
Kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Cải tiến, đổi mới phương pháp, quy trình, kỹ năng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đảm bảo khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, thận trọng, chặt chẽ, khả thi, trong đó tập trung vào các cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên”.
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát gắn liền với hoạt động lãnh đạo của Đảng. Theo Người, lãnh đạo tất yếu phải có kiểm tra, “kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”, “kiểm soát khéo bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết”. Tư tưởng đó của Người là kim chỉ nam định hướng cho công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong suốt quá trình hoạt động. Khi đề cập đến mục đích của công tác kiểm tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của Nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”.
Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều, nặng nề, đòi hỏi phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì các cấp ủy, tổ chức Đảng phải chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát. Đó là khâu không thể thiếu trong quy trình lãnh đạo của Đảng, từ việc xây dựng Nghị quyết, tổ chức thực hiện Nghị quyết cho đến rút kinh nghiệm, nhằm giáo dục cán bộ, đảng viên làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, Nhà nước, làm gương cho Nhân dân góp phần củng cố đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Kiểm tra đảng để làm gì? Tại sao phải kiểm tra? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiểm tra để quyết định vấn đề cho đúng; để biết đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tổ chức thi hành như thế nào, có thực sự đi vào cuộc sống và mang lại lợi ích cho Nhân dân hay không? Đã thực sự ý Đảng hợp với lòng dân chưa? Nếu kiểm tra không tốt thì: “Nghị quyết một đường, thi hành một nẻo” mà Đảng vẫn không hay biết. Lúc đó, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước không những trở nên vô ích, mà còn tổn hại đến lòng tin của Nhân dân đối với Đảng. Bởi vậy, có kiểm tra “mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”; mới ngăn chặn sai lầm, sửa chữa thói hư, tật xấu, thải loại những kẻ thoái hóa, biến chất hoặc những kẻ vụ lợi chui vào trong Đảng; để tuyển chọn, đề bạt, cất nhắc cán bộ được chính xác, khách quan.
Bàn về cách thức kiểm tra Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kiểm tra phải có hệ thống, nghĩa là khi đã có nghị quyết thì phải lập tức đốc thúc thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và Nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và khó khăn, để sửa đổi khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua khó khăn. Kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi. Kiểm tra phải dùng cách thức thật thà, tự phê bình và phê bình để tỏ rõ hết mọi khuyết điểm và tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy”.
Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng kiểm tra phải thực sự, thực tế, phải kết hợp nhiều nguồn thông tin, nhiều luồng thông tin nhưng trong đó, thông tin có được nhờ “đến tận nơi, xem tận chỗ” là quan trọng nhất, xác thực nhất. Có như vậy kiểm tra mới đúng người, đúng việc, đúng ưu điểm, nhược điểm, mới có cơ sở đưa ra cách động viên, phát huy và cách sửa chữa đúng. Kiểm tra mà thiếu thực tế, chẳng khác nào ông “thầy bói” đoán mò, đánh giá thiên lệch, nhìn nhận sai bản chất sự việc. Kiểm tra mà không đến tận nơi dể sinh tật bao biện nói dối, che giấu của cơ sở. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích của kiểm tra, giám sát là "để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm". Khi tiến hành công tác kiểm tra, giám sát phải thực hiện đúng nguyên tắc và các phương pháp công tác Đảng, không được áp dụng các phương pháp điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Người yêu cầu người lãnh đạo, Ủy ban kiểm tra, cán bộ kiểm tra phải có phương pháp kiểm tra, giám sát thật dân chủ, khách quan, thận trọng, phải đi đúng đường lối quần chúng, phải thật sự nhân văn, nhân bản trong công tác quan trọng đặc biệt này thì mới đem lại kết quả, hiệu quả cao nhất.
Đảng bộ Công an tỉnh là một trong những tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk, trong những năm qua, trên cơ sở quán triệt sâu sắc và vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, các tổ chức cơ sở Đảng thuộc Đảng bộ Công an tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo đổi mới nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát các tổ chức Đảng, đảng viên, quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết của các cấp ủy Đảng; việc bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, mà trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ; việc giữ gìn phẩm chất đạo đức và lối sống của đảng viên và thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm. Thông qua kiểm tra, giám sát giúp cho cấp ủy các cấp đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm của tổ chức đảng, đảng viên, phòng ngừa nguy cơ nảy sinh vi phạm trong hoạt động thực tiễn; chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy tổ chức Đảng, kịp thời cảnh cáo, răn đe đối với những đảng viên vi phạm để phục vụ công tác phòng ngừa chung, đồng thời góp phần xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Từ những kết quả tích cực nêu trên, trong thời gian tới để tiếp tục quán triệt thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01-CT/ĐUCA; Quy định số 1011-QĐ/ĐUCA, ngày 19/8/2020 của Đảng ủy Công an Trung ương; Nghị quyết số 07-NQ/ĐUCA, ngày 11/5/2021 của Đảng ủy Công an tỉnh Đắk Lắk, Đảng bộ Công an tỉnh cần thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm:
Một là, cần giáo dục, quán triệt cho tập thể cấp ủy, UBKT các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu cách thức tiến hành kiểm tra, giám sát theo tư tưởng Hồ Chí Minh; các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, hướng dẫn của cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và công tác xây dựng đảng bộ, chi bộ.
Hai là, công tác kiểm tra, giám sát phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đơn vị và công tác xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Ba là, căn cứ vào yêu cầu, mục tiêu nhiệm vụ chính trị của đơn vị và thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo, phương pháp và quy trình kiểm tra, giám sát để xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát của nhiệm kỳ 2020 – 2025; chương trình kiểm tra, giám sát năm 2021 của Đảng ủy, UBKT Đảng ủy Công an tỉnh và chương trình kiểm tra, giám sát của các Đảng bộ, chi bộ cơ sở; đồng thời, tiến hành công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, có nền nếp, không thụ động chờ vụ việc xảy ra rồi mới xem xét, giải quyết; nắm vững tình hình hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, luôn coi trọng công tác tự kiểm tra của tổ chức đảng và đảng viên.
Bốn là, UBKT các cấp phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi trách nhiệm theo quy định của Đảng; chủ động, tích cực tham mưu, giúp cấp ủy quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
Năm là, các cấp ủy, tổ chức đảng phải kịp thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát huy những nhân tố tích cực, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, những vấn đề bất cập nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát của toàn Đảng bộ Công an tỉnh./.
An Thái
- Khai giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho Đối tượng 2 và Đối tượng 3 năm 2025 (12/05/2025, 21:30)
- Cảnh giác bẫy lừa đảo qua mạng trong mùa thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 (12/05/2025, 16:28)
- Công an Đắk Lắk triển khai các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai năm 2025 (12/05/2025, 11:41)
- Phòng An ninh kinh tế tổ chức các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống vẻ vang của lực lượng An ninh kinh tế (13/5/1953 - 13/5/2025) (12/05/2025, 11:23)
- Hướng dẫn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID (12/05/2025, 09:45)
- Phòng Cảnh sát Cơ động Đắk Lắk: Nghĩa tình từ “trái tim” những người lính (09/05/2025, 16:37)
- Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân Liệt sĩ chưa xác định danh tính (09/05/2025, 16:30)
- Công an tỉnh Đắk Lắk thăm, chúc mừng các cơ sở Phật giáo nhân dịp Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc và lễ Phật đản PL.2569 năm 2025 (09/05/2025, 16:22)
- Khen thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân lập thành tích trong phát hiện, làm rõ các đối tượng có hành vi vận chuyển, tàng trữ vũ khí (09/05/2025, 11:04)
- Phòng quản lý xuất nhập cảnh tổ chức quán triệt, tuyên truyền về chuyên đề năm 2025 của Tỉnh ủy và triển khai đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống CAND và 20 năm ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (07/05/2025, 15:59)
- Phòng Hậu cần sôi nổi chuỗi hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (01/05/2025, 21:47)