Mặc dù cơ quan Công an đã liên tục cảnh báo, vạch trần thủ đoạn của các nhóm lừa đảo “việc nhẹ lương cao” nhưng nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh vẫn nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng lừa đảo sang Campuchia làm việc.
Thời gian qua, lợi dụng nhu cầu tìm việc của người lao động tăng cao, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin tuyển dụng gắn mác xuất khẩu lao động sang Campuchia với chiêu bài "việc nhẹ lương cao". Điển hình như, hoạt động bóc lột sức lao động, cưỡng đoạt tài sản thậm chí bị đe dọa đến tính mạng và buộc gia đình nạn nhân phải nộp số tiền chuộc rất lớn mới được thả về nước. Vì nhẹ dạ cả tin nên vẫn có nhiều người “sập bẫy”.
Một poster “tuyển dụng” được đăng tải trên mạng xã hội để lừa xuất cảnh trái phép sang Campuchia
Lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, lợi dụng nhu cầu của công dân ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, lao động... hoạt động đưa người Việt Nam xuất cảnh với sự câu kết giữa các đối tượng ở trong và ngoài nước, cả người Việt Nam và người nước ngoài diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, gây ra nhiều hệ lụy, hậu quả đối với đời sống của người dân.
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đắk Lắk và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh tiếp nhận công dân Việt Nam bị lừa, cưỡng bức lao động tại Campuchia do lực lượng chức năng Campuchia bàn giao
Tháng 10/2023, thông qua mạng xã hội Facebook, những kẻ lừa đảo đã tiếp cận, dụ dỗ hai cháu T.V.V. (17 tuổi), H.N.G.N. (15 tuổi) cùng trú tại xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) xuống thành phố Hồ Chí Minh, sau đó xuất cảnh sang Campuchia sẽ có người lo công việc với mức lương 18 triệu đồng/tháng. Sự thật, tại Campuchia hai cháu phải làm việc lừa đảo trên máy tính từ 8 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Nếu muốn về nhà thì phải trả cho "công ty" hơn 17 triệu đồng.
Qua ứng dụng Messenger, hai anh N.T.G và H.V.B cùng trú tại xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc được giới thiệu làm nhân viên bốc xếp hàng hóa tại Campuchia với mức lương 20 triệu đồng trở lên. Được “công ty” đưa đón từ Bến xe An Sương (TP. Hồ Chí Minh) qua nhiều chặng dừng nghỉ, thay đổi nhiều phương tiện (ô tô, xe gắn máy, xuồng máy..). Khi được đưa tới một dãy nhà tại Campuchia (gần khu vực các Casino), lúc này mới biết bị lừa bán sang Campuchia để làm việc với nhiệm vụ là sử dụng tài khoản Facebook ảo để tìm kiếm đối tượng, lừa đảo qua mạng Internet. Trở về từ Campuchia (tháng 11/2023) sau khi được Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn, anh N.T.G và H.V.B may mắn gặp lại gia đình. Tuy vậy, số tiền gia đình bỏ ra cho các đối tượng bên kia biên giới là 150.000 triệu đồng cùng những tháng ngày ám ảnh bị bóc lột về sức khỏe và tinh thần.
Đặc biệt, ngày 24/7/2024, Phòng quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) tiếp nhận 7 công dân Việt Nam bị phía Campuchia trục xuất, trao trả do vi phạm quy định về lao động tại Campuchia. Khẩn trương phối hợp đấu tranh, lực lượng chức năng đã làm rõ và khởi tố 2 đối tượng là T.V.T (32 tuổi) và N.V.V (37 tuổi) cùng trú tại xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk về hành vi mua bán người.
Qua các vụ việc trên có thể thấy, phương thức, thủ đoạn của loại đối tượng này thường hình thành đường dây phạm tội có tổ chức, thực hiện tại Việt Nam và Campuchia, được chia nhỏ từng khâu công việc khác nhau. Những đối tượng này dùng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Telegram,...) đăng các bài quảng cáo, tuyển lựa lao động với nội dung cam kết “việc nhẹ, lương cao” hoặc làm quen, thông qua bạn bè, người thân quen để rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm việc.
Nạn nhân mà các đối tượng nhắm vào có độ tuổi từ 18 - 35 tuổi, những người không có việc làm ổn định, tâm lý muốn có việc làm dễ dàng, thu nhập cao. Khi đăng ký xin việc thì các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo hướng dẫn, đưa đón và cử người hỗ trợ làm các giấy tờ (hộ chiếu), thủ tục xuất cảnh và đưa đến các cửa khẩu để xuất cảnh sang Campuchia hoặc thông qua các đường tiểu ngạch khác xuất cảnh trái phép.
Sau khi các nạn nhân qua Campuchia, bị đưa vào làm việc tại các cơ sở, tổ chức hoạt động lừa đảo như: Đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng. Các công ty này, phần lớn do người nước ngoài thuê, làm chủ. Trong quá trình làm việc, nạn nhân được quản lý, giám sát chặt chẽ, không được đi lại, gần như ngừng liên lạc với gia đình và thế giới bên ngoài, bị cưỡng ép lao động từ 12 - 16 tiếng/ngày.
Đa phần, khi người lao động sang Campuchia làm việc nếu không thực hiện đủ theo yêu cầu của các đối tượng thì nạn nhân sẽ bị nhốt, đánh đập, tra tấn, bỏ đói và yêu cầu gọi điện về cho gia đình nộp tiền “chuộc” từ 3.000 - 20.000 USD cho các đối tượng thông qua các tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp (phần lớn là các tài khoản ảo) mới cho về nước. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi hoặc bị bán cho các công ty khác.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại các cơ sở đánh bạc trực tuyến, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, phối hợp với lực lượng chức năng trong phòng, chống loại tội phạm này.
Ngoài các khuyến cáo trên, theo lãnh đạo Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đắk Lắk nếu người dân có nhu cầu về việc làm hay đi lao động nước ngoài phải tìm hiểu kỹ thông tin và liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm hợp pháp để được hướng dẫn cụ thể./.
Trọng Hải
- Hội nghị sơ kết công tác công an Quý III và 09 tháng đầu năm 2024 của Công an tỉnh (15/10/2024, 16:49)
- Công an tỉnh Đắk Lắk đứng thứ 3 trên cả nước về số lượng hồ sơ đăng ký xe lần đầu ở mức toàn trình (12/10/2024, 19:52)
- Một số quy định về xe ô tô hết niên hạn sử dụng (11/10/2024, 13:51)
- Xã Cư Kbang, huyện Ea Súp không còn là điểm nóng về ma túy (11/10/2024, 13:38)
- Kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an xã (10/10/1950 – 10/10/2024) (10/10/2024, 17:03)
- Những điều cần lưu ý khi lựa chọn nhập cảnh Việt Nam bằng thị thực điện tử (10/10/2024, 16:43)
- Nhận diện về bản chất truyền bá mê tín, dị đoan, trục lợi và những tiềm ẩn phức tạp về ANTT của tổ chức “Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam” (10/10/2024, 16:30)
- Phát hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm về mã vùng trồng, cơ sở đóng gói và sử dụng hoá chất trái phép để nhúng sầu riêng (10/10/2024, 15:11)
- Bổ sung danh sách các cửa khẩu áp dụng tờ khai hải quan dùng cho người xuất cảnh, nhập cảnh (10/10/2024, 14:26)
- Lực lượng CSGT Đắk Lắk “trách nhiệm, thân thiện, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ" (10/10/2024, 14:00)
- Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn trong công tác giam giữ (10/10/2024, 11:02)