng trách ấy. Không nao núng, sợ sệt mà lại xem đó như một kỷ niệm để bước tiếp, để vững tin trên con đường mà mình đã lựa chọn, đó là phẩm chất của người chiến sĩ công an nhân dân thực thụ Nguyễn Xuân Trường - điều tra viên, Bí thư chi đoàn phòng PC47, Công an tỉnh Đắk Lắk với cuộc "sống" hai lần bị phơi nhiễm trong trận chiến nguy hiểm ấy nhưng bằng sự tâm huyết, niềm đam mê với nghề, sự mưu trí, dũng cảm, hết lòng tận tụy với công việc, Thiếu uý Trường đã kiên cường chống lại số phận, vượt qua tất cả để cùng với đồng chí, đồng đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao đẩy lùi cái chết trắng góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

  Với dáng vẻ thư sinh, nụ cười thật hiền, nhìn bề ngoài khó ai có thể biết rằng Thiếu úy Trường lại là một trinh sát hình sự đầy bản lĩnh, mưu trí, dũng cảm, nhiều lần đương đầu, bắt giữ được những đối tượng phạm tội về ma túy liều lĩnh. Gặp em trong một buổi sáng cuối thu, hình ảnh người chiến sĩ trẻ với khuôn mặt hiền hậu, lại ít cười và khiêm tốn trong lời nói. Nhưng qua những câu chuyện, qua những tâm sự từ đáy lòng, trong tôi dần hiện ra một hình ảnh chiến sĩ trẻ đầy nhiệt huyết, bản lĩnh, đam mê nghề nghiệp. Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Cảnh sát (năm 2010), Trường đến nhận công tác tại phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đắk Lắk và được phân công làm việc tại Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Xác định công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy là vô cùng khó khăn, gian khổ. Trường đã không ngừng học hỏi đồng nghiệp và từng bước khẳng định được mình trên "tuyến lửa" đầy cam go và nguy hiểm này. Chưa tránh khỏi những bỡ ngỡ của những ngày đầu mới nhận công tác, ngày 6-1-2012 phòng PC47 Công an tỉnh Đắk Lắk tiến hành đấu tranh triệt phá đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy liên tỉnh TP.Hồ Chí Minh - Đắk Lắk. Khoảng 11 giờ cùng ngày, qua công tác điều tra, trinh sát phát hiện đối tượng Trần Tấn Thăng đang lảng vảng tại khu vực Cầu Chui thuộc phường Tự An, Tp.Buôn Ma Thuột để bán trái phép chất ma túy cho các con nghiện. Nhanh chóng xác định tâm lý của đối tượng sử dụng và buôn bán ma túy khi bị bắt sẽ chống đối rất dữ dội và tìm mọi cách để thoát thân, vì vậy dù biết đối tượng Thăng liều lĩnh, lại đang bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, nhưng bằng mọi cách phải bắt giữ được đối tượng, triệt phá được đường giây mua bán ma túy liên tỉnh này. "Em và đồng đội không còn lựa chọn nào khác là phải áp sát, bắt quả tang đối tượng, không cho hắn có thời gian tẩu tán chứng cứ". Sau hơn 10 phút vật lộn, đối tượng Thăng được khống chế nhưng cả Trường và đối tượng đều bị thương và trầy xước trên khắp cơ thể.

Mặc cho thân thể đang bị thương, nhưng lại chưa có thời gian nghỉ đến chuyện mình có bị lây nhiễm từ đối tượng hay không, Trường vẫn ưu tiên hoàn thành nhiệm vụ dẫn giải đối tượng về cơ quan để hoàn tất hồ sơ. "Lúc về đơn vị, được chỉ thị của cấp trên đưa cả em và đối tượng đi xét nghiệm và khi được các bác sĩ thông báo âm tính với HIV, em cũng có một chút bất an lo lắng nhưng không phải cho bản thân mà nghĩ đến những người thân, gia đình của mình nhiều hơn, em sợ nếu mình có chuyện gì xảy ra, ai sẽ là người chăm sóc cho ba mẹ khi tuổi già, sợ không có cơ hội được sống cho niềm đam mê nghề nghiệp của mình nghĩ đến đây tự nhiên thấy lòng bất an nhưng em lại nghĩ chắc không sao đâu, mình phải cố gắng…", Trường tâm sự. Dù được các bác sĩ tận tâm điều trị, kê thuốc uống nhưng khác với khi đứng trước bọn tội phạm ma túy tinh thần lúc nào cũng có thể bất chấp nguy hiểm để khống chế, trấn áp tội phạm giờ đây đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, người chiến sĩ ấy cũng rất lo lắng, cũng rất hồi hộp, cũng sợ hãi nên em đã lên mạng để tìm hiểu thêm về phơi nhiễm và việc điều trị để bổ sung thêm kiến thức chăm sóc cho bản thân tốt hơn. Sau 6 tháng điều trị theo phác đồ của các bác sĩ và kết quả âm tính, lúc ấy Trường mới thở phào nhẹ nhõm, mới cảm thấy mình thật sự may mắn và thấy yêu hơn hơn cuộc sống, yêu hơn con đường mà mình đã lựa chọn.

Trong trận chiến với bọn tội phạm ma túy và đặc biệt là những đối tượng HIV/AIDS, người chiến sĩ có quyền quyết định có truy đuổi đến cùng hay không để đảm bảo an toàn tính mạng cho cả bản thân và đồng đội. Đó là những đòn "cân não" chỉ những người can đảm, quyết đoán mới có thể làm được và em người chiến sĩ can trường ấy đã làm được điều đó để mang lại cuộc sống bình yên hạnh phúc cho nhân dân, để đẩy lùi cái chết trắng cho xã hội.

Sự nhạy bén trong việc nhận định tình hình, cùng với việc áp dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ đã giúp Trường phá được những vụ án tưởng chừng như đã rơi vào bế tắc. Cuối năm 2013, trong một lần đấu tranh triệt phá đường dây mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy liên tỉnh Đăk Nông - Đăk Lăk - Quảng Nam thì Thiếu úy Nguyễn Xuân Trường lại thêm một lần nữa bị HIV đe dọa. Đấy là lần Trường cùng 5 đồng đội thuộc tổ công tác đã tổ chức bắt giữ đối tượng Hồ Thị Mai, 45 tuổi, trú tại An Bình, Thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, một đối tượng nằm trong đường dây mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy liên tỉnh Đắk Nông – Đắk Lắk – Quảng Nam, trong đó Mai giữ vai trò vừa là người vận chuyển ma túy, vừa là "chân rết" quan trọng trong khâu phân phối ma túy ở đường dây này. Bản thân Mai cũng là con nghiện đang bị HIV giai đoạn cuối.

Trường kể, 5h sáng, nhận được tin báo từ đồng đội, đối tượng Mai đang vận chuyển một số lượng lớn ma túy từ Đắk Nông đưa về Đắk Lắk, nhận thấy đây là thời cơ thuận tiện để đấu tranh, bắt giữ quả tang đối tượng, triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh nguy hiểm này, lãnh đạo đơn vị đã tin tưởng giao cho Trường cùng tổ công tác trực tiếp lên kế hoạch đấu tranh, bắt giữ bằng được Hồ Thị Mai.

Sau gần 2 giờ kiên trì theo dấu đối tượng, xác định được Mai đang giấu ma túy trong người và ả sẽ bắt xe khách từ Đắk Lắk đi Đà Nẵng để giao hàng. Vì vậy, khi xe khách chạy đến địa phận xã Hòa Thuận, thị trấn Buôn Ma Thuột, Nguyễn Xuân Trường cùng một đồng đội trong tổ công tác đã tìm cách bí mật lên chuyến xe kể trên để áp sát, khống chế đối tượng. Biết bị phát hiện, Mai chống trả quyết liệt. Trong lúc bị Trường quật ngã để còng giữ, Trường đã bị đối tượng Hồ Thị Mai bất ngờ cắn trả đến chảy máu hòng thoát thân. Dù biết đối tượng đang bị HIV giai đoạn cuối, Trường vẫn quyết không buông tay. "Lúc ấy, cũng giật mình nhưng cũng không có thời gian để nghĩ, vì để phát hiện ra một đối tượng buôn bán ma túy là cực kỳ khó, mà để bắt giữ đối tượng lại càng khó hơn, đây còn là một yêu cầu cấp thiết, chỉ cần để vuột tay đối tượng thôi thì sau này sẽ khó bắt vô cùng, đối tượng sẽ tìm rất nhiều cách khác nhau để qua mặt các trinh sát. Vì vậy, chỉ có một suy nghỉ duy nhất là phải bắt bằng được đối tượng đó là mục tiêu chính, còn bị cắn như thế nào thì không quan trọng".

Dường như "nghề nào... nghiệp nấy", có lẽ niềm vui của các chiến sĩ như Trường là truy tìm và bắt được tội phạm ma túy, để giảm bớt đi sự đau thương của cái chết trắng cho người dân. Và hạnh phúc của họ lại gắn với những chuyên án truy bắt thành công. Cuối cùng, sự "gan lì" của em đã buộc ả tội phạm kia phải khuất phục, chịu đưa tay vào còng số 8, thu giữ vật chứng gồm 13,6 gam hêrôin, một điện thoại di động và nhiều tại liệu khác có liên quan. Sau khi bắt giữ được đối tượng Mai và tiến hành các thủ tục cần thiết, tổ công tác đã tiến hành đưa Mai đi kiểm tra, kết quả xét nghiệm tại trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đắk Lắk kết luận đối tượng Hồ Thị Mai dương tính với HIV. "Sau khi di lí đối tượng về đơn vị, em vẫn chưa báo cáo với lãnh đạo mình bị đối tượng cắn, vì bản thân cũng không có ý định sẽ uống thuốc phơi nhiễm lần nữa nên cũng chỉ nói chuyện với anh em thân thiết bị cắn và giở áo ra xem mới thấy rằng vết cắn khá mạnh làm chảy máu", Trường tâm sự. Một lần nữa Trường lại được các bác sĩ nhắc nhở"cắn trầy đến thế này mà không uống là nguy hiểm đến tính mạng đó". Lúc ấy Trường mới bắt đầu báo cáo với đơn vị, làm hồ sơ điều trị. Khác hẳn với lần điều trị đầu tiên, lần thứ hai điều trị phơi nhiểm gặp nhiều khó khăn hơn do sức đề kháng đã giảm xuống, em thường xuyên bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, có những buổi sáng Trường nôn đến xanh mặt, nôn đến mức phải nhập viện để điều trị lúc ấy gia đình em đã rất lo lắng nhưng em luôn tâm niệm một điều dù biết trước có thể sẽ "lây nhiễm" thực sự, nhưng Trường chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc mà thay vào đó là sự vững tin rằng nếu như sau này vẫn gặp các đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS thì Trường vẫn quyết không nương tay. Bởi một khi đã bỏ thời gian ra để tìm hiểu về một đối tượng và biết chính xác đối tượng có sử dụng chất ma túy và có hành vi vi phạm phải mất rất nhiều công sức kể cả tiền bạc nên phải bắt bằng được. Có lẽ với Nguyễn Xuân Trường tâm lý khi không bắt được đối tượng còn nặng nề hơn so với tâm lý khi bị phơi nhiễm, việc phơi nhiễm đôi khi "hên xui" do tai nạn nghề nghiệp. Và một lần nữa sự kiên cường của Trường đã giúp em thoát ra khỏi căn bênh quái ác kia và tiếp tục cống hiến cho lý tưởng mục tiêu cao đẹp của người chiến sĩ Công an bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.

Trong công việc của mình, Trường luôn thấm nhuần sâu sắc, học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Thiếu tá Quang - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Thiếu úy Nguyễn Xuân Trường là một cán bộ trẻ rất năng nổ, nhiệt tình, hết lòng tận tụy với công việc. Đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh, sự mưu trí, dũng cảm, khôn khéo trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy. Mỗi khi có vụ việc xảy ra, dù bất kể thời gian nào, được sự phân công của lãnh đạo, đồng chí Trường đều sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng chí được lãnh đạo và đồng đội yêu mến, tín nhiệm."

Băng rừng, vượt suối, lội đèo, thức đêm nằm phục trong rừng… là chuyện hàng ngày của những chiến sĩ phòng chống ma túy. Nhiều vụ, đối tượng phạm tội sẵn sàng lao xe với tốc độ cao vào lực lượng chức năng, xả súng, đâm chém điên cuồng. Với những kẻ liều chết này, sự dũng cảm không chưa đủ, anh em còn phải hết sức bình tĩnh, linh hoạt để xử lý tình huống. Mỗi vụ án, chuyên án thành công, được trở về với gia đình nguyên vẹn, bình an là điều hạnh phúc nhất- Nguyễn Xuân Trường bộc bạch. Chính vì vậy nên việc thường xuyên vắng nhà, bám cơ sở hay đang đêm, đang dùng bữa cơm với gia đình, lập tức vai khoác ba lô lên đường đã trở thành chuyện thường nhật. Những lúc như vậy, em lại nói nhỏ với vợ con mình rằng: "Xong việc rồi bố sẽ về ngay. Mẹ con em chịu khó nhé!

May mắn hơn khi vợ em cũng là người trong ngành nên có thể chia sẻ, thông cảm với Trường rất nhiều trong công việc. Sau những đêm theo đánh án, xa nhà, những mối nguy hiểm luôn rình rập, Trường lại trở về với gia đình nhỏ bé đầy yêu thương, lại cùng vợ con tận hưởng những giây phút hạnh phúc bên mâm cơm chiều ấm áp, bên cô con gái nhỏ đáng yêu để cùng nhau vun vén cho tổ ấm ấy ngày một đầm ấm, hạnh phúc, để nơi đó luôn là chỗ dựa, là hậu phương vững chắc để em cùng đồng đội bước tiếp những chặng đường đầy khó khăn, gian khổ mà vinh quang.

Không chỉ là một người say mê với công việc, trách nhiệm thương yêu vợ con, Trường còn là một Bí thư chi đoàn rất năng nổ nhiệt tình em đã cùng với tập thể chi đoàn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa nhất là các hoạt động tình nguyện hướng về cơ sở chung sức cùng cộng đồng như xây nhà tình nghĩa, lớp học tình thương, thăm tặng quà cho bà con vùng thiên tai lũ lụt. Với những việc làm thiết thực của mình, nhiều năm liền em đều đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, được các cấp các ngành tuyên dương, khen thưởng đặc biệt trong năm 2013 em đã vinh dự được Trung ương đoàn tặng "kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ", năm 2014 em là một  trong 20 gương mặt Thanh niên tiêu biểu trong toàn quốc được vinh danh tại buổi lễ tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, Nguyễn Xuân Trường thật sự đã trở thành một tấm gương sáng cho các đoàn viên học tập và noi theo.

 

Cuộc chiến phòng chống tội phạm và tệ nạn ma tuý sẽ còn tiếp tục, dai dẳng và khốc liệt, tính mạng, sức khoẻ của người chiến sỹ Công an có thể bị đe doạ bất cứ lúc nào. Nhưng Thiếu uý Trường và những đồng đội của em luôn vững vàng trên trận tuyến, quyết tâm không khoan nhượng với tội phạm và tệ nạn ma tuý, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân góp phần thực hiện tốt cuộc vận động "Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ" để những đồng đội như chúng tôi thêm yêu và tin tưởng hơn vào con đường mà mình đã lựa chọn để hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân đẹp mãi trong lòng nhân dân.

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI: C

ẦN TƯỢNG EA KAR

Bút ký của Hữu Chỉnh

Xe rời Buôn Ma Thuột, nhằm hướng Đông thẳng tiến khoảng 60 km là đến trung tâm huyện Ea Kar, một huyện đang phát triển nhiều mặt nhưng cũng đầy thử thách. Muốn phát triển thì trước hết phải bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Điều này huy động cả hệ thống chính trị nhưng lực lượng tiên phong là công an nhân dân. Chỉ xin nêu một con số: Trong năm đã điều tra và làm rõ 90/97 vụ với 124 đối tượng phạm pháp hình sự, trong đó có 16/17 vụ với 16 đối tượng phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Thị trấn Ea Kar là trung tâm của huyện, kinh tế phát triển, tập trung đông người nên càng phức tạp.

Chuyến đi thực tế sáng tác lần này gồm 10 văn nghệ sĩ, báo chí, con số tròn và đẹp. Tôi là người cao tuổi nhất đoàn nên được ưu tiên làm việc với Công an thị trấn Ea Kar.

Biên chế Công an thị trấn có 12 người, đã có 8 đồng chí là cảnh sát khu vực, được phân công nắm các địa bàn dân cư. Trung tá Đinh Công Tuấn – Trưởng Công an thị trấn, Thiếu tá Vi Ngọc Thành – Phó trưởng Công an thị trấn, giới thiệu một gương điển hình là Đại úy Đặng Văn Báu, từ cảnh sát cơ động chuyển sang cảnh sát khu vực được 3 năm. Dáng người chắc, khỏe, da nâu bóng, đủ nói lên một chiến sĩ công an gắn bó với phong trào, lăn lộn với dân. Tôi rất thích khi anh trả lời các câu hỏi của tôi mà không cần mở sổ sách, cứ vanh vách thuộc lòng bởi đã nhập tâm công việc được phân công. Địa bàn anh phụ trách kéo dài 6 km, hơn 2.000 dân, thuộc từng hộ với số khẩu mỗi gia đình, nghề nghiệp và thu nhập từng người, đặc biệt là mối quan hệ xã hội. Nắm chắc số dân cùng độ tuổi trên 14 và giới tính để tiện công việc phân loại.

Anh Báu sinh năm 1980 tại thành phố Hưng Yên, đã học Đại học An ninh, đầu quân vào Đắk Lắk. Ngày đêm bám địa bàn, thường để lại cô vợ trẻ là Trần Thị Hà sinh năm 1984 phải một mình chăm sóc hai con trai sinh năm 2011 và 2017. Chị Hà là nhân viên bán hàng của VNPT thuộc Vinaphone nên ban ngày cũng bận rộn, còn mình 2/3 thời gian bám cơ sở, khi ở tổ dân phố 4, khi ở thôn 9.

Không kể các vụ án lẻ tẻ, chưa phải trọng án, một vụ án xôn xao dư luận ở Ea Kar mà công an đã phá được chỉ sau 4 giờ, công đầu thuộc về Đặng Văn Báu.

Năm 2016 được quần chúng báo tin: Có cô gái chết trên giường nhà nghỉ Bình Minh trong tình trạng lõa thể, tài sản không còn. Rõ ràng đây là trọng án hình sự, hung thủ hãm hiếp, giết người rồi cướp của. Tìm nhân thân cô gái, biết được cô là Hà Thị Hoàng, sinh năm 1993, quê ở miền núi phía Bắc, làm nhân viên phục vụ và hát karaoke cùng khách.

Chưa xác định được đối tượng gây án vì chỉ đăng ký tên một người vào nghỉ vừa bị hại, còn kẻ thủ ác ở nhà nghỉ nào không rõ. Thị trấn có tới 36 nhà nghỉ nên khó tìm ra manh mối. Bằng biện pháp nghiệp vụ, được quần chúng hỗ trợ nên biết được đối tượng đã đi cùng Hà Thị Hoàng là Lương Văn Trang quê ở Yên Thành, Nghệ An, làm ở Ea Đa. Xác định được rồi nên chỉ sau 4 giờ đã bắt được tên Trang đang ở Khu công nghiệp Ea Đa. Hắn biết tội của mình nên không dám chống cự. Phá vụ án nhanh, gọn, thần tốc, không phụ lòng tin của nhân dân và đồng nghiệp.

Thị trấn có 8 tổ dân phố, 6 buôn, 2 thôn, rộng tới 2.444 ha, dân số trên 16.000 người nên khá phức tạp. Ngoài đồng bào dân tộc bản địa, còn có đồng bào dân tộc phía Bắc vào lập nghiệp nên lực lượng Công an thị trấn có Trung tá Y Tuk Niê người Êđê ở bộ phận tiếp dân; Thượng úy Lý Minh Kiên người Tày là cảnh sát khu vực. Một nữ cảnh sát duy nhất là Đại úy Vũ Thị Vân Anh ở bộ phận tiếp dân.

Buổi làm việc chân tình nhưng các anh chị rất khiêm tốn, không ai chịu nói về mình – kể cả Đặng Văn Báu cũng nói là công của tập thể, làm cho tôi phải dùng nghiệp vụ báo chí, hỏi vòng vo để khai thác tư liệu.

Một điều tôi không ngờ, trụ sở làm việc của Công an thị trấn lại là của Chi cục Thuế mới chuyển đi. Lần này đã là lần thứ tư chuyển địa điểm làm việc. Tôi băn khoăn thì được trấn an từ chính các anh thốt lên: Làm việc ở đâu cũng được, miễn là phục vụ tốt nhân dân. Các anh cho biết: Đã được cấp đất xây trụ sở, chắc là chuyển lần thứ năm sẽ ở lâu dài. Tôi nói vui: Khi nào khánh thành nhớ báo cho tôi nhé, để tôi về mừng cùng các anh.

Cuối buổi làm việc, Trưởng và Phó Công an thị trấn dành cho tôi sự ưu ái là cử Thiếu úy Nguyễn Anh Tuấn, cảnh sát khu vực chở tôi dạo một vòng quanh thị trấn. Ở đây có 3 người có tên là Tuấn. Ngoài Trung tá Đồn trưởng Đinh Công Tuấn, còn Trung úy Trần Xuân Tuấn, cảnh sát khu vực. Tuấn trẻ nhất là Thiếu úy, chở tôi dọc đường Nguyễn Tất Thành, dọc trung tâm thị trấn. Tay ga mở nhẹ, máy êm cho tôi chiêm ngưỡng hàng cây sao vừa năm tuổi, đủ tán tròn xòe bóng mát xanh cho người đi bộ lề đường. Các đường khác như Trần Phú, Ngô Gia Tự… cũng trồng cây sao nhưng mới được một hai năm, còn thấp nên nhìn rõ búp non tơ trên ngọn.

Dạo vài đường nữa thì Nguyễn Anh Tuấn chở tôi đến hồ Ea Kar. Đứng ở phía Đông của hồ, phóng tầm mắt sang phía Tây thấy dải đồi nhấp nhô uốn lượn, thật sơn thủy hữu tình. Xung quanh hồ là cả công trường nhộn nhịp. Xe chờ cát đá, xe chở đất làm đường cuốn bụi mù trời. Cả những xe chở nguyên vật liệu xây dựng nhà cửa để tương lai không xa sẽ thành nhà nghỉ, cửa hàng lý tưởng của các đại gia. Rồi sẽ đến lúc dập dìu tài tử giai nhân vào nhà nghỉ bên hồ ngắm gió mát trăng thanh, lướt trên mặt hồ bằng xuồng cao tốc hay dập dềnh thuyền thiên nga đạp chân nhẹ nhàng.

Tôi chú ý tới một loài cây ven hồ, có cây chìm trong nước vẫn có hoa đỏ ngoi lên quyến rũ, màu sắc bắt mắt. Ấy chớ, đừng đụng tay vào vì chúng có gai. Đây là cây mai dương, chúng phát triển nhanh, lấn át dần cây ven bờ và cả thủy sinh dưới nước. Nếu để chúng phát triển tràn lan sẽ ảnh hưởng các loài cây khác. Tôi lại liên hệ đến công việc của chiến sĩ công an mà nghĩ rằng: Khi bờ hồ đã thành khu dân cư đông đúc, cái xấu, cái ác rình rập, chờ sẵn như cây mai dương kia, nhiệm vụ các anh thêm nặng nề.

Rời bờ Đông sang bờ Tây, nhìn bao quát mặt hồ rộng trên 200 ha, mênh mông bát ngát như chiếc gương khổng lồ mà trời ban tặng. Chòi canh cống xả nước như người lính gác kiên trung. Phía dưới đường bao là những vuông tôm, vuông cá, những thửa ruộng lúa xanh yên bình gọi cánh cò về chớp trắng. Bức tranh thủy mặc nào đây thu vào tầm mắt. Chiều dần buông, mặt trời lấp ló sau đồi, thả ra những rẻ quạt màu hồng, làm mặt hồ cũng ửng hồng như má, môi sơn nữ.

Thiếu úy Tuấn đưa tôi về lại nhà nghỉ Thành Thắng, tại phòng 306 có ông bạn già – nhạc sĩ lãng tử Sĩ Hùng đang chờ vì tôi ham chơi nên về muộn. Tôi khoe việc rong ruổi của mình, Sĩ Hùng bảo: Đẹp đấy! Cố gắng đưa vào thơ từ đồng âm: Vì sao trên trời và cây sao dưới đất để tôi làm nhạc. Tứ thơ đêm Ea Kar xuất hiện với đoạn mở đầu:

             Mặt trời đã khép mắt ngủ yên

             Mặt hồ cũng khép sóng lặng yên

             Chỉ còn anh thức

             Thi cùng những vì sao khuya

             Dưới tán hàng sao

             Tâm sự rì rào…

Miên man suy tư, gương mặt 12 chiến sĩ Công an thị trấn lại hiện lên trước mắt. Bình lặng giữa đời thường, trầm lặng trong công việc để làm tốt nhiệm vụ. Năm 2015 và 2016, tập thể này đã đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; năm 2017 đạt danh hiệu Đơn vị Tiên tiến. Ấn tượng về Ea Kar là sự bình an nhưng vẫn lấp ló cây mai dương đâu đó nên nhân dân cần các anh lắm lắm.

Tháng 1-2018

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI: C

LỬA THỬ VÀNG

Bút ký của Hồng Chiến

Trong buổi làm việc với đoàn văn nghệ sỹ Hội văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, Đại tá Cao Văn Cảnh - Trưởng Công an thị xã Buôn Hồ cho biết: "Buôn Hồ có truyền thống nhiều cái nhất như: trận đánh Fulro tiêu diệt được nhiều kẻ địch nhất, vụ án mạng tàn bạo nhất và hiện nay cũng là thị xã bình yên nhất: không có trộm cắp, móc túi, buôn bán ma túy... và còn nhiều cái nhất nữa để các anh chị văn nghệ sỹ khám phá". Mới hơn chín năm tách huyện lên thị xã, một thị xã trẻ nhất tỉnh Đắk lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma thuột theo đường quốc lộ 14 vừa tròn 40 km, không biết các đồng chí Công an nơi đây đã làm được những gì mà có thành tích ấn tượng thế? Mang câu hỏi này tôi đi tìm câu trả lời.

Theo Nghị định 07/NĐ - CP ngày 23/12/2008 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã thuộc huyện Krông Búk để thành lập thị xã Buôn Hồ và thành lập các phường trực thuộc thị xã Buôn Hồ - tỉnh Đắk Lắk. Vị trí: Nằm ở phía Đông Bắc của thành phố Buôn Ma Thuột, Đông giáp huyện Krông Năng, Tây giáp huyện Cư M'Gar; Nam giáp huyện Krông Pắc; Bắc giáp huyện Krông Búk. Có 28.205,89 ha diện tích tự nhiên và hơn 100.000 nhân khẩu. Thị xã Buôn Hồ có đại lộ Hồ Chí Minh chạy qua và cũng là ngã ba của quốc lộ 29 với đại lộ Hồ Chí Minh nối với tỉnh Phú Yên, tạo nên hành lang giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung. Bên cạnh sự giao thương sầm uất, không tránh khỏi một số tệ nạn xã hội cũng theo chân về đây làm xáo trộn vùng đô thị mới.

Nhắc đến thị xã Buôn Hồ, nhiều người chắc còn nhớ đến vụ án mạng kinh hoàng xảy ra chiều ngày 11/5/2010, kẻ thủ ác Lê Văn Vui – người thân, hàng xóm của hai cháu Đỗ Quang Huy - chín tuổi và Nguyễn Hữu Duy Thức - tám tuổi đã bắt cóc, giết hại còn đốt xác hai cháu và gọi điện đến gia đình đòi tiền chuộc. Vụ án làm chấn động dư luận thời bấy giờ. Hôm nay, Trung tá Trần Quang Vinh – Phó trưởng Công an thị xã Buôn Hồ mới kể cho chúng tôi nghe về quá trình điều tra và nhận định của Đại tá Cao Văn Cảnh lúc ấy là Đội trưởng đội cảnh sát hình sự Công an thị xã, còn Trung tá Trần Quang Vinh là Đội phó. Qua diễn biến của vụ việc, Đại tá Cao Văn Cảnh nhận định: kẻ gây án chắc chắn là người thân quen với gia đình nên mới có thể dụ dỗ để bắc cóc được các cháu. Mà người quen bắt để đòi tiền chuộc thì chắc chắn chúng đã sát hại hai cháu. Quả nhiên theo hướng điều tra ấy ta đã tìm ra hung thủ. Chuyện đã qua, hôm nay nhắc lại mới thấy cái tài của người làm công tác điều tra.

Đêm. Thị xã yên bình với những đoàn xe hối hả ngược xuôi băng qua khu vực trung tâm trước khi chia nhau: chiếc tiếp tục theo đường đại lộ Hồ Chí Minh xuôi qua tỉnh Đắk Nông tiến về các tỉnh miền Tây; chiếc ngược đường qua tỉnh Gia Lai, Kon Tum để hướng ra miền Bắc; có chiếc lại xuôi theo quốc lộ 29 về tỉnh Phú Yên đến với vùng biển miền Trung thơ mộng. Xe máy giảm dần theo thời gian về khuya, nhưng hình như lượng ô tô lưu thông lại tăng thêm; hàng cột điện đứng bên đường giơ cao những bóng đèn tạo nên nét đẹp lung linh. Thỉnh thoảng một cơn gió đầu mùa mưa chạy ào ào đến, quyét mặt đường, gom đám đất đỏ thành những đám mây nhỏ tạt vào xe, vào người còn đang lưu thông trên đường.

Đúng hai mươi ba giờ đêm, những chiếc áo xanh xuất hiện trên đường, cán bộ và chiến sỹ Công an kết hợp với công an viên đi tuần trên khắp các ngã đường thị xã mang lại bình yên cho nhân dân nơi đây. Nhìn các anh đi tuần đêm, tôi nhớ lại cuộc trò chuyện với Đại úy Phan Thị Thúy Hằng – Đội phó đội Tổng hợp Công an thị xã Buôn Hồ "bật mí" cho tôi biết sáng kiến của Đại tá Cao Văn Cảnh khi nhận chức Trưởng Công an thị xã Buôn Hồ đã vạch ra kế hoạch trấn áp bọn tội phạm, mang lại binh yên cho vùng đất nơi đây, trong đó có việc tổ chức các đội tuần tra ban đêm phối hợp với công an viên trên địa bàn. Sự có mặt của đội tuần tra ban đêm là nhân tố quyết định mang lại cuộc sống thanh bình cho thị xã trẻ của Đắk Lắk. Những chuyến tuần đêm từ hai mươi ba giờ đêm đến năm giờ sáng, không những mạng lại bình yên cho từng khu phố mà còn giúp những người khách thập phương khi đến thị xã trên cao nguyên này trong đêm khuya tìm được nơi tạm trú qua đêm với những chỉ dẫn tận tình, chu đáo. Một việc làm nhỏ nhưng đã mang lại kết quả lớn, để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Khi trao đổi với chúng tôi về tình hình an ninh trên địa bàn thị xã, ông Nguyễn An – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Buôn Hồ cho biết: Từ khi anh Cao Văn Cảnh nhận chức Trưởng Công an Thị xã, tình hình an ninh trên địa bàn tiếp tục được giữ vững, mang lại niềm tin cho nhân dân nơi đây. Chính điều ấy đã góp phần quan trọng để nhân dân yên tâm lao động sản xuất, kinh doanh, chấp hành nghiêm túc các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước".

Thị xã Thanh bình, đạt được điều ấy có vai trò rất lớn của người chỉ huy cao nhất của lực lượng Công an nơi đây. Anh đã quán triệt đến cán bộ chiến sỹ trong ngành phát huy vai trò làm chủ của nhân dân thông qua cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư" và "Chương trình trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020" nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, công tác điều tra xử lý tội phạm, người thủ trưởng cơ quan điều tra đã chủ động tham mưu và triển khai thực hiện có hiệu quả, không có trường hợp ép cung hay dùng nhục hình. Từ đó giúp các cơ quan tố tụng xử đúng người, đúng tội, mang lại niềm tin cho nhân dân trên địa bàn.

Nói đến thị xã Buôn Hồ người ta thường nghĩ ngay đến vùng đất có nhiều dân tộc và tôn giáo cùng chung sống, đặc biệt là số giáo dân di cư từ trước năm 1954 vào định cư. Để giúp giáo dân yên tâm làm ăn, Đại tá Cao Văn Cảnh thường xuyên đến thăm, trò chuyện với các cha giáo xứ và chức sắc tôn giáo để họ hiểu được các chính sách của nhà nước, từ đó giáo dân có cái nhìn thiện cảm hơn với lực lượng Công an, góp phần quan trọng giúp giáo dân "sống tốt đời, đẹp đạo". Một lãnh đạo Công an gần gũi với dân, cùng chia sẻ những khó khăn vướng mắc của dân để tìm cách xử lý vụ việc một cách đúng pháp luật, mang lại niềm tin vào chế độ, tin vào luật pháp của nhà nước, góp phần quan trọng ngăn chặn và giảm hẳn các vụ vi phạm pháp luật.

Ông Đặng Quốc Tạc có hơn 40 năm công tác tại huyện Krông Búk trước đây và nay là thị xã Buôn Hồ, hiện đang đảm nhận chức vụ Phó trưởng ban Kiểm tra Thị ủy đã nhận xét về Đại tá Cao Văn Cảnh: Một cán bộ có năng lực, kiên quyết trong công việc, nhưng sống cũng rất chân tình với đồng chí, đồng đội. Trước những vấn đề khó khăn thường có quyết định dứt khoát, thể hiện được bản lĩnh của người chỉ huy. Chính điều ấy đã mang lại niềm tin cho đồng nghiệp, giữ vững khối đoàn kết nội bộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Buôn Hồ, vùng đất đỏ ba zan màu mỡ, là xứ sở cà phê ngon nổi tiếng từ thời Pháp thuộc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, dân di cư tự do ồ ạt đổ vào làm tăng thêm nguy cơ nảy sinh nhiều tệ nạn và tội phạm hình sự. Để trấn áp tội phạm, mang lại sự bình yên cho nhân dân, trên cương vị Phó rồi Trưởng Công an thị xã, Đại tá Cao Văn Cảnh chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ truy bắt tội phạm, mang lại yên bình cho nhân dân. Các cơ sở của bọn phản động Fulro cài cắm lại cũng lần lượt bị bóc gỡ, sa lưới pháp luật. Bà con các dân tộc thiểu số an tâm lao động sản xuất và đã có những đóng góp tích cực cùng Công an đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Dân các buôn làng trên địa bàn vẫn nhắc đến người Trưởng Công an thị xã với những lời trìu mến vì đã giúp họ hiểu và sống đoàn kết với nhau hơn. Để có được niềm tin yêu ấy, chắc chắn người chỉ huy phải là người có tài và thực sự có tài. Cái tài ấy được thể hiện qua các con số: chỉ đạo làm rõ 86,43% các vụ phạm tội về trật tự xã hội; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm tiếp nhận trong nhật ký, đạt tỷ lệ 99,34%; hoàn thành điều tra đạt 97,66%; điều tra, làm rõ 100% các vụ trọng án… một vài con số thống kê đó cho chúng ta thấy nỗ lực của tập thể cán bộ chiến sỹ Công an nơi đây nói chung và cá nhân Đại tá Cao Văn Cảnh nói riêng.

Trong một lần ngồi nhâm nhi bên ly cà phê, cô giáo Nguyễn Thị Ánh Nguyệt – giáo viên của trường Dân tộc nội trú thị xã nói với tôi có vẻ tự hào: Buôn Hồ chúng em giờ thanh bình lắm, cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt, nhiều khu vực đô thị đã hình thành và phát triển một cách nhanh chóng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, không có khiếu kiện, tranh chấp… có được như thế cũng nhờ có các anh chị Công an luôn gần  dân, giúp dân tháo gỡ vướng mắc, mâu thuẩn từ khi mới phát sinh. Thật lòng, trước đây em có cái nhìn khác, có một chút mặc cảm, nhưng rồi qua thời gian mới thấy được vai trò hết sức quan trọng của các anh chị Công an, những người thực thi pháp luật sao lại dễ mến đến vậy!" Lời tâm sự của một cô giáo làm tôi bất ngờ, vì cái nhận xét rất tế nhị mà sâu sắc. Có lẽ chính hiện thực cuộc sống hôm nay và cách ứng xử của các anh chị Công an đã mang lại niềm tin yêu cho mọi người.

Công an thị xã Buôn Hồ sau gần mười năm thành lập, đã lập được nhiều chiến công. Nối tiếp các thế hệ lãnh đạo đi trước, thế hệ đi sau đã phát huy thành quả và duy trì được truyền thống vẻ vang của người chiến sỹ Công an nhân dân "vì nước quên thân, vì dân phục vụ", mang lại sự bình yên cho cuộc sống. Trong thành tích chung đó của cả tập thể, có vai trò quyết định của người chỉ huy trưởng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì công việc chung. Bà H'Bla - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thị ủy đánh giá: "Đại tá Cao Văn Cảnh – Trưởng Công an thị xã là cán bộ có năng lực, gương mẫu trong công việc, xây dựng được khối đoàn kết nội bộ cơ quan dựa trên tinh thần dân chủ, phát huy được thế mạnh của một tập thể xuất sắc".

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc nhiều năm vừa qua trong ngành Công an ở thị xã Buôn Hồ, năm 2018, một vinh dự lớn đến với Đại tá Cao Văn Cảnh – anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Hy vọng trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Đại tá Cao Văn Cảnh, Công an thị xã Buôn Hồ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, mỗi cán bộ chiến sỹ thể hiện được "Phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ". Góp phần xây dựng vùng đất Buôn Hồ ngày một giàu đẹp hơn.

Mùa mưa năm 2018

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI: C

SAU NHỮNG CÂU CHUYỆN

Bút ký của Bích Thiêm

Tôi  đến thị trấn Ea Hleo vào một chiều mưa bay lất phất. Trong căn phòng rộng chừng 24m2, trang trí theo lối nhà công sở, tôi và cô bạn bị hút vào câu chuyện của người đàn ông nhìn trẻ hơn cái tuổi 56 với khuôn mặt phúc hậu, cặp mắt hiền từ. Anh không nói về mình mà kể về người bạn đã từng luôn sát cánh với anh mấy chục năm nay, trên mảnh đất đã là quê hương thứ hai với các anh và cả hai chúng tôi.

Đó là những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, anh và người bạn mình đều là những chàng trai xứ Bắc, sau khi học xong nghiệp vụ an ninh, được điều động vào công tác tại địa bàn Đắk Lắk. Chỉ khác chút là người bạn hơn anh hai tuổi, và vào trước anh bốn năm. Cơ duyên đến với công việc này của anh ấy cũng có điều đáng chú ý. Năm 1975, học hết cấp 3, hệ mười năm, anh ấy vốn thích học tổng hợp văn, trong khi người nhà lại làm ở phòng Gíao dục huyện nên muốn anh thi sư phạm. "Cuộc chiến" thi đại học theo ý người nhà và ý bản thân chỉ dừng lại ở năm 1977 khi anh vào Đắk Lắk tham gia lực lượng cảnh sát bảo vệ. Giấc mơ học hành vẫn theo đuổi nên năm 1978 anh đã theo học sơ cấp công an tỉnh Đắk Lắk. Sau đó anh về phòng Bảo vệ kinh tế 3 Đắk Lắk, rồi quay ra Hà Nội học ở Học viện an ninh từ 1982-1987. Điều thú vị là năm 1980 trong những lần đi đi về về giữa Hà Nội- Ninh bình và Đắk Lắk, anh đã nhận ra: trái tim anh đã rung động và thấy không thể thiếu một người. Đó chính là cô bạn ở cùng quê với anh. Xa xôi quá, nên anh chị chỉ có thể bày tỏ tình yêu trong những lá thư gửi qua bưu điện. Mối tình ấy được kết lại bằng một lễ cưới đơn giản mà ấm cúng. Cưới xong, chú rể tiếp tục vào Tây Nguyên, cô dâu học xong trung cấp y tế, rồi cũng theo chồng vào làm công dân cao nguyên năm 1989. Khi đó con gái đầu của anh chị mới được ba tuổi. Cấp trên chuyển anh sang làm ở PA 15. Bản lĩnh xông xáo nhiệt tình của người chiến sỹ trẻ này đã được lãnh đạo Công an Đắk Lắk ghi nhận. Những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động. Anh được chuyển sang tăng cường cho Cụm an ninh 2, đơn vị vũ trang của Bộ Công an tại Tây nguyên có nhiệm vụ đấu tranh giải quyết Fulro. Tháng 4/1994 về cơ bản ta đã giải quyết xong Fulro, anh được điều trở về công an Đắk Lắk và được cấp trên giao cho nhiệm vụ làm Phó Công an huyện Krông Ana. Đây là một huyện có tình hình an ninh phức tạp, dân cư đông đúc. Nhìn trên bản đồ vệ tinh, huyện Krông Ana giống như một vành trăng khuyết ôm lấy phía đông thị xã (nay là thành phố) Buôn Ma Thuột. Để đi từ thị trấn sang cánh Bắc huyện (nay thuộc huyện Cư Kuin), phải đi vòng lên thị xã Buôn Ma Thuột rồi mới xuống được; tổng đoạn đường ngót nghét sáu chục km. Đường xấu, vắng vẻ, đi lại khó khăn, công việc bộn bề, không làm vơi được nhiệt huyết tuổi trẻ. Anh đã lăn xả vào công việc. Có nhiều buổi anh thức trắng đêm ở dưới xã để tuyên truyền, vận động bà con yên tâm làm ăn, không nghe theo luận điệu sai trái, không tiếp tay cho kẻ địch. Sáng ra, khi mặt trời mới hừng lên chút ánh hồng phía đông thì anh lại quay về huyện để giải quyết công việc. Nhớ lại thời này, những người dân đã từng sống bên anh ở Krông Ana, ở Cư Kuin, khi gặp tôi đã nói: "Anh ấy là một người hiền lành, tình nghĩa, một cán bộ rất gần gũi và lắng nghe bà con. Mọi người ở đây rất quý anh ấy và thường gọi anh là Ama Qúy.". Chính nhờ "Ba cùng" với nhân dân mà anh am hiểu sâu sắc thực tế địa bàn và có sự chỉ đạo sâu sát. Còn anh Đặng Chiều - nguyên Phó Phòng Tham mưu, Phó Phòng Cảnh sát ma túy Công an tỉnh Đắk Lắk bồi hồi nhớ lại kỉ niệm thời mà bộ ba: anh, anh Lê Sơn, Ama Qúy cùng làm việc với nhau. Anh Chiều cười rất tươi, rồi trầm trồ: "Ama Quý là người năng nổ, đam mê và đầy trách nhiệm, tận tụy sát cánh cùng anh em. Ama Qúy rất chú trọng việc hợp tác với các phòng ban và tổ công tác khác. Thời gian làm trưởng Công an huyện Krông Ana, tuy không thuộc chuyên ngành ma tuý nhưng anh đã phối hợp với anh Chiều trong việc phá những vụ án ma tuý. Vụ án đầu tiên các anh phối hợp thành công đó là vụ một đối tượng buôn bán ma tuý có liên quan địa bàn Buôn Hồ. Ama Quý mạnh dạn hỏi ý kiến anh Chiều để đến Buôn Hồ ra lệnh khám xét bắt đối tượng. Đối tượng có ba người và chúng có thủ đoạn cất giấu rất tinh vi. Khi bị các chiến sỹ yêu cầu khám xét, có đối tượng nữ cố tình lu loa, lăn xả vào cắn tay chiến sỹ, rồi tự lột đồ để chống lại. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và thái độ kiên quyết, các chiến sỹ đã bắt được đối tượng, thu được vật chứng đem về Krông Ana xử lý. Vụ án liên huyện được phá một cách nhanh chóng, đã đem lại yếu tố tích cực và dư luận tốt trong nhân dân, khiến bà con thêm tin tưởng vào khả năng của chiến sỹ Công an".

Miên man trong dòng hồi ức, anh Sơn khẳng định: "Ama Qúy có sự nhạy bén và đánh giá tình hình rất sát. Vụ án năm 2013 tại thôn 7, Ea Hleo. Đối tượng trộm con ngan, nhưng gia đình có hai em bé ở nhà. Vì sợ lộ nên đối tượng đã giết cả hai cháu bé. Khi tiếp cận hiện trường, ngôi nhà ở trong phía chân núi, xa dân cư, cũng có ý kiến cho rằng có thể người vợ ngoại tình và người nhân tình đã giết hai cháu bé. Nhưng Ama Quý nhìn thấy tư thế nằm chết của con ngan có vẻ khác thường: đầu chúi vào trong chuồng, chân chuồi ra ngoài. Từ đó anh suy luận đây là kẻ bắt trộm ngan, bị phát hiện nên giết hai cháu bé. Ta đã tập trung khoanh vùng điều tra theo hướng phán đoán đó. Kết quả  sau bảy ngày đối tượng Vi Bế Ngoạt đã phải tra tay vào còng số 8.".

 Đại tá Nguyễn Văn Bôn- Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đắk Lak, dù rất bận nhưng vẫn dành cho tôi ít phút khi tôi hỏi về người đồng đội của mình. Anh nói: "Anh ấy là một cán bộ có năng lực, được đào tạo cơ bản và đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác. Anh ấy đã chỉ đạo rất sát sao, rất tốt nhiều chuyên án, vụ án trọng điểm. Cách sống của anh ấy rất tình cảm, chu đáo với đồng đội, anh em, bạn bè, và quần chúng nhân dân." Giai đoạn Ama Qúy làm Phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đắk Lak, tỷ lệ điều tra phá án hàng năm của công an tỉnh đạt hơn 85%, với các trọng án còn đạt cao hơn 95%.

Những kí ức về Ama Quý, người con quê hương Ninh Bình, giờ là công dân của Đắk Lắk được đồng đội kể lại thật sinh động. Mười ba năm công tác ở huyện, gắn bó với bà con dân tộc, với buôn làng, hơn mười năm sau đảm nhận nhiệm vụ Trưởng phòng tham mưu, rồi Phó Gíam đốc Công an Đắk Lak, điều anh tâm đắc nhất đối với Âm Quý, đó là những tình cảm của đồng bào đã tin yêu và đi theo Đảng, đã giúp các anh thông tin quý báu để phá những vụ án, từ đó đảm bảo an ninh trật tự. Tôi đã có lần nói chuyện với những đồng đội có thời gian làm việc cùng anh ở Phòng Cảnh sát điều tra, các anh đều nhận xét: "Anh ấy là người đã tập trung chỉ đạo rất tốt các đơn vị phòng cảnh sát điều tra, tập trung đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, phá được nhiều vụ phạm pháp hình sự gay cấn, trọng điểm." Anh Sơn, anh Chiều còn cho tôi biết khoảng thời gian làm Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Lak, Ama Qúy đã mạnh dạn lựa chọn các cá nhân có khả năng xuất sắc ở các đơn vị rồi tập hợp, hướng dẫn đào tạo để các cá nhân đó trở thành những cán bộ tham mưu tốt của Công an Đắk Lắk. Anh Sơn giọng xúc động khi nhắc lại năm anh được phân công về làm Trưởng Công an huyện Ea Hleo, Ama Qúy đã nhắn anh lên gặp cả một buổi để dặn dò thêm những kinh nghiệm quý báu, không chỉ như một người đồng đội, mà còn như một người anh trai với người em thân thiết của mình.

Cũng qua các cán bộ, chiến sỹ được tiếp xúc, tôi được biết anh thường xuyên viết bài cho các báo để tuyên truyền công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Anh cũng là chủ nhiệm một số đề tài khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ trong những năm gần đây.

Với những người dân ở địa bàn Cư Kuin, Krông Ana, hình ảnh người chiến sỹ công an trắng trẻo như thư sinh hiền lành, nhiệt huyết, lặn lội đi về; một Ama Qúy giản dị, chân tình và sau này là một Trưởng Công an huyện gần gũi với nhân dân, kiên quyết với tội phạm; vẫn luôn được lưu giữ với những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp bền chặt.

 Khi biết tôi xin được gặp và ngỏ ý muốn viết về mình, anh cười và nói: "Chị có thể gặp và viết về các anh em khác. Còn tôi, gắn bó với Tây Nguyên này đã hơn bốn mươi năm. Tôi đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó."

Xã hội ngày nay đầy những biến động, đặt ra cho mỗi chúng ta những thách thức và cơ hội, những nghĩa vụ và bổn phận nhất định. Với Ama Qúy và đồng đội của anh - những cán bộ chiến sỹ trong lực lượng công an, trách nhiệm đó càng nặng nề hơn. Anh Sơn tâm sự: "Cuộc sống vẫn còn tiềm ẩn những tiêu cực và tệ nạn xã hội. Trách nhiệm của lực lượng công an là luôn đề cao cảnh giác để đấu tranh diệt trừ cái xấu, bảo vệ cuộc sống an lành cho người dân, sự bình ổn cho xã hội. Anh ấy không nói nhiều, nhưng nhìn những chuyến công tác đi thực tế đến địa bàn, các đợt truy quét tại các tụ điểm tiêu cực, các điểm nóng…Tôi vẫn thấy Ama Qúy xông xáo nhiệt huyết như xưa. Tôi tin nhất định anh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình." 

Từ Ea Hleo, đến thành phố Buôn Ma Thuột rồi rẽ sang Cư Kuin, tôi đã gặp và nói chuyện với những đồng đội, những người dân nơi Ama Qúy đã từng công tác. Được nghe những câu chuyện, những sự kiện gắn liền với một chiến sỹ, một người lãnh đạo của Công an Đắk Lắk, tôi biết những câu chuyện đó, và trong khuôn khổ bài viết này, chưa thể nói hết được những gian nan vất vả, những cống hiến trong suốt hơn bốn chục năm của anh và các đồng đội. Thế nhưng, tôi đã thấy in đậm trong những câu chuyện đó hình ảnh Ama Qúy - người công an nhân dân, cùng các đồng đội của mình - đã dành cả thời thanh xuân tươi đẹp nhất gắn bó với miền cao nguyên này. Rồi đây, cuộc sống có thay đổi như thế nào, tôi tin tình cảm các anh dành cho nhau, dành cho bà con dân làng và tình cảm người dân dành cho các anh vẫn vẹn nguyên như buổi ban đầu. Vì đó chính là thứ tình cảm đã đã trải qua bao gian lao thử thách, và được vun đắp bằng tình thương yêu chân thành, bằng phẩm chất "bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ" của các anh - những chiến sỹ Công an nhân dân.

Anh – Ama Quý, chính là Đại tá Đoàn Quốc Thư- Phó Gíam đốc Công an Tỉnh Đắk Lắk. Và chắc sẽ có bạn cũng như tôi, cũng muốn gọi anh bằng cái tên nhân dân các huyện: Krông Ana, Cư Kuin đã gọi anh từ lâu nay: Ama Qúy - một cái tên mộc mạc mà gợi biết bao tình cảm thân thương, thể hiện được bản lĩnh người chỉ huy đã thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. 

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI: C

VIỆC GÌ KHÓ CÓ ANH QUYẾT                                            

Bút ký của Trương Nhất Vương

Trung tá Trần Quang Quyết sinh năm 1965  ỏ Thái Bình trong một gia đình nghệ sĩ có đến 10 anh em, 6 trai và 4 gái. Bố anh là Trần Quảng, làm đạo diễn Đoàn nghệ thuật Thái Bình. Anh cả Trần Quỳnh là giảng viên Trường Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội. Chị dâu là Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Ngát. Hai anh là Trần Quy, Trần Quyến thì người làm đạo diễn Đoàn nghệ thuật tỉnh Lai Châu, người là diễn viên Nhà hát chèo Hà Nội… Anh Quyết ban đầu mơ ước thành anh bộ đội, nhưng khi đang học lớp 12 thì ông chú sống ở Đắk Lắk nói trong này đang tuyển Công an, cháu có đi không? Thế là đi và Trần Quang Quyết đã vào ngành Công an từ năm 1982 như vậy đó.

Những ngày tháng đầu, anh Quyết được phân công về làm Cảnh sát cơ động, cuộc sống thời đó vất vả, phải ăn bo bo thay cơm và không kém phần gian nan, nguy hiểm. Tình hình an ninh, trật tự diễn biến phức tạp, tàn quân Fulro còn sót lại thường xuyên quấy phá, cướp giật và phục kích ở các đoạn đường vắng. Trần Quang Quyết với vai trò là chiến sĩ thường xuyên theo bảo vệ các đồng chí lãnh đạo đi công tác vùng sâu, vùng xa. Chuyến bảo vệ đoàn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Trìu về thăm làm việc tại Đắk Lắk một tuần, sau đó phải đưa đoàn sang làm việc ở tỉnh Lâm Đồng là chuyến công tác mà anh Quyết nhớ mãi… 

Anh Quyết kể: Hồi đó muốn sang Đà Lạt phải đi xuống Nha Trang, vào Ninh Thuận rồi mới đi ngược lên chứ không phải như bây giờ. Xe theo đoàn Bộ trưởng mỗi lần lên đèo, anh em phải cởi trần thay nhau múc nước xối vào két nước làm mát cho xe, nhưng vẫn phải luôn sẵn sàng chiến đấu. Đèo Phượng Hoàng, đèo Sông Pha (đèo Ngoạn mục) 1, 2, 3 là những nơi hẻo lánh dễ bị Fulro phục kích nhất. Chỉ khi lên hết đèo Sông Pha 3 không xảy ra sự cố gì, anh em mới thấy bớt lo lắng. Sau khi bàn giao công tác bảo vệ đoàn cho công an tỉnh bạn ra về, đứng trên đèo cao nhìn xuống, hai đường ống dẫn nước của Thủy điện Đa Nhim như hai con rồng to lớn được hệ thống đèn bảo vệ sáng rực đến một con chuột chạy cũng thấy. Không ai bảo ai nhưng trong lòng đều có chung một suy nghĩ: Tổ quốc mình thật đẹp, thật hùng vĩ và thật đáng tự hào… Từ đó, ai cũng khắc trong lòng một quyết tâm vượt lên mọi hoàn cảnh để học tập, chiến đấu, bảo vệ Đất nước.

Mới đó mà đã hơn 35 năm trong ngành Công an, Trung tá Trần Quang Quyết chuyển sang Cảnh sát khu vực từ năm 1991, đã làm Cảnh sát khu vực Công an phường Tân Tiến (1991 – 1995); phường Ea Tam (1995 – 2007);  Phó trưởng phường Khánh Xuân (2007 – 2012); Phó trưởng Công an phường Tân Lợi (2012 – 2014); rồi lại đảm nhiệm chức trách Phó trưởng Công an phường Ea Tam từ 2014 đến nay.

Tôi đến Công an phường Ea Tam gặp anh vào một buổi sáng mùa hè. Nghe anh đọc vanh vách các thông số về phường nơi anh quản lý mà không cần sổ tay ghi chép khiến tôi tròn mắt: Phường Ea Tam rộng 1.368 ha, có 8 tổ dân phố, 3 buôn, gần 7.000 hộ dân, 35.000 khẩu, 3 trường cao đẳng, đại học và dạy nghề với 21.000 sinh viên, có 600 hộ kinh doanh nhà trọ, khoảng 6.000 phòng cho thuê… Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn phường trước đây vô cùng phức tạp, đặc biệt là hoạt động mua bán, tàng trữ, sử dụng chất ma túy.

Từ năm 2014 đến nay, anh Quyết đã chỉ đạo và trực tiếp bắt quả tang 5 vụ, gần 10 đối tượng về hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó,  Trung tá Quyết đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân (UBND) phường lập hồ sơ đưa 109 người nghiện ma túy vào diện quản lý giáo dục tại xã, phường theo nghị định (NĐ) 111/2013/NĐ-CP; chuyển hồ sơ 6 người nghiện cho công an phường, xã khác để đưa vào diện quản lý tại xã phường; lập hồ sơ đưa 10 đối tượng hình sự (5 đối tượng trộm cắp tài sản, 5 đối tượng gây rối trật tự công cộng) vào diện quản lý giáo dục tại xã, phường theo NĐ 111/2003/NĐ-CP; tham mưu cho UBND phường lập hồ sơ đưa 69 đối tượng nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện bắt buộc (trong đó có 30 đối tượng không có nơi cư trú nhất định). Ngoài ra, anh Quyết còn đến tận gia đình vận động 8 đối tương cai nghiện tự nguyện (gia đình tự bỏ kinh phí cho con em đi cai nghiện); xóa 5 tụ điểm buôn bán sử dụng trái phép chất ma túy.

Điển hình như vụ đêm 27/2/2018 tại số nhà 177/11 đường Y Nuê, Trung tá Quyết cùng anh em kiểm tra bất ngờ, phát hiện bắt giữ 3 đối tượng sử dụng ma túy, thu 53 bịch ni lon nhỏ và một bịch lớn ma túy đá, gần 12 gam ma túy tổng hợp, bàn giao cho Công an thành phố Buôn Ma Thuột xử lý.

Trong 5 năm (2012-2017) trên địa bàn phường Ea Tam xảy ra 142 vụ phạm pháp hình sự, thiệt hại tài sản hơn 1 tỷ đồng. Anh Quyết phối hợp cùng anh em chiến sĩ đã xác minh, làm rõ được 115/142 vụ (đạt 81%), bắt nhiều đối tượng và truy thu nhiều tài sản khác trị giá khoảng hơn 600 triệu đồng trả lại cho người bị hại.

Thông minh, sáng tạo, gan dạ trong chiến đấu, quên mình vì cuộc sống yên bình của Nhân dân trên địa bàn, Trung tá Trần Quang Quyết trở thành "khắc tinh" của bọn tội phạm; được quần chúng Nhân dân tin yêu nhưng bản thân anh liên tục nhận được sự "quan tâm đặc biệt" của bọn tội phạm. Chúng nhắn tin, gọi điện xin xỏ, mời nhậu, cho tiền bồi dưỡng, hối lộ để anh bỏ qua… Không mua chuộc được, chúng quay lại đe dọa "chặt chân tay" những người thân trong gia đình anh, thậm chí có lần chúng đi trên 2 xe taixi kéo đến tận nhà đe dọa phá nhà cửa. Không dừng lại ở đe dọa, khủng bố tinh thần, tên Vũ Thái Cường là đối tượng nghiện ở tổ dân phố 7, phường Ea Tam (từng bị anh Quyết lập hồ sơ đi cai nghiện bắt buộc) thường xuyên gọi điện, gửi tin nhắn chửi bới, cầm hung khí đến tận nhà đe dọa. Đỉnh điểm là một buổi sáng tháng 11-2017, anh Quyết chở con gái đi học ngang qua Trường Đại học Tây Nguyên, tên Cường cầm cái đục gỗ phục sẵn lao ra đâm anh Quyết. Anh chỉ kịp hất con gái xuống xe và bảo con chạy vào lề đường, còn anh quăng xe chạy vào quán nước dùng cái bàn để chống trả. Không hạ được anh tên này bỏ trốn khỏi địa phương, sau đó bị Công an phường Ea Tam bắt đưa đi cai nghiện bắt buộc vào ngày 24 Tết năm đó.

Gần đây nhất là đối tượng Phan Sơn, sinh năm 1972 ở buôn Mduk, phường Ea Tam cũng bị anh Quyết bắt đi cai nghiện bắt buộc. Tên Sơn nhắn với các anh em dẫn giải: "Tụi mày về nói lại với thằng Quyết, trước sau gì tao cũng sẽ chặt chân tay thằng con trai của nó…".

Không nao núng sợ hãi trước những lời lẽ đe dọa kể cả trực tiếp và gián tiếp với bản thân và gia đình, anh Quyết vẫn thường xuyên động viên, an ủi vợ con: "Công việc của anh nó vậy, mình là lãnh đạo mà không làm thì ai làm, làm sao nói anh, em cán bộ, chiến sĩ, để họ tin tưởng và vững tâm làm theo…". Anh Quyết cũng tâm sự: "Thật tình mà nói, được cái là bố vợ và anh em gia đình bên vợ thường xuyên quan tâm giúp đỡ, những lúc tôi vắng nhà, hoặc đi công tác, mọi người vẫn đến trông coi nhà cửa và đưa đón các con tôi đi học an toàn, để tôi yên tâm công tác".

Với kinh nghiệm nhiều năm làm cảnh sát khu vực ở nhiều địa bàn, Trung tá Quyết luôn làm việc với phương châm: sát dân, gần dân, hiểu dân và bám sát địa bàn, tranh thủ sự ủng hộ của Nhân dân. Đồng thời quản lý chặt nhân hộ khẩu, phân loại từng đối tượng có tiền án, tiền sự, tùy từng đối tượng có những biện pháp giáo dục, tuyên truyền khác nhau; lập hộp thư tố giác tội phạm, tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực, tự giác tham gia vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tại các thôn, buôn, tổ dân phố và trường học trên địa bàn. Anh thường xuyên chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ giải quyết đúng quy trình, quy định, đúng người, đúng tội và dứt điểm các vụ việc về an ninh trật tự trên địa bàn, không để tồn đọng kéo dài. Với cách làm việc cương quyết đó đã giúp anh và lực lượng Công an phường lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 90 vụ - 193 đối tượng với số tiền gần 200 triệu đồng nộp kho bạc Nhà nước; chỉ đạo cảnh sát khu vực thường xuyên gọi, hỏi, răn đe, giáo dục 1.900 lượt đối tượng (trong đó có 951 lượt đối tượng hình sự, 692 lượt đối tượng ma túy, 180 lượt đối tượng tù tha về địa phương, 77 lượt đối tượng án treo, cho kiểm điểm, cam kết không vi phạm pháp luật); giáo dục, cảm hóa, giới thiệu việc làm cho 10 đối tượng chấp hành xong hình phạt tù về địa phương cư trú, đối tượng đặc xá, đối tượng chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo…

Cụ thể, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số tại buôn Mduk, phường Ea Tam đã được anh Quyết cảm hóa, giáo dục như: Y Sun Knul; Y Phê Êban; Y Zep Bkrông… Đây là những thanh niên hư hỏng thường xuyên tụ tập gây rối trật tự nơi công cộng, trộm cắp tài sản đã bị pháp luật xử lý, sau khi ra tù về địa phương vẫn tái phạm. Anh Quyết đã đến tận nơi gặp già làng nhờ phối hợp đến từng gia đình gặp gỡ bố mẹ các đối tượng để giáo dục, thuyết phục, cảm hóa, vận động nên tiến bộ rõ rệt. Đơn cử như đối tượng Y Zep BKrông học đến lớp 5 thì nghỉ theo bạn bè gây rối, đánh người gây thương tích bị tù giam 6 tháng. Sau khi ra tù, Y Zep đi phụ xe, làm thợ máy, công việc bấp bênh rồi được anh Quyết xin vào  tại cơ sở sản xuất oxy trên địa bàn với mức lương 6 triệu đồng/tháng, bây giờ có vợ 2 con và yên tâm làm ăn. Bà H' Thu Bkrông - chị của Y Zep không giấu nổi cảm xúc khi gặp chúng tôi: "Nhà mình có 6 anh em, khó khăn lắm mà thằng Y Zep chỉ thích ăn nhậu, quậy phá. Nhờ có anh Quyết giờ nó có công việc, có vợ có con chí thú làm ăn, gia đình mình mừng lắm. Trong buôn anh Quyết còn giúp được nhiều người lắm. Rất nhiều người quý mến và xem anh như người nhà".

Đúng là không chỉ người dân buôn Mduk, phường Ea Tam tin yêu anh Quyết, ông Y Siu Byă (Ama Minh), Trưởng buôn Mduk, Chủ tịch Hội đồng già làng của buôn cũng xác nhận: Trung tá Quyết thường xuyên vào buôn gặp gỡ, hướng dẫn, tổ chức công tác bảo vệ an ninh trật tự, lập hộp thư tố giác tội phạm và số điện thoại đường dây nóng để bà con thông tin kịp thời cho lực lượng Công an phường nắm bắt, giải quyết những tranh chấp, gây rối an ninh trật tự địa bàn, giảm tình trạng trộm cắp, truy quét, bắt giữ những đối tượng cộm cán trong buôn. Nhiều việc lớn, việc nhỏ trong buôn mình đều gọi anh Quyết nhờ tư vấn, giúp đỡ. Anh Quyết với mình, với người dân buôn Mduk thân thiết lắm, như anh em trong gia đình. Bà con thường bảo nhau: "Việc gì khó có anh Quyết!".

Vâng, tôi đã nghe rất rõ lời nhận xét của già làng Ama Minh về Trung tá Trần Quang Quyết, thật sự ấn tượng ! Để có được tình cảm của một vài người dân đã khó, được cả một cộng đồng người dân tộc thiểu số tin tưởng và coi như anh em trong gia đình thì những đóng góp của anh Quyết thật đáng ghi nhận. Trung tá Trần Quang Quyết xứng đáng là một chiến sĩ Công an Nhân dân "Bản lĩnh, nhân văn, vì dân phục vụ". Với những đóng góp, cống hiến của mình, Trung tá Quyết vinh dự là một trong những cá nhân điển hình được tham gia giao lưu, biểu dương tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến "Công an Nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy" giai đoạn 2013 – 2018 vừa được Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức vào trung tuần tháng 6 vừa qua.  Không những vậy, anh còn là một chiến sĩ công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, Giám đốc Công an tỉnh tặng 20 giấy khen…

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI: KHUYẾN KHÍCH

ƠI M'ĐRĂK! KỶ NIỆM MỘT CHUYẾN ĐI

Bút ký của Ưu Thảo

Chạy dọc theo Quốc lộ 26 nối liền thành phố Buôn Ma Thuột với tỉnh Khánh Hòa, tôi trở lại M'Drăk vào một ngày mùa xuân, tiết trời ấm áp, cái nắng dịu nhẹ. Trải ra trước mặt tôi là màu xanh của mía, của khoai sắn, của rừng trùng điệp, lượn sóng theo từng gò đồi dễ khiến người ta có cảm giác đang đi trên những dải lụa. M'Drăk vẫn vậy! Vẫn mang lại cho tôi cái cảm giác thênh thang, yên bình như ngày đầu đặt chân đến cách đây 10 năm.

Đó là vào một sáng mùa thu, Tôi gặp chú trong khu tập thể. Khi ấy chú đang xuống nhà bếp xem 2 chị bếp hôm nay làm món gì cho mấy anh em. Chú cười xòa nhìn tôi bảo: "Mới về nhận công tác hả? con gái mà đi làm xa thế này chắc là bố mẹ lo lắm đây. Nhưng đừng có buồn, M'Drăk nghèo gì thì nghèo chứ không nghèo tình người đâu cháu. Đã sắp xếp được chỗ ở chưa? Chuẩn bị ăn cơm trưa với mấy anh em cho vui". Nói rồi chú quay vào bảo 2 chị bếp "Xem hôm nay có món gì ngon ngon để khao lính mới chứ hả?". 2 chị bếp cười thân thiện kéo tôi vào hỏi han. Khu bếp của Công an huyện thoáng mát, sạch sẽ nhìn ra cánh đồng lúa xanh mướt. 5-6 bàn tròn cùng ghế được bày thành dãy, chị bếp bảo mấy anh em lính tráng chưa lập gia đình, nhà xa ở trong khu tập thể, ăn cơm tập thể. Đa phần là cán bộ trẻ, số đi địa bàn thì thôi chứ còn lại ở nhà hết giờ là kéo nhau xuống bếp đông vui lắm.

Cơm nước xong, tôi đi loanh quanh trong khuôn viên trong Công an huyện. Thấy có phòng còn sáng đèn, chú vẫn ngồi bên bàn làm việc, 2 ngón tay trỏ mổ cò trên bàn phím, chầm chậm vì phải tìm từng phím chữ, cắm cúi, cắm cúi. Tôi tò mò nhưng không dám hỏi. Sau này Công – bạn cùng Đội An ninh với tôi nói "Chú là vậy đấy, cả Công an huyện có 4-5 cái máy tính. Chú cứ viết ra giấy chỉ đạo mấy đứa đánh vèo một cái là xong. Nhưng chú bảo để chú tự làm, tự học, đánh máy chậm nhưng cũng học được nhiều điều. Tụi mình có muốn giúp chắc gì chú đã cho".

Đội an ninh huyện có 10 người thì có mình tôi là nữ. Cả đội chào đón lính mới bằng bữa cơm tự làm. Gà nhà nuôi đấy, rau nhà trồng đấy, anh nấu bếp, anh vặt lông gà, anh rửa rau rồi quây quần bên manh chiếu, xuýt xoa, xì xụp. Chú cười khà khà vỗ vai mấy anh "thằng Công giã muối, thằng Gien tìm mấy quả ớt xanh, phải là ớt xanh giã muối chấm gà mới ngon, đúng vị". Tôi ngồi lau chén nhìn mọi người tay thoăn thoắt làm. Với tôi, một đứa sinh viên mới chân ướt chấn ráo về nhận công tác không có cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm mà giống như đứa con xa nhà lâu ngày trở về. Chú bảo tôi "về đây rồi chú gả chồng cho. Đội an ninh 9 thằng đã thằng nào có vợ đâu. Tối ngày chúng nó ở xã, ăn dầm ở dề dưới đấy mà có tán được cô nào đâu. Cái gì thì giỏi chứ tán gán mấy thằng này kém lắm luôn" ...

Một chiều muộn, khi anh em chúng tôi đang quây quần bên bàn đá trước khu tập thể. Chú xuống nói mấy anh em trong đội an ninh

-Ngày mai đi vào xã với chú, thằng Hòa lấy xe jeep, thằng Công, Gien đi luôn.

Công hỏi:

-         Đi vào chỗ khánh thành nhà nguyên ở EaMdoal hả chú?

- Ừ, đi cả ngày đấy, sáng sớm mai tập trung trước cổng cơ quan, giờ mấy đưa lo ngủ sớm đi.

Lần đầu tiên được đi xuống địa bàn, cảm giác tôi không hình dung được phải làm những gì, chuẩn bị gì cho chuyến đi. Công bảo tôi" "Ngày mai khánh thành nhà nguyện Tin lành ấy, có mấy chức sắc bên Tin lành cũng vào tham dự nên mình vào nắm tình hình. Tiện thể cho lính mới làm quen với địa bàn luôn".

 Sáng hôm sau trời còn mờ sương, chú cháu đã lục đục kéo nhau lên đường. Tiết trời mùa thu cộng với hơi sương khiến tôi có cảm giác se lạnh như đã chớm đông. Từng cơn gió nhè nhẹ thổi vào trong xe jeep không kính vờn trên mặt làm tôi buồn ngủ trở lại. Cái tội không chịu nghe lời chú tối qua đi ngủ sớm, giờ cảm giác như chưa tỉnh giấc. Đang mơ màng, bất chợt xe lao xuống một cái ổ gà làm đâu tôi va vào thành xe đau điếng. Anh Y Gien cười bảo: "Phải đi sớm, từ đây vào đó thì gần nhưng đường khó đi lắm, đi sớm mà chắc tới trưa mới tới được. Lính mới chưa quen hả?".

Xe bon bon trên đường nhựa. Tôi lơ đãng nhìn ra rừng cây còn chưa tỉnh giấc. Những ngọn núi bị mây bao phủ tưởng chừng như không bao giờ thấy ngọn. Thỉnh thoảng lại thấy còn chồn, con hoẵng chạy ngang qua làm anh tài xế giật mình thắng gấp. Xe quẹo sang 1 con đường đất, chạy chậm hơn, tiếng máy rì rì, những cánh đồng mía mới thu hoạch vương lại hơi ấm pha chút mật quyện vào những giọt sương sớm nghe cảm giác ngọt nồng. Bánh xe bắt đầu bị những lớp đất Bazan quyện lại, bám dính, mỗi vòng xe lại bắn ra những mảng đất đỏ rồi lại tiếp tục bám thêm một lớp đất mới. "Đêm qua ở đây có mưa"- Công nói như giải thích cho cái tình yêu của đất đỏ Bazan ôm ấp, quyến luyến bước chân người sau mỗi cơn mưa rào. Xe càng lúc càng lắc lư, tròng trành nghiêng mình lách qua những tảng đá lớn. Con đường nhỏ đã xuất hiện gò sống trâu trơn trượt, một bên bánh xe ngập trong lớp đất đặc quánh. Mấy chú cháu ngồi trên xe, tay bám vào thành, đôi lúc tưởng như xe sắp lật. Bất thình lình nhảy lên khi qua những ổ trâu, ổ voi. Tới con suối cùng là lúc trời hửng sáng, những tia nắng mặt trời lấp ló sau rừng cây. Nước suối chảy siết, đỏ au màu đất. Anh Hòa lái xe không xác định nổi kè đá đi qua suối. Kè đá này nghe đâu là của đồng bào người H'Mông làm, mỗi lần mưa nước từ đầu nguồn dồn về con suối, ngập kè đá..... Công và anh Y Gien xuống cởi dép, xắn quần, đi trước rò dẫm từng phiến đá 2 bên chỉ dẫn cho xe chạy, nhích từng bước từng bước. Xe sang đến nơi thì quần áo của 2 đồng chí dò đường cũng ướt hết. Con đường leo dốc quanh co mọc đầy cỏ dại, xa xa là đậu, là sắn đang đọng sương đêm. Nhìn ngược lên đến đỉnh đồi con đường giống như một con rắn nhỏ đang gắng vươn mình bò qua 1 tảng đá lớn màu xanh ngọc. Qua vài ngọn đồi như vậy chúng tôi cũng tới được đến nơi. Ngôi nhà nguyện xa xa nhìn nổi bật giữa những ngôi nhà dưới thung lũng.

Cả đoàn xuống xe, xắn quấn, tay xách dép lội qua đoạn sình lầy. Nhìn gần thế thôi chứ đoạn sinh lầy cũng hơn 1 km. Chú bảo: "Tụi bây thấy đến được với đồng bào có vất vả không. Mấy người bên Tin lành đi truyền đạo người ta lấy xe đạp đi vào từ khúc suối ấy. Vào đây còn cho tiền, cho muối đồng bào. Thế thì bảo sao họ không vận động được đồng bào mình theo đạo. Bà con mình thật thà lắm, ai cho gì, ai làm gì bà con thấy tận mắt là biết ơn, là tin và nghe theo thôi. Nên chúng ta mà không gian khổ đến với bà con thì làm sao bà con biết chính sách của Nhà nước mình mà tin vào Đảng, vào Chính quyền...".

Lễ khánh thành nhà nguyện diễn tra trong cái nắng thu mát dịu, vui tươi. Đồng bào H'Mông từ già đến trẻ đều hớn hở vì lâu rồi bản mình mới có nhiều người tới thăm như vậy. Những cô gái H'Mông váy áo sắc sỡ đang cùng nhau hát bài đồng dao, không biết có tập luyện nhiều không mà rất đều, rất đẹp. Anh Niên phụ trách địa bàn đã vào xã từ 2 ngày trước đang đung đưa, lắc lư theo điệu nhạc, trên tay đang bế 1 em bé người H'Mông. Thấy chúng tôi, anh chạy ra bảo "đi xem lớp học của các em". Tôi nhận ra đó là lớp học vì có 4 cái cột chặt từ cây rừng, 1 mái tranh, 1 tấm bảng cũ, 5 cái bàn thì có đến 2 cái không có ghế. Không vách che, không bục giảng, nền đất. Mấy em nhỏ đang chơi thấy anh Niên thì liền chạy lại, đứa bám tay, đứa nhảy loi choi sau lưng đòi anh cõng. Anh Gien thì đanh lênh khênh 1 nhóc trên vai, mái tóc tơ bết dính bùn đất, nụ cười híp mí để lộ hàm răng sún. Nhìn những đứa trẻ bám lấy 2 anh như những người anh trai, tiếng cười nói nô đùa quanh "ngôi trường" gữa nắng gió đại ngàn trong veo mang lại cảm giác yên bình đến lạ.

Xa xa, giọng Công lanh lảnh vang lên bằng tiếng H'Mông, theo sau là tiếng hò gieo của các em. Anh Niên phiên dịch cho tôi "Công nói về ăn cơm đấy". Tôi nhận ra ngay vị mục sư tham dự lễ khánh thành, trang phục chỉnh tề, quần bộ quàn áo vét phẳng ly đạo mạo. Chợt nhận ra mấy anh em chú cháu bên đội an ninh quần ka ki bạc màu, áo sơ mi đơn sơ mà gần gũi quá đỗi. Chú đang ngồi hàn huyên với các cụ già người H'Mông. Anh Niên bảo "cụ ấy có con trai mấy tháng trước nghe theo mấy người lạ vượt biên, được mình vận động về, giờ ổn định rồi". Nhìn chú tôi nhớ lại ngày xưa khi còn đi học, được nghe chú báo cáo viên kể chuyện. Chú nói "Bác Hồ từng nói cán bộ không được tơ hào đến cái kim sợi chỉ của dân nhưng làm trinh sát đi xuống địa bàn mà không được dân mở lòng chào đón và bảo bọc, không được dân giữ lại uống miếng rượu của đồng bào, nhấp ngụm trà hàn huyên với các cụ già, không được sống trong lòng dân.... thì chưa phải là trinh sát giỏi, chưa phải là người cán bộ của dân".

Tôi tự hỏi làm sao có thể sống ở đây trong cái thời tiết khắc nghiệt giữa rừng núi đại ngàn này với vắt, với muỗi, trong cái thiếu thốn vô vàn đèn dầu mắm muối?. Vậy mà các anh vẫn bám địa bàn, ăn khoai sắn với đồng bào, đi rừng đi rẫy tạo thành các con đường mòn khắp mảnh đất cha ông?... Có lẽ là bởi cái lý trí muốn bảo về những nụ cười trẻ thơ kia, những ánh mắt thân thương của các cụ già đó, là bởi cái tình yêu mảnh đất, yêu con người nơi đây!. Mười năm gặp lại anh Niên, giờ anh đã có gia đình. Vợ và 2 con đang thuê nhà trên thành phố, anh vẫn đi về mỗi tuần 90 km. Tôi hỏi sao anh không xin chuyển công tác về trên này cho gần gia đình, đi lại cho đỡ vất vả. Anh bảo anh đã quen rồi, giờ xa M'Đrăk thật khó!

Sau này, khi tôi nhận công tác ở một đơn vị nghiệp vụ khác, cùng làm việc với một trinh sát nữ bản lĩnh và giàu lòng hy sinh. Chị kể tôi nghe có lần phải bỏ hai đứa con thơ ở nhà giữa đêm để đi cùng các anh truy bắt đối tượng chuyên án, rồi phải tiếp xúc nhiều giờ với đối tượng bị lao phổi, bị viêm gan. Chỉ sợ về nhà rồi lây bệnh cho các con. Tình yêu thương con của một người mẹ là vô bờ bến. Và tôi cũng thấy cái tình yêu ngành, yêu nghề, sự quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của chị cũng cao cả không kèm gì. Nhìn chị tôi lai nhớ đến các anh nơi vùng đất xa xôi giữa rừng núi M'Đrăk. Ừ thì mỗi người một nhiệm vụ, mỗi người một hoàn cảnh, ai cũng trải qua những gian khổ và khắc nghiệt khác nhau của nghề nghiệp. Các anh chị vẫn vượt qua và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Tình yêu ngành, yêu người của các chiến sỹ âm thầm, lặng lẽ ấy không gì có thể diễn tả nổi. "Ai cũng có thể chết vì đói, nhưng những chiến sỹ Công an nhân dân có thể chết vì cả danh dự" của Đất nước và Tổ quốc thân yêu./.

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI: KHUYẾN KHÍCH

NHƯ CÁNH CHIM KHÔNG MỎI

Bút ký của Nguyễn Liên

Gặp nhau như một định mệnh duyên phận, họ sánh vai chiến đấu gìn giữ đất nước cũng như  bảo vệ sự bình yên của cuộc sống, dù thời chiến hay thời bình biết bao khó khăn thách thức đặt ra, họ như cánh chim không mỏi đem hạnh phúc đến cho muôn nhà, đó là vợ chồng anh Cầm Bá Mao và chị H'Tếch, nguyên cán bộ thuộc lực lượng công an tỉnh Đak Lak.

THỜI CHỐNG MỸ:

Chàng trai người dân tộc Thái Cầm Bá Mao, thuộc đơn vị chủ lực từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên, anh luôn tự hào mình được sinh ra từ vùng đất có đỉnh Pù Mé âm vang "lời thề Lũng Nhai" của Nghĩa quân Lam Sơn một thuở, mang trong người hào khí của chàng trai đất anh hùng đến với vùng đất Tây Nguyên kiên cường, ai dè số phận đã gắn bó mãi mãi cuộc đời anh với Chị - H'Tếch, dân tộc Ê Đê, cán bộ an ninh miền Nam hoạt động tại quận Buôn Hồ quê hương chị. Năm 1972, giữa lúc chiến trường Tây Nguyên ác liệt thiếu thốn đủ bề "Một lạng gạo chia cho ba bữa…/ Tây Nguyên một lần ai đến đó/ sẽ suốt đời mắc nợ nhớ thương nhau…", vào thời điểm đó thì anh chị gặp nhau; vừa kịp trao nhau niềm tin thì mỗi người có một nhiệm vụ của mình.

Chị nhận lệnh cùng tổ an ninh đột nhập ấp chiến lược tại khu vực Pơng Drang tiêu diệt ác ôn, do trinh sát để lại dấu vết, địch phát hiện phục kích, chưa kịp tới hàng rào ấp chiến lược thì dính mìn nổ. Không ai hy sinh, nhưng tất cả đều bị thương, chị H'Tếch bị thương nặng nhất, mảnh mìn cắm vào chân tay, có một mảnh xuyên vào bụng làm lủng ruột. Cuộc tiêu diệt ác ôn không thành, tất cả tổ phải chuyển ra rừng điều trị. Trạm phẫu thuật thời chiến thiếu thốn không có thuốc gây mê, chị cắn răng chịu đựng cho quân y mổ bụng nối ruột. Trở về đơn vị chân đi còn cà nhắc thì chị nhận được giấy gọi ra miền Bắc đào tạo chuyên môn.

Anh tham gia chiến đấu cùng đơn vị trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, có lẽ để lại dấu ấn hơn cả là cuộc truy kích địch trên đường số Bảy từ Cheo Reo, Phú Bổn xuống đến đồng bằng Phú Yên; một cuộc truy kích hiếm có trong lịch sử chiến tranh, bộ đội ta vừa trải qua năm tháng thiếu thốn ở Tây Nguyên, quần áo giày dép không được bổ sung, chân đất té tua rớm máu vẫn chạy truy kích địch. Phía địch, đội quân trang bị hiện đại từ đầu đến chân hoảng loạn bỏ lại xe pháo súng ống nằm ngổn ngang dọc đường, có người bỏ lại cả vợ con chỉ mong thoát thân. Cả anh và chị đều trải qua những năm tháng thiếu thốn, ác liệt, thấu hiểu cái giá đổi lấy cuộc sống hòa bình. Thoảng trong gió khúc ca thống nhất, anh bộ đội người Thái dường như nghe có tiếng khèn bay lượn đâu đó hòa cùng tiếng đàn T'rưng. Chàng trai Thái hoàn thành sứ mệnh với đất nước, cùng đơn vị trở lại hậu cứ Buôn Hồ, cô gái Ê Đê xong khóa đào tạo tại miền Bắc trở về quê hương, họ cùng nhau "thực hiện lời thề" về chung sống một nhà với dự định sinh ra những đứa con mang dòng máu hai sắc tộc, nuôi dưỡng dạy dỗ chúng thành những chàng trai có sức vóc của chàng Đam San huyền thoại, những cô gái duyên dáng căng tròn sức sống của núi rừng Pù Né mang truyền thống vùng đất của người anh hùng Lê Lợi, chúng sẽ noi gương cha mẹ góp phần gìn giữ và xây dựng vùng đất Tây Nguyên quê hương mà chàng trai người Thái Cầm Bá Mao nguyện gắn bó.

ĐẤT NƯỚC SAU CHIẾN TRANH:

Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất thì anh và chị cũng hòa hợp một nhà. Tổ quốc có chiến tranh thì tất cả đều đứng lên đánh giặc, nhưng chuyện vợ chồng thì phải tuân thủ nguyên tắc đối với chị đang trong ngành công an; Khi đó chị vừa cầm tờ quyết định của Bộ Công an về nhận công tác tại công an tỉnh Đăk Lak. Đơn vị của chị về Thanh Hóa quê anh thẩm tra lý lịch, không vướng mắc gì, chính đơn vị của chị, công an Buôn Hồ đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người. Đất nước vui hưởng hòa bình chưa bao lâu, cuộc sống hạnh phúc gia đình còn dang dở dự định, chiến tranh biên giới Tây Nam kêu gọi, anh lại lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương tổ quốc trong khi chị đang mang thai đứa con đầu lòng. Sinh con trong hoàn cảnh xa chồng, trong khi lực lượng fulro từ bên kia biên giới xâm nhập lôi kéo đồng bào ta, khắp các buôn làng nổi lên như những đợt sóng ngầm, người dân chưa hiểu về cách mạng dễ nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, chị lại nhận nhiệm vụ trấn an tinh thần đồng bào, chị phải gửi con cho một gia đình đối tượng fulro trông nom, cử một đồng chí chiến sĩ công an canh chừng, chị đi tuyên truyền vận động bà con mình đừng tin nghe theo lời dụ dỗ của bọn phản động mà làm hại nước hại dân. Thương yêu chồng đã chọn mảnh đất Tây Nguyên của chị gắn bó nên H'Tếch bỏ đi phong tục mẫu hệ của mình mà đặt tên con mang theo họ của chồng: Cầm Thị Thu Hà. Mỗi khi nằm bên con lòng H'Tếch thấp thỏm lo âu, chị luôn giật mình bởi tiếng súng nổ đâu đó trong giấc ngủ, không ngủ được chị bật dậy tìm việc làm, dọn dẹp xong ngồi trước sàn nhà chị nhẩm lại bài thơ: Bài ca chim Chơ rao mà anh hay đọc cho chị nghe, anh ví von cánh chim đó là anh đang làm sứ mệnh đem mùa xuân, hạnh phúc đến muôn nhà: Đêm tháng bảy trời sao yên tĩnh/ Tiếng lá rơi gõ nhẹ trước hiên thềm/ Mỗi trận gió lùa vào song sắt/ Có tiếng thở dài người lính gác đêm…

Có được hạnh phúc anh chị đã phải trải qua không ít thử thách, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới tây nam, tiếng súng trên biên giới phía Bắc nổ ra, anh lại theo đơn vị nhận lệnh điều động ra miền Bắc vội vã không cho anh kịp nhìn mặt đứa con gái. Sauk hi hoàn thành nhiệm vụ của người lính, anh cầm tờ quyết định phục viên ghi địa chỉ quê hương huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa nơi anh nhập ngũ. Về quê với gia đình họ hàng lòng anh luôn thổn thức hướng về vợ con đang trông ngóng từng ngày nơi cao nguyên đất đỏ bazan. Bố mẹ, anh em gom góp kinh phí cho anh trở vào Tây Nguyên. Vậy là từ ngày đứa con gái đầu lòng sinh ra anh chưa biết mặt, hết chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam đến biên giới phía Bắc thấm thoắt thời gian trôi qua sáu năm. Quãng thời gian anh lo bảo vệ tuyến phên giậu tổ quốc, ở nhà chị lo làm nhiệm vụ chiến đấu với lực lượng fulro bảo đảm an ninh cho cuốc sống quê hương cũng không kém gì tiếng súng đánh đuổi quân xâm lược ngoài biên cương. Chị gửi con nhỏ đi khắp các buôn làng đồng bào mình để tuyên truyền, địa bàn chị hoạt động lúc đó bao gồm cả khu vực huyện Krông Năng bây giờ, kéo vào đến địa phận huyện Cư M'gar, địa phận Ea Suop, vượt rừng núi, lội suối không có phương tiện nào khác ngoài đôi chân, những vùng lực lượng fulro thâm nhập lôi kéo thường những địa bàn vùng sâu vùng xa đồng bào còn thiếu thông tin về cách mạng như xa Ea Hồ, xã Cư Né, Ja wằm…; có lần đang vào một gia đình có đối tượng theo fulro vận động tuyên truyền thì bị lực lượng fulro phục kích bắn như vãi đạn vào nhà. Anh Trần Chương sau này là trưởng công an huyện Krông Buk thấy đạn bắn rát quá, hỏi tổ trưởng:

-  Bây giờ làm sao chị?

- Chú ôm súng nằm ép xuống sàn chờ đợi, đứng dậy là chết.

Cuối cùng tổ an ninh của chị cũng bình an. Biết là nguy hiểm vậy, nhưng chị nghĩ fulro cũng là đồng bào mình, do họ thiếu thông tin hiểu biết dễ nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, mình phải kiên trì tuyên truyền vận động để họ hiểu mà cùng đồng tâm bảo vệ xây dựng buôn làng. Với suy nghĩ vậy nên dù đôi chân vượt qua chặng đường đồi núi hiểm nguy, bầu vú căng sữa nhức nhối trong khi con ở nhà đói khóc, chị vẫn vượt lên nỗi nhọc nhằn gian nan để làm nhiệm vụ.

Anh Cầm Bá Mao cầm tờ quyết định hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về đưa cho chị, chị báo cáo với tổ chức để anh được đứng vào ngành công an cùng chị tiếp tục chiến đấu bảo vệ sự bình yên cuộc sống. Trong lúc đất nước mới thống nhất đang xây dựng kiến tạo, chính quyền non trẻ đứng trước sự đe dọa của thế lực thù địch, cần được bảo vệ, vậy là anh Cẩm Bá Mao được đứng vào hàng ngũ lực lượng công an sát cánh cùng chị làm nhiệm vụ giữ gìn sự bình yên cuộc sống.

ĐẤT NƯỚC THỜI BÌNH:

Đất nước chiến tranh cả nước lo đánh giặc, sau chiến tranh kinh tế đất nước kiệt quệ, toàn Đảng, toàn dân lại lo chống giặc đói. Trải qua năm tháng xa cách và chờ đợi, gian khổ, ác liệt chống thù trong giặc ngoài, gia đình anh được xum họp thực sự. Bé Cầm Thị Thu Hà tròn sáu tuổi thì chị sinh đứa con trai thứ hai. Chị vui mừng vì sinh con lần này có anh bên cạnh. Anh bàn với chị, mình đã thiệt thòi sinh ra trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh không được học hành để có kiến thức hiểu biết hơn với xã hội. Phải cho các con ăn học sau này có niềm tin mà đóng góp xây dựng, bảo về đất nước quê hương. Từng chứng kiến cảnh thiếu thốn đói khổ trong chiến tranh, anh chị mua thêm rẫy ra sức lao động tích lũy thêm để cuộc sống đủ đầy có điều kiện chăm lo cho con cái, gia đình chàng trai dân tộc Thái Cẩm Bá Mao, cô gái Ê Đê H'Tếch được đánh giá là gia đình cách mạng mẫu mực trong thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước, gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình. Được chị H'Pin Mlo, chủ tịch xã Pơng Drang giới thiệu, tôi đến thăm gia đình kết hợp của hai sắc tộc đang chăm chỉ dựng xây trên quê hương đất đỏ bazan. Hai ông bà giờ đây đã ở tuổi trượt qua vòng đời người được dăm sáu năm. Theo Khổng Tử thì đó là cái tuổi Lục thập nhi nhĩ - thuận, có nghĩa con người ta tới 60 tuổi thì mới đạt tới mức độ hoàn hảo về mặt trí – hành, kiến – văn, và kinh nghiệm về cuộc sống. Hai ông bà chiêm nghiệm lại sự trải qua thăng trầm của cuộc đời giờ đây tự hào về sự cống hiến của mình và cảm thấy mãn nguyện về cuộc sống hiện tại. Bà H'Tếch tâm tình: So với xã hội thì chúng tôi đâu dám sánh, thời buổi kinh tế thị trường nhiều người giàu có, nhưng cái tình nghĩa con người không bằng thời khó khăn. Gia đình tôi từng trải qua chiến tranh thiếu thốn nên được như bây giờ tôi cảm thấy mình được cả về mặt kinh tế gia đình ổn định, con cái thành đạt đúng như mong muốn của chúng tôi.

Cô con gái đầu Cẩm Thị Thu Hà mong ước trở thành cô giáo dạy chữ cho con em đồng bào mình có kiến thức hiểu biết hòa nhập với xã hội; cô đã thực hiện được đúng ước mơ, hiện cô đang làm giáo viên dạy trường phổ thông dân tộc nội trú của huyện, Anh con trai thứ hai Cầm Việt Hùng theo truyền thống gia đình trở thành sĩ quan đứng trong lực lượng công an đang công tác tại huyện, anh con trai út cũng trong lực lương công an nhưng đã ra đi trong một tai nạn. Để chủ động cuộc sống và góp phần cùng con cái, ông bà vẫn không nghỉ ngơi, niềm hạnh phúc của hai ông bà là được lao động bằng đôi bàn tay của chính mình, hàng ngày hai ông bà thay nhau chăm sóc 3,5 héc ta điều, hơn 2 sào cà phê góp phần nâng cao đời sống cho gia đình và trông coi, đưa đón 5 đứa cháu nội ngoại đến trường. Một điều hạnh phúc nữa theo bà thì gia đình ông bà sống trong tình yêu thương quý trọng của buôn làng, kể cả những gia đình trước đây từng có đối tượng theo fulro bị lực lượng an ninh của bà truy quét họ cũng không hề oán trách. Có nhiều người khó khăn về mặt kinh tế được ông bà giúp đỡ không những tạo công ăn việc làm, thậm chí có lúc hỗ trợ lương thực, kinh phí để họ sản xuất ổn định đời sống, họ gọi bà là mẹ, là bà ngoại.., ông dành công với bà, đó là nhờ cánh chim Chơ Rao của tôi bay tới đâu đem mùa xuân đến đó đấy chứ. Đúng lá cánh chim núi Pù Mé đã chọn rừng Tây Nguyên xây tổ, giờ đây tổ ấm nở ra những con chim mang hai dòng máu đang nói tiếp truyền thống cha mẹ góp phần bảo vệ sự bình yên cuộc sống và xây dựng quê hương.

Theo tôi sự giàu có về tình cảm như gia đình ông Cấm Bá Mao và bà H'Tếch còn trân trọng đáng quý gấp bội, luôn đem hạnh phúc đến cho mọi người kể cả trong chiến tranh một mất một còn cũng như đoàn kết xây dựng trong thời bình, tấm lòng ấy không dễ ai cũng có được.

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI: KHUYẾN KHÍCH

NỮ ĐẠI ÚY CÔNG AN HẾT LÒNG VÌ NHIỆM VỤ

Bút ký của Nguyễn Thị Thu Hương

Chúng tôi đến Thị xã Buôn Hồ vào một ngày nắng đẹp đầu mùa hè, khi khắp nơi đang chấp chới màu hoa phượng rực đỏ và dàn đồng ca ve sầu như làm cho không gian thêm rộn rã và khẩn trương hơn. Sau cơn mưa đêm thì dường như mọi thứ được gột rửa để trả lại cho ban mai rực rỡ với bầu trời xanh cao rộng, tất cả như báo hiệu một ngày mới đẹp tươi đang bắt đầu.

Thật đúng với cảm giác đầu tiên ấy, chúng tôi có mặt tại trụ sở Công an Thị xã Buôn Hồ sớm hơn so với thời gian dự kiến nhưng lại được nhanh chóng bắt tay ngay vào buổi làm việc chung vì các đồng chí công an ở đây đã có mặt để sẵn sàng cho buổi làm việc. Qua cách giới thiệu của đồng chí Đại tá Cao Văn Cảnh, Trưởng Công an Thị xã Buôn Hồ, chúng tôi nhận thấy các anh chị đã có sự chuẩn bị rất kỹ vì mọi yêu cầu về báo cáo và tài liệu đều được đáp ứng ngay mà không phải chờ đợi lâu. Danh sách cá nhân và điển hình tiên tiến cũng đã được chuẩn bị và các cá nhân cũng đã có mặt tại phòng họp để cho các nhà văn có thể phỏng vấn và gặp gỡ ngay. Riêng bản thân mình, tôi đã thầm thần tượng về nữ công an và đến đây thì tôi càng thú vị vì được gặp những nữ công an xinh đẹp, tác phong lại rất nhanh nhẹn, dứt khoát.

Qua trò chuyện, chúng tôi lại càng tâm đắc về những cá nhân tiêu biểu mà Công an thị xã Buôn Hồ đã lựa chọn. Riêng tôi lại bâng khuâng giữa các cô gái xinh đẹp để chọn một nhân vật cho mình. Chọn ai đây, một nữ Phó Đội trưởng Đội Thi hành án hình sự kiêm chủ tịch Hội phụ nữ Công an Thị xã Buôn Hồ hay Đội phó Đội Cảnh sát giao thông. Là nữ công an mà phụ trách ở các lĩnh vực này thì đúng là "của hiếm", lại có thành tích tiêu biểu thì thật đáng ngưỡng mộ. Thế rồi như một cái duyên, khi nhà văn Hồng Chiến hỏi tôi chọn nhân vật nào, tôi bảo: "Nhân vật của tôi đây ạ", ngay khi em đang phát tài liệu cho mọi người. Một nụ cười hiền pha lẫn sự e thẹn: "Em thì có gì để viết đâu ạ". Nhân vật của tôi là đại úy Phan Thị Thúy Hằng, hiện là đội phó đội Tổng hợp, Công an Thị xã Buôn Hồ.

Thì ra, cảm giác thoải mái đầu tiên mà chúng tôi có trong buổi đầu làm việc với Công an Thị xã Buôn Hồ cũng một phần nhờ công của Đội Tổng hợp và không thể không nhắc đến vai trò của đại úy Phan Thị Thúy Hằng, người được giao phụ trách các mảng như: công tác cơ yếu, tham mưu về công tác chính trị tư tưởng, chế độ chính sách và cả công tác văn phòng cấp ủy.

"Em không nghĩ mình là một nhân vật tiêu biểu nhưng em tự tin mình là một người làm việc có trách nhiệm", nữ đại úy sinh năm 1985 Phan Thị Thúy Hằng đã "chốt" như thế khi chúng tôi đã trò chuyện với nhau qua rất nhiều chủ đề khác nhau. Là đội phó Đội Tổng hợp, có nhiều năm làm bí thư đoàn và hiện nay là cấp ủy viên trẻ nhất của Đảng ủy Công an Thị xã Buôn Hồ, trong câu chuyện của mình Thúy Hằng nhắc nhiều đến người lãnh đạo cũ của mình, đó là Đại tá Bùi Đức Hùng, Nguyên trưởng Công an Thị xã Buôn Hồ đã nghỉ hưu. Theo cô, có được những bước trưởng thành như ngày hôm nay, chính là nhờ trong những ngày đầu nhận công tác tại Công an huyện Krông Buk (sau này là Công an Thị xã Buôn Hồ) cô đã được lãnh đạo tin tưởng giao việc, hướng dẫn cụ thể, tạo lập niềm tin. Đồng thời, học được cách làm việc khoa học, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị. Khi chưa làm tốt thì phân tích để biết nguyên nhân khắc phục và cứ thế các nhiệm vụ cô đảm nhận đều được hoàn thành xuất sắc, tạo được niềm tin với đồng nghiệp và thủ trưởng cơ quan.

Không có những câu chuyện lãng mạn như trong phim, Thúy Hằng đến với ngành công an ban đầu là làm theo ý nguyện của cha mẹ. Nhà đông em, chọn ngành công an cũng là một sự tính toán trong những ngày gian khó của gia đình. Thi và học theo yêu cầu của bố mẹ thế nhưng Hằng lại rất có trách nhiệm trong quá trình học và sau khi ra trường công tác. Là chị cả trong gia đình, cô trở thành một hình mẫu lý tưởng để các em noi theo. Ba cô em gái, chẳng cần ai vận động mà cũng tự động làm hồ sơ thi vào ngành công an, chỉ riêng cô em út không đậu đành phải học ngành khác. Hiện nay, Hằng có hai em gái công tác trong ngành công an, một công tác ở thành phố Hồ Chí Minh và một ở Công an Thị xã Buôn Hồ. Bố mẹ của Hằng không dành cho con những lời khen ngợi nhưng mỗi lần kể về con với người thân quen hay hàng xóm thì ông bà không giấu nổi sự hài lòng và tự hào về con. Chính niềm vui và sự tự hào của bố mẹ dành cho mình như nhắc nhở Hằng phải làm tốt hơn nữa, có trách nhiệm hơn nữa trong nhiệm vụ của mình.

Một điều thú vị về người nữ công an này là khả năng viết rất tốt, ngày nhỏ Hằng là phóng viên Tuổi Hồng báo Thiếu niên Tiền phong. Lên cấp 3, cô viết nhiều về các gương người tốt việc tốt và được đăng trên Tạp chí Cộng sản. Sau này, học Trường Trung cấp kỹ thuật Nghiệp vụ Công an Nhân dân và ra trường, Hằng cộng tác với Tạp chí Cơ yếu, cô cũng có nhiều truyện ngắn được đăng trên báo Văn nghệ Công an. Khi biết đoàn công tác của chúng tôi viết ký về đề tài công an nhân dân, Hằng rất quan tâm và hứa sẽ có một bài để hưởng ứng cuộc thi này. Nói về việc tham gia các cuộc thi thì Hằng là một cái tên rất quen thuộc của công an tỉnh Đắk Lắk trong mục đoạt giải thưởng. Tính từ năm 2013 đến nay, cô đã từng đoạt các giải thưởng như: Giải 3 cuộc thi viết thư do Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tổ chức năm 2013; giải khuyến khích cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015; Giải nhì cuộc thi tìm hiểu 70 năm Công an Nhân dân và 10 năm ngày Hội toàn dân bảo vệ An ninh tổ Quốc cấp tỉnh năm 2015; giải khuyến khích cuộc thi viết tìm hiểu mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào; Lào – Việt Nam năm 2017 do Công an tỉnh tổ chức. Với cương vị là phó bí thư đoàn cơ sở Công an Thị xã Buôn Hồ từ năm 2009 rồi trở thành bí thư từ năm 2014 đến 2017, Phan Thị Thúy Hằng đã gây dựng được phong trào tốt, giúp cho đơn vị đạt được những thành tích đáng kể. Năm 2015, đoàn cơ sở đạt giải B toàn đoàn Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Công an tỉnh, đạt giải A toàn đoàn Hội diễn Nghệ thuật quần chúng thị xã; giải nhất toàn đoàn Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng thị xã. Đoạt giải A liên hoan hát múa diễn tấu nhạc cụ Công an tỉnh Đắk Lắk năm 2018. Với những thành tích nổi bật, Phan Thị Thúy Hằng được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của thị ủy, Công an Tỉnh, Tỉnh đoàn… Vinh dự nhất đến với Hằng là được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua vì An ninh Tổ quốc giai đoạn 2015- 2016.

Trong những ngày công tác ở Công an thị xã Buôn Hồ, tôi đã chứng kiến sự tất bật của em để lo cho mọi người được chu đáo, vì công tác ở Đội Tổng hợp, em vừa lo cho mọi người trong đoàn được tiếp xúc nhân vật, bố trí đi cơ sở, rồi nơi ăn chốn ở sao cho tốt nhất, thuận tiện và hiệu quả nhất. Là cán bộ trẻ nên các phong trào và các cuộc vận động như "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; "Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ" đều được Phan Thị Thúy Hằng đề xuất để có thể ứng dụng một cách linh hoạt, hiệu quả bằng việc thực hiện các chuyên đề hoặc gắn với các phong trào thi đua khác. Hằng tâm sự: Muốn cho các cuộc vận động, cũng như các phong trào thi đua đạt hiệu quả thì phải tạo nên sự hấp dẫn, cuốn hút và còn xác định được sự hưởng ứng của người tham gia.

"Công tác trong ngành công an là một công việc khá đặc thù, nhiều lúc không có thời gian cho gia đình chị à. Chỉ biết rằng khi có nhiệm vụ là phải hoàn thành thật tốt. Ngày mai con gái lớn học lớp 3 đi thi kể chuyện về Bác Hồ  mà chắc em không tháp tùng để động viên con được, đành phải nhờ bà ngoại. Mà con em nó cũng quen rồi chị ạ, cháu cũng biết ý, không đòi hỏi hay mè nheo gì cả". Những lời tâm sự của Hằng về ngành công an khiến cho tôi liên tưởng đến nghề báo của mình, cảm thấy đồng cảm vì những vất vả, do đặc thù công việc riêng. "Nhớ hồi mới về cơ quan công tác, Ban lãnh đạo có tạo điều kiện cho chị em phụ nữ được đi du lịch nhân Ngày phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10. Em cũng háo hức mang hành lý lên xe để tham gia chuyến đi thì có lệnh phải ở lại để trực cơ yếu. Xách hành lý xuống xe mà tủi thân và …khóc nhưng rồi lại lau nước mắt và làm việc như không có chuyện gì. Sau này cũng có nhiều lần giống vậy nữa nên quen chị ạ. Lúc nào nhiệm vụ cũng là trên hết. Mấy ngày chị em đi du lịch thì mấy ngày đó em phải ôn thi cán bộ đoàn tài năng. Hồi đó bị anh bí thư ép ôn thi em ghét ảnh lắm. Cũng may, lần tham gia đầu tiên đó em đoạt giải 3 luôn chị ạ. Hoạt động đoàn đã giúp em trưởng thành rất nhiều, mạnh dạn hơn, tự tin hơn và đặc biệt tìm được tình yêu của cuộc đời mình. Ông xã em chẳng ai xa lạ mà chính là anh bí thư đoàn ngày ấy đó chị ạ. Sau này em lại phải cảm ơn sự nghiêm khắc của ảnh đối với em lúc đó. Hai vợ chồng làm cùng ngành nên dễ dàng chia sẻ và thông cảm cho nhau". Thúy Hằng như trôi trong dòng tự sự, tôi cũng như thấy em tuổi đôi mươi với đôi mắt sáng, khuôn mặt thanh thoát, xinh đẹp của những ngày mới vào đơn vị. Em đã tạo nên niềm tin và sự cảm mến của mọi người dành cho mình không chỉ vì hình thức bên ngoài mà chính bằng thực lực và lối phong cách làm việc có trách nhiệm của mình. Anh bí thư đoàn ngày xưa mà Thúy Hằng nhắc đến, đó chính là trung tá Trần Quang Vinh, Phó trưởng Công an Thị xã Buôn Hồ, cũng là một cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc, là phó thủ trưởng cơ quan điều tra, trực tiếp lãnh đạo khối điều tra của công an thị xã Buôn Hồ.

"Bé lớn nhà em năm nay học lớp 3 chị ạ. Bé rất tự hào vì có bố mẹ là công an. Nghe những lời lẽ ngây thơ của con khi trò chuyện với các bạn mà em cảm nhận được một hạnh phúc khó nói thành lời, chỉ biết làm những điều tốt nhất để mình là tấm gương sáng trong mắt của con cũng như những người xung quanh mình".

Trong buổi liên hoan chia tay đoàn văn nghệ sỹ, Trung tá Dương Tấn Bình, Phó trưởng phòng PX 15, công an tỉnh Đắk Lắk, khi biết tôi muốn viết về Hằng, anh Bình tán thành ngay: "Cặp đôi Vinh – Hằng là một cặp đôi đặc biệt đấy, gặp nhau, yêu nhau cũng từ công tác đoàn và cả hai đều rất giỏi về chuyên môn lẫn tổ chức phong trào và làm việc rất có trách nhiệm, nhiệt tình"

Chia tay những chiến sỹ công an thị xã Buôn Hồ, tôi thực sự bị chinh phục bởi hình ảnh những chiến sỹ công an luôn hết lòng vì công việc, mỗi người một nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu như đồng chí đại tá Cao Văn Cảnh, trưởng Công an thị xã Buôn Hồ đã khẳng định: "Công an thị xã Buôn Hồ quyết tâm không nợ nhân dân". Tôi cũng sẽ nhớ mãi những nữ công an xinh đẹp, hết lòng vì công việc với một bản lĩnh nhân văn, vì nhân dân phục vụ. Và, khi tôi chưa hoàn thành bài ký của mình thì nhận được tin Hằng báo đã hoàn thành xong bài ký gửi về cho Ban tổ chức. Nhân vật trong bài viết của Hằng không ai khác chính là người Thủ trưởng cũ của mình, đại tá Bùi Đức Hùng. Lại một lần nữa em để lại một ấn tượng thật đẹp trong tôi về hình ảnh người nữ công an nhanh nhẹn, xinh đẹp, hết lòng vì công việc được giao phó.

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI: KHUYẾN KHÍCH

MÝ NGỌC – BÔNG HOA ĐẸP

GIỮA ĐẠI NGÀN TÂY NGUYÊN

Bút ký của Hoài thu

Những ai đã từng gặp Đại tá Nguyễn Thị Xuân – Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk hẳn sẽ có chung một nhận xét. Đó là sự chan hòa dễ mến, gần gũi trong giao tiếp; năng động, quyết đoán, tự tin trong công tác chuyên môn. Phải chăng đó là những đức tính đáng quý đã giúp chị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, ngành và nhân dân tin yêu giao phó xứng đáng là tấm gương cho các thế hệ CBCS học tập và noi theo.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Thái Bình, quê hương của đường cày " Ba đảm đang", sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân với tấm bằng xuất sắc, Đại tá Nguyễn Thị Xuân – Phó giám đốc Công anh tỉnh Đắk Lắk đã có gần 30 năm gắn bó với mảnh Tây Nguyên. Chị kể, ngày đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này, nơi đây còn hoang sơ, heo hút, chị vừa chưa quen với môi trường làm việc mới, vừa quay quắt nhớ gia đình, quê hương đêm về nỗi nhớ nhà, nhớ người thân lại trào dâng trong chị, chị tâm sự " đã không ít lần mình khóc và sáng mai đi làm với đôi mắt đỏ hoe". Nhưng tình yêu ngành của cô gái trẻ 23 tuổi cùng những chuyến công tác dài ngày tại các buôn làng, "cùng ăn, cùng ở, cùng làm". Được tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn, vất vả của người dân nhưng chân chất luôn ấm áp tình người, ước muốn phải sớm đem lại bình yên, hạnh phúc cho họ đã thôi thúc chị vượt qua tất cả, là động lực để chị cùng bao chiến sỹ An ninh Tây Nguyên thầm lặng làm nên những chiến công góp phần to lớn vào sự nghiệp phòng chống FULRO trên địa bàn Đăk Lăk.

Công tác trên địa bàn rộng, điều kiện đi lại khó khăn, thêm vào đó tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp, chị luôn trăn trở phải tìm mọi biện pháp, cách làm tốt nhất để tham mưu cho lãnh đạo các cấp và chính quyền địa phương nhận định đúng tình hình, chỉ đạo lực lượng Công an và các ngành chức năng làm tốt công tác phòng ngừa bảo đảm an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chị đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu phong tục tập quán, bản sắc văn hóa và ngôn ngữ của các dân tộc trên địa bàn. Không chỉ nghiên cứu trên sách vở, chị đã xuống tận buôn làng gặp gỡ, tiếp xúc và nhờ bà con dạy tiếng dân tộc bản địa nhằm bổ sung vốn kiến thức văn hóa và tiếng nói của đồng bào. Giải quyết công việc thấu tình đạt lý cho nên từ chỗ xa lạ, chị trở thành người gần gũi, thân quen và được bà con ở các buôn làng gọi với cái tên trìu mến "Mí Ngọc, như lời nhận xét của trưởng buôn Ama Kin "Tôi và bà con ở đây rất quý, và coi Mí Ngọc như con cháu trong gia đình. Mí Ngọc rất gần gũi với bà con, thường xuyên động viên, hướng dẫn bà con làm ăn phát triển kinh tế. Mỗi lần trong buôn có việc xảy ra, chúng tôi đều nhờ Mí Ngọc giải quyết. Mí Ngọc thường xuyên tới buôn làng gặp gỡ bà con để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời giải thích cho bà con hiểu âm mưu của các thế lực thù địch, không nghe theo những lời xúi giục của kẻ xấu, yên tâm làm ăn sinh sống, phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc con cái học hành. Bà con chúng tôi rất quý mến và coi Mí Ngọc như người thân ruột thịt vậy".

Trưởng thành từ người lính trinh sát, lần lượt giữ vị trí Phó Trưởng phòng rồi Trưởng phòng PA38, chị là nữ lãnh đạo duy nhất ở một đơn vị chiến đấu, chỉ huy những cuộc hành quân truy quét FULRO thâu đêm suốt sáng tại các rẫy cà phê ở khắp các huyện trên địa bàn tỉnh, khi ấy là một cô trinh sát mới ra trường, tôi vẫn còn nhớ mỗi khi các nhóm trinh sát nắm tình hình, xác minh có đối tượng cầm đầu Fulro đang lẩn trốn, là tổ công tác dưới sự chỉ đạo của chị lại họp ngay để bàn phương án mai phục, truy bắt, lấy lời khai đối tượng góp phần phục vụ tốt công tác đấu tranh, phòng chống Fulro trên địa bàn.

 Những cuộc hành quân thường bắt đầu từ 9, 10 giờ đêm có khi đến tận 4, 5 giờ sáng mới về, mùa khô Tây Nguyên về đêm lạnh buốt, gió rít từng cơn như cứa vào từng lớp da, thớ thịt vậy mà các anh em trong tổ công tác phải chạy bộ cả mấy chục cây số trên khắp các cánh rừng, các chòi rẫy nơi đó có rất nhiều muỗi, rết và côn trùng, nhiều gốc cây cà phê, hố và giếng sâu hun hút, mỗi người chỉ có một chiếc đèn pin nên rất dễ bị rách giày, vấp phải gốc cây té, chảy toạch cả máu chân nhưng dường như không ai bảo ai tổ công tác vẫn như như những chiến binh quả cảm, vẫn băng hết từ rẫy cà phê này sang rẫy cà phê khác. Khi có dấu vết của đối tượng quyết tâm không để đối tượng trốn thoát, anh em chia nhau ra các hướng để truy tìm, là lính trẻ nhưng không thường xuyên đi truy quét, ít chạy bộ nên có nhiều hôm vừa chạy tôi vừa thờ hổn hển, mặc dù trời lạnh nhưng áo vẫn ướt đẫm mồ hôi, hai chân mỏi không muốn bước vậy mà nhìn sang chị và đồng đội vẫn chạy thoăn thoắt, chị vẫn vừa chạy vừa động viên, chỉ đạo anh em truy lùng tất cả các hướng các nơi mà đối tượng có thể lẩn trốn nhìn chị và đồng đội tôi luôn tự động viên mình phải cố gắng, phải tiến lên vì chị là tấm gương là động lực để chúng tôi vượt qua những trở ngại để truy bắt bằng được đối tượng, mỗi khi bắt được đối tượng, dù rất mệt nhưng ai cũng vui và hăng hái dẫn giải đối tượng về trụ sở để lấy lời khai, có những đêm phải lao như bay, chạy khắp các chòi rẫy thấy chị đã quá mệt, mặt tái nhợt, anh em trong tổ công tác động viên chị về nhà nghỉ nhưng chị vẫn ở lại, vẫn trực tiếp lấy lời khai đối tượng, với kinh nghiệm làm trinh sát lâu năm, nghiệp vụ sắc bén cộng với tấm lòng nhân hậu của người phụ nữ chị đã khuất phục được rất nhiều đối tượng ngoan cố từ bỏ hoạt động sai trái làm lại cuộc đời. Điển hình trong số những đối tượng được chị quan tâm, giúp đỡ là đối tượng Y Hin Niê ở buôn Cuôr Knia, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn đối tượng này là cơ sở ngầm Fulro đã nghe theo các đối tượng bên ngoài xúi giục từ bỏ gia đình vượt biên sang Campuchia, qua công tác nắm tình hình biết vợ đối tượng đang mang bầu tháng thứ 8 nhưng y vẫn bán nhà, bán rẫy để định trốn qua Campuchia, bằng trách nhiệm cao nhất của người cán bộ Công an vì nhân dân phục vụ, chị đã xuống gặp gỡ động viên, đối tượng cùng tấm lòng bao dung của mình, thành quả thu được như mọi người vẫn nói chính là những "quả ngọt" sau bao ngày vất vả, giờ đây đối tượng đã không còn ý định vượt biên mà tu trí làm ăn, tăng gia sản xuất tăng thu nhập cải thiện đời sống gia đình, ngày vợ Y Hin sinh chị đã cùng với chị em chúng tôi quyên góp quần áo cũ, đồ dùng trẻ sơ sinh xuống thăm hỏi, động viên 2 mẹ con.

Là phụ nữ lại công tác tại một đơn vị nghiệp vụ chiến đấu rất vất vả nhưng bằng sự linh hoạt, nhanh nhẹn trong công việc, được đồng đội, nhân dân tin yêu, quý mến chẳng bao lâu chị đã nhanh chóng trưởng thành từ một cán bộ trinh sát được sự dìu dắt của các đồng chí đi trước, Ban Giám đốc, anh em tín nhiệm bầu làm " Thủ lĩnh" của Phòng PA88 và năm 2010 chị được bổ nhiệm làm Cục phó Cục An ninh Tây Nguyên. Trọng trách càng cao, càng như thử thách ý chí, nghị lực vốn có trong con người chị, chị đã chủ động tham mưu, triển khai nhiều kế hoạch tấn công trấn áp các đối tượng phản động trong và ngoài nước, trực tiếp chỉ đạo đấu tranh nhiều chuyên án lớn bắt, vận động đầu thú hàng chục đối tượng FULRO cầm đầu, cốt cán, làm tốt công tác vận động quần chúng góp phần xây dựng thế trận An ninh vững chắc trên địa bàn toàn tỉnh.

Đặc biệt trong năm 2015 đến nay chị được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Đăk Lăk và là đại biểu Quốc hội khóa XII.

Giờ đây với cương vị mới là đại biểu quốc hội khoá XII, nhiệm vụ mới, nặng nề hơn, vinh quang hơn chị lại tiếp tục động viên mình phải cố gắng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng, ngành và nhân dân tin yêu giao để có thể mang lại nhiều hơn niềm vui hạnh phúc cho người dân nơi đây.

Bản lĩnh mạnh mẽ trong đấu tranh với bọn phản động, nhưng đối với cán bộ chiến sỹ trong đơn vị chị lại là người thủ trưởng rất gần gũi, hoà đồng, chị không bao giờ nói về mình ở chị luôn toát lên phong cách của một người phụ nữ hiền hậu, khiêm tốn, vui vẻ, dễ gần mà chúng tôi thường gọi chị là " Chị hai".

Trong nhận thức tình cảm của mỗi nữ cán bộ chiến sĩ chị vừa là lãnh đạo vừa là một người bạn tâm giao, được chị em tin tưởng chia sẻ những tâm tư, khó khăn trong công tác chiến đấu cũng như trong cuộc sống thường nhật. Chị chia sẻ rất mộc mạc rằng, khi chị em gặp khó khăn, việc nào trong tầm khả năng chị sẽ giúp đỡ hết sức nhiệt tình, những việc nằm ngoài khả năng chị kêu gọi vận động, đề xuất tập thể, cấp ủy tham gia hỗ trợ. Mọi người yêu mến chị cũng bởi cái cách mà chị quan tâm, động viên chị em, cán bộ chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn vượt khó, vui vẻ, đoàn kết để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ từ sự chân thành, giản dị, mộc mạc như chính con người chị vậy, như lời tâm sự của đồng chí Đào phó trưởng phòng PA88 " Chị Xuân là lãnh đạo giàu kinh nghiệm, luôn gần gũi, quan tâm cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Chúng tôi học được ở chị nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, đấu tranh với các đối tượng phản động, nhất là sự giản dị, gần gũi với bà con, nói được tiếng các dân tộc, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào".

Bận rộn là thế, nhưng mỗi khi tết đến, xuân về chị lại cùng Hội phụ nữ trong  đơn vị, chi đoàn xuống thăm và tặng quà cho từng hộ nghèo, từng gia đình phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở những huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, trong những dịp ấy tôi nhận thấy nơi chị niềm cảm thông, sự sẻ chia và cả những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, bao dung ấy, đã gần 10 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh người phụ nữ trầm mình suốt mấy ngày đêm trong bão táp, để tận tay mang đến từng gói mì, cân gạo, tấm áo cứu trợ cho người dân huyện Lắc trong trận lịch sử lũ năm ấy. Đó chính là những việc làm cụ thể thiết thực thể hiện sự thấm nhuần sâu sắc 6 điều Bác Hồ dạy CAND về tinh thần đoàn kết, thân ái mà chị luôn coi đó là chân lý trong công tác lãnh đạo, vì thế đồng các buôn làng thường nhắc đến chị với một niềm tin yêu sâu sắc, và lòng biết ơn vô hạn như lời nhận xét của Amí Loan: " Mình biết ơn Mí Ngọc lắm, nhờ có Mí Ngọc mà chồng mình đã về với buôn làng, về với mẹ con mình, nhà mình mới có được cuộc sống như hôm nay".

Ở cơ quan chị là người lãnh đạo gương mẫu, về đến nhà chị là người vợ, người mẹ hiền đảm đang, bởi chị tâm sự trước đây khi các con còn nhỏ đã chịu nhiều thiệt thòi vì mẹ bận đi công tác xa nhà nên mỗi khi có thời gian chị lại tự tay nấu những món ăn thật ngon, ủi cho chồng những bộ đồ và dạy các con gái học, bởi đó là niềm vui, là hạnh phúc bình dị của chị sau bao buồn vui, khó nhọc, để mỗi khi chiều về ngôi nhà đó lại tràn ngập tiếng cười trong tình yêu đậm sâu, tha thiết, vì vậy mỗi khi nhắc đến vợ ánh mắt anh lại ánh lên niềm tự hào sâu sắc: "Chị Xuân chu toàn lắm, mình và các con rất hạnh phúc khi ở bên cô ấy".

Thành công trong công tác chuyên môn, được lãnh đạo các cấp tin tưởng tuy nhiên, chưa bao giờ chị cho phép mình "tự mãn" ngừng cố gắng, phấn đấu. Khi được hỏi động lực nào giúp chị vượt qua khó khăn, áp lực trong công tác, chiến đấu để có được những kết quả như ngày hôm nay, chị không giấu nổi niềm hạnh phúc đong đầy, hào hứng chia sẻ; ngoài sự giúp đỡ của đồng chí, đồng đội thì gia đình luôn là hậu phương vững chắc giúp mình yên tâm công tác. Mình may mắn vì có một người chồng vừa là bạn đời, vừa là đồng chí, đồng đội luôn yêu thương, chia sẻ động viên mỗi lúc khó khăn trong cuộc sống may mắn hơn khi các con của chị đều chăm ngoan, học giỏi….Những ngày công tác xa nhà và những đêm đi đánh án mờ sáng mới trở về, anh chẳng bao giờ ca thán một lời.

Chị nói may mắn, nhưng tôi hiểu rằng sau tất cả những gì chị có được hôm nay là biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt, vất vả vun vén, lo toan cho gia đình, dạy dỗ con cái trưởng thành của chị để cân bằng hài hoà giữa "việc nước" với  "việc nhà" để không những bản thân chị luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao mà còn giữ lửa cho mái ấm gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho chồng yên tâm công tác, phấn đấu cho các con chị một điểm tựa tinh thần vững chắc để học tập, phát triển lành mạnh, toàn diện,

Khẳng định và tôn vinh những cống hiến to lớn của chị đối với Đảng, với Ngành, trong những năm qua chị đã được nhiều các cấp các ngành tuyên dương, khen thưởng và niềm vui lớn nhất đến với chị năm 2009 chị được Nhà nước trao tặng " Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam" đây là phần thưởng cao quý nhất dành cho chị - người con tin yêu của nhân dân Đắk Lắk.

Các tin khác

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH ĐẮK LẮK

Địa chỉ : 58 Nguyễn Tất Thành - Tp.Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đắk Lắk

Điện thoại: 0694 387 789

Chung nhan Tin Nhiem Mang

ipv6 ready

dobrowin |
betleao |
moverbet |
winzada 777 |
supremo |
casadeapostas |
dobrowin |
betleao |
moverbet |
wazamba |
fezbet |
betsson |
lvbet |
dobrowin |
betsul |
pixbet |
bwin |
betobet |
dobrowin |
bet7 |
betcris |
blaze |
888 |
betano |
stake |
stake |
esportesdasorte |
betmotion |
rivalry |
novibet |
pinnacle |
cbet |
dobrowin |
betleao |
moverbet |
gogowin |
jogos win |
campobet |
mesk bet |
infinity bet |
betfury |
doce |
bet7k |
jogowin |
lobo888 |
iribet |
leao |
dobrowin |
allwin |
aajogo |
pgwin |
greenbets |
brapub |
moverbet |
onebra |
flames |
brdice |
brwin |
poplottery |
queens |
winbrl |
omgbet |
winbra |
goinbet |
codbet |
betleao |
fuwin |
allwin568 |
wingdus |
juntosbet |
today |
talon777 |
brlwin |
fazobetai |
pinup bet |
bet sport |
bet esporte |
mrbet |
premier bet |
apostebet |
spicy bet |
prosport bet |
bet nacional |
luck |
jogodeouro |
heads bet |
marjack bet |
apostaganha |
gbg bet |
esoccer bet |
esport bet |
realbet |
aposte e ganhe |
aviator aposta |
bet vitoria |
imperador bet |
realsbet |
bet favorita |
esportenet |
flames bet |
pague bet |
betsury |
doce888 |
obabet |
winzada |
globalbet |
bet77 |
lottoland |
7gamesbet |
dicasbet |
esportivabet |
tvbet |
sportbet |
thelotter |
misterjackbet |
esportebet |
nacionalbet |
simplesbet |
betestrela |
batbet |
Pk55 |
Bet61 |
Upsports Bet |
roleta online |
roleta |
poker online |
poker |
blackjack online |
bingo |
12bet |
33win |
bet168 |
bk8 |
bong88 |
bong99 |
fcb8 |
hb88 |
hotlive |
ibet888 |
k8 |
kubet77 |
kubet |
lode88 |
mig8 |
nbet |
onebox63 |
oxbet |
s666 |
sbobet |
suncity |
vwin |
w88 |
win2888 |
zbet |
xoso66 |
zowin |
sun |
top88 |
vnloto |
11bet |
bet69 |
8xbet |
leon |
amon |
bons |
skol |
32red |
yako |
mrrex |
winny |
mrbit |
slotv |
21bit |
tsars |
buumi |
bizzo |
netbet |
24bet |
rummy |
sbobet |
patti |
mirax |
12bet |
amunra |
maneki |
mrplay |
dreamz |
refuel |
goslot |
ivibet |
gamdom |
pgebet |
casigo |
nomini |
betobet |
betshah |
spinrio |
heyspin |
nyspins |
21prive |
1xslots |
220patti |
casitsu |
nobonus |
slotbox |
teen patti |
puma |
satsport |
lottoland |
national |
pinnacle |
alexander |
marvel bet |
vinyl |
22bet |
rant |
baji |
yoyo |
oppa888 |
bilbet |
roobet |
vave |
nextbet |
comeon |
bluechip |
unibet |
leonbet |
betfury |
pino |
slottica |
w88 |
casumo |
rivalry |
exclusive |
sol |
highway |
500 casino |
jazz |
howl |
supernova |
sherbet |
fresh |
daddy |
jet |
wish |
eclipse |
inplay |
drip |
marvel |
stake |
scorpion |
luxebet |
drake |
thor |
puma |
winzir |
loki |
shazam |
rivalry |
f1 casino |
xgbet |
sushi |
bk8 |
art casino |
manga |
pgasia |
gemini |
bingoplus |
slot vip |
help slot win |
8k8 slot |
tadhana slot |
jili slot |
55bmw slot |
vip slot |
nn777 slot |
jili slot 777 |
tg777 slot |
w500 slot |
phfun slot |
bmw55 slot |
sg777 slot |
wj slot |
slot free 100 |
lucky cola slot |
cc6 slot |
taya777 slot |
ph444 slot |
slot games |
fb777 slot |
okebet slot |
help slot |
tg77 slot |
phwin slot |
vvjl slot |
fc777 slot |
slot vin |
yy777 slot |
define slot |
define slot |
inplay |
99bet |
60win |
melbet |
jollibet |
jili slot |
rich711 |
tayabet |
phl63 |
unobet |
63jili |
mwplay888 |
gold99 |
jolibet |
ubet95 |
nice88 |
jili777 |
nn777 |
phlove |
jiliko |
55bmw |
phoenix game |
8k8 |
cgebet |
7up gaming |
diamond game |
hellowin |
win88 |
big win |
kabibe game |
sabong bet |
phcity |
colorplay |
tongits go |
slotsgo |
spinph |
go perya |
casino frenzy |
aurora game |
escala gaming |
winning plus |
bingo plus |
ph dream |
747 live |
niceph |
lucky cola |
pera play |