
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác truyền thống. Cùng với đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước, nhờ sự nỗ lực và hợp tác chặt chẽ, Việt Nam và Campuchia đã đạt được thành quả quan trọng về việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa hai nước.
Ngày 22/12/2020, Việt Nam và Campuchia đã phối hợp tổ chức Lễ trao đổi Văn kiện phê chuẩn hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền mà hai bên đã đạt được. Từ đây, hai văn kiện chính thức có hiệu lực, tạo thêm một dấu mốc quan trọng trong quá trình gần 40 năm giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa hai nước thông qua biện pháp hòa bình, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.
Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.255 km, kéo dài từ hai tỉnh Kon Tum - Rattanakiri đến hai tỉnh Kiên Giang - Kampot. Đường biên giới này đi qua 10 tỉnh của Việt Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và 09 tỉnh của Campuchia là Rattanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tboung Khmun, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takeo và Kampot.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc
Đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia có quá trình hình thành từ lâu đời, trải qua nhiều biến động gắn với lịch sử chung sống, phát triển hòa bình của hai dân tộc:
Trước khi bị thực dân Pháp đô hộ, các Vương triều phong kiến Việt Nam và Campuchia đã cơ bản thông nhất phạm vi lãnh thổ của mình.
Trong thời kỳ Đông Dương thuộc Pháp, chính quyền thực dân Pháp nhận thấy cần phải hoạch định các đường biên giới hoặc ranh giới hành chính rõ ràng, vẽ trên bản đồ và đánh dấu bằng các cột mốc trên thực địa. Năm 1887, thực dân Pháp thành lập “Liên bang Đông Dương” gồm một lãnh thổ hải ngoại của Pháp và 04 xứ bảo hộ (Cao Miên - Campuchia ngày nay; Ai Lao - Lào ngày nay; Bắc Kỳ, Trung Kỳ - miền Bắc và miền Trung Việt Nam ngày nay). Liên quan ranh giới giữa Việt Nam và Campuchia, căn cứ vào phạm vi lãnh thổ được hình thành từ thời kỳ phong kiến cũng như chứng cứ lịch sử cụ thể, chính quyền thực dân tiến hành phân vạch đường biên giới hoặc ranh giới quản lý hành chính theo trình tự thủ tục pháp lý riêng tùy theo quy chế được xác lập ở mỗi xứ: (i) Đường biên giới giữa Nam Kỳ và Cao Miền được hoạch định và phân giới cắm mốc theo hai Công ước kỳ năm 1870 và 1873 giữa Pháp và triều đình Cao Miên, sau đó, đường biên giới này được sửa đổi, điều chỉnh bởi một số Nghị định của Toàn quyền Đông Dương; (ii) Đường ranh giới quản lý hành chính giữa Trung Kỳ và Cao Miền chỉ được vạch ra theo các văn bản phục vụ mục đích quản lý hành chính của thực dân Pháp tại Đông Dương và không được phân giới cắm mốc.
Đến năm 1954, toàn bộ đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia đã được thể hiện tương đối đầy đủ trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản.
Từ năm 1954 - 1976, Việt Nam và Campuchia tiến hành một số đợt đàm phán, bước đầu đạt được nhận thức chung về nguyên tắc giải quyết biên giới, nhưng không ký kết được văn kiện pháp lý nào.
Từ năm 1976 - 1979 là giai đoạn xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, cũng đã có 06 cuộc tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai bên để trao đổi giải quyết vấn đề biên giới nhưng không đạt kết quả.
Từ năm 1979 - 1985, hai bên đã đàm phán và ký kết được 04 văn kiện pháp lý quan trọng, trong đó có Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia - ký ngày 27/12/1985, có hiệu lực từ ngày 22/12/1986. Theo đó, từ năm 1986 - 1988, hai nước đã phối hợp triển khai công tác phân giới cắm mốc trên thực địa được khoảng hơn 200km, cắm được 72 cột mốc, tập trung ở các cặp tỉnh Tây Ninh - Svay Rieng, Long An - Svay Rieng và Đồng Tháp - Prey Veng. Sau đó vì nhiều lý do, quá trình phân giới cắm mốc tạm dừng.
Đến năm 2005, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hun Sen và Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Phan Văn Khải đã ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985. Tái khẳng định giá trị hiệu lực của những hiệp định, hiệp ước đã ký giữa hai quốc gia.
Từ năm 2005 đến năm 2020, với nhiều nỗ lực và cố gắng của cả hai quốc gia, tiến trình phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia đã đạt được khoảng 84%, cụ thể:
- Đã xây dựng trên thực địa tổng số 2047 cột mốc tại 1553 vị trí, gồm 315 cột mốc chính, 1511 cột mốc phụ và 221 cọc dấu. Trong các cột mốc đã xây dựng, cột mốc cuối cùng mang số hiệu 314; 10 cột mốc đại có gắn quốc huy cở 10 cặp cửa khẩu quốc tế; bên cạnh đó, hai bên đã cắm được các mốc biên giới ở hầu hết các cửa khẩu và ở nơi có đường giao thông qua lại.
- Đã phân giới được 1044,985 km đường biên giới, trong đó có 556,837 km đường biên giới trên sông suối và 488,148 km đường biên giới trên bộ.
- Ngoài ra, để làm rõ hướng đi của đường biên giới trên thực địa, hai bên đã xác định thêm 1.000 điểm đặc trưng với tọa độ được đo trên thực địa bằng máy GPS hai tần số hoặc đo bằng máy toàn đạc điện tử.
Ngày 05/10/2019, tại Hà Nội, đại diện có thẩm quyền của hai bên đã ký hai văn kiện pháp lý nhằm ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước đã đạt được: (i) Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia; (ii) Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia.
Đến ngày 22/12/2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhom đã đồng chủ trì Lễ trao đổi Văn kiện Phê chuẩn hai văn kiện pháp lý bằng hình thức trực tuyến. Như vậy, hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia ký ngày 05/10/2019 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 22/12/2020.
Linh thiêng Lễ Chào cột mốc của đại diện lực lượng bảo vệ biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia
Với kết quả này, Việt Nam và Campuchia cơ bản có một đường biên giới rõ ràng trên thực địa, được đánh gấu bởi một hệ thống cột mốc khang trang, chính quy, hiện đại và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo chủ quyền an ninh biên giới; góp phần tạo dựng một đường biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác cùng phát triển bền vững, vì lợi ích của hai quốc gia cũng như hạnh phức, thịnh vượng và phồn vinh của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia./.
Thế Hùng
- Khai giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho Đối tượng 2 và Đối tượng 3 năm 2025 (12/05/2025, 21:30)
- Cảnh giác bẫy lừa đảo qua mạng trong mùa thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 (12/05/2025, 16:28)
- Công an Đắk Lắk triển khai các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai năm 2025 (12/05/2025, 11:41)
- Phòng An ninh kinh tế tổ chức các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống vẻ vang của lực lượng An ninh kinh tế (13/5/1953 - 13/5/2025) (12/05/2025, 11:23)
- Hướng dẫn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID (12/05/2025, 09:45)
- Phòng Cảnh sát Cơ động Đắk Lắk: Nghĩa tình từ “trái tim” những người lính (09/05/2025, 16:37)
- Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân Liệt sĩ chưa xác định danh tính (09/05/2025, 16:30)
- Công an tỉnh Đắk Lắk thăm, chúc mừng các cơ sở Phật giáo nhân dịp Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc và lễ Phật đản PL.2569 năm 2025 (09/05/2025, 16:22)
- Khen thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân lập thành tích trong phát hiện, làm rõ các đối tượng có hành vi vận chuyển, tàng trữ vũ khí (09/05/2025, 11:04)
- Phòng Hậu cần sôi nổi chuỗi hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (01/05/2025, 21:47)
- Niềm vui ngày đặc xá tại Trại tạm giam Công an tỉnh (01/05/2025, 16:55)