
Thời gian vừa qua, dư luận xã hội vô cùng bức xúc trước vụ việc bé gái 8 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành dẫn đến tử vong xảy ra vào cuối tháng 12 năm 2021. Cùng với vụ việc đau lòng này, trước đó cũng đã xảy ra rất nhiều vụ việc bạo hành phụ nữ, trẻ em mà người bạo hành chính là những người trong gia đình, gây ám ảnh cho xã hội, rung lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn bạo lực gia đình đang xảy ra ngày càng tăng về mức độ nghiêm trọng. Vậy thế nào là bạo lực gia đình?
Theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2008 thì: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Các hành vi được coi là hành vi bạo lực gia đình bao gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; Cưỡng ép quan hệ tình dục; Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Ảnh minh họa
Hiện nay, tuy công tác tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình đã được đẩy mạnh về cả nội dung và hình thức nhưng vẫn còn nhiều người, nhiều nạn nhân ngần ngại việc tố giác các hành vi bạo lực gia đình với chính quyền và các cơ quan chức năng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Không ít người cho rằng các hành vi của mình chưa đến mức vi phạm quy định về bạo lực gia đình, coi đó là chuyện bình thường đối với các gia đình Việt Nam từ xưa đến nay, chồng có quyền “dạy dỗ” vợ, con cái phải nghe lời cha mẹ tuyệt đối, như thế bạo lực gia đình vẫn luôn là vấn nạn hiện diện và tiếp diễn trong một số gia đình với nhiều mức độ và hình thức khác nhau.
Ngày 31/12/2021, Chính Phủ ban hành Nghị định số 144/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 thay thế Nghị định 167/2013 năm 2013, đã có những thay đổi tăng mạnh về mức phạt tiền để đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi bạo lực gia đình, cụ thể:
- Phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình theo quy định tại điều 52, Nghị định 144, cụ thể: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình.
- Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình theo điều 53, Nghị định 144 quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với những hành vi đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: Bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
- Phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình theo quy định tại điều 54, Nghị định 144, cụ thể: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi: Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
- Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý có thể bị phạt đến 30.000.000 đồng theo quy định tại điều 55, Nghị định 144 cụ thể: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó; Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc; Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục; Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với Hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng quy định tại Theo điều 57, Nghị định 144 cụ thể: hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật; Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
Trong vụ việc cháu bé 8 tuổi bị bạo hành đẫn đến tử vong ở Tp. Hồ Chí Minh, người thực hiện hành vi bạo hành đang phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, nhiều người vẫn đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết với những lời lẽ tiêu cực, cay nghiệt mang tính kích động gây ám ảnh, hoang mang dư luận, đó là những hành vi quá đà không đáng có trong xã hội hiện nay. Chúng ta đang sống trong xã hội thượng tôn pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh, những cá nhân, tổ chức lợi dụng vụ việc cháu bé bị bạo hành để đăng tải, chia sẻ các bài viết giật tít, câu “Like”, câu “View” trên mạng xã hội nhằm mục đích kích động, vụ lợi hoàn toàn có thể vi phạm quy định về sử dụng mạng xã hội và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Để phòng ngừa các hành vi liên quan đến bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo hành trẻ em trong cùng nhà đạt hiệu quả cao, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các tổ chức đoàn thể các cấp nhằm tuyên truyền, vận động người dân tích cực, mạnh dạn tố giác, đấu tranh để đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ vấn nạn bạo lực gia đình; góp phần xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh./.
Lê Toàn
- Những bài học kinh nghiệm sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (07/07/2025, 00:31)
- Cán bộ kiểm tra - người “gác cửa” về kỷ luật của Đảng (06/07/2025, 23:30)
- Kinh nghiệm thực hiện mô hình “Hai không một giảm về ma tuý” trên địa bàn xã Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk (05/07/2025, 23:20)
- Bắt nhóm đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy với số lượng lớn (05/07/2025, 09:30)
- Đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay (05/07/2025, 00:18)
- Phòng Quản lý xuất nhập cảnh cấp định danh điện tử mức độ 2 cho người nước ngoài cư trú trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (03/07/2025, 23:16)
- Lĩnh án chung thân vì mua bán trái phép chất ma túy số lượng lớn (02/07/2025, 23:44)
- Thông báo địa chỉ trụ sở của các đơn vị có chức năng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, 102 Công an cấp xã và địa điểm tiếp nhận thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ ngày 01/7/2025 (02/07/2025, 22:15)
- Những chuyển biến tích cực sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (02/07/2025, 00:21)
- Công an tỉnh Đắk Lắk: Thông báo các địa điểm tổ chức thu nhận hồ sơ cấp thẻ Căn Cước, tài khoản định danh điện tử (01/07/2025, 23:04)
- Nghị định 105/2021/NĐ-CP về phòng chống ma túy có đối tượng áp dụng thế nào? (01/07/2025, 16:00)