
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số và thương mại điện tử, các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng ngày càng đa dạng, linh hoạt và khó kiểm soát. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, không gian mạng cũng đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” để một số tổ chức, cá nhân lợi dụng thực hiện hành vi trốn thuế, gian lận thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công tác quản lý thuế.
Qua công tác nắm tình hình, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk nhận thấy nhiều thủ đoạn trốn thuế đang được các đối tượng sử dụng tinh vi trên không gian mạng như: Kinh doanh qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử nhưng không kê khai, đăng ký thuế với cơ quan chức năng; sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng không chính chủ để nhận thanh toán nhằm che giấu dòng tiền, gây khó khăn cho việc kiểm soát giao dịch; không xuất hóa đơn, hoặc xuất hóa đơn khống, hóa đơn giả, hợp thức hóa đầu vào để trốn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; lập doanh nghiệp “ma”, sử dụng hóa đơn mua bán qua mạng để hợp thức hóa chi phí đầu vào, trốn thuế đầu ra; chuyển thu nhập ra nước ngoài thông qua các giao dịch ẩn danh, ví điện tử, tiền mã hóa, khó truy vết và kiểm soát... Những hành vi này không chỉ gây thất thoát lớn nguồn thu ngân sách nhà nước mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm suy yếu nền kinh tế đất nước.
Để xử lý nghiêm minh hành vi trốn thuế, hệ thống pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể các chế tài xử phạt hành chính và hình sự như sau:
Về xử phạt hành chính:
Theo Điều 17, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 102/2021/NĐ-CP), các hành vi trốn thuế, gian lận thuế có thể bị xử phạt:
- Phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn, tùy vào mức độ và hành vi vi phạm cụ thể.
- Bị buộc nộp đủ số tiền thuế đã trốn, tiền chậm nộp và tiền phạt vào ngân sách nhà nước.
Về xử lý hình sự
Nếu hành vi trốn thuế đủ yếu tố cấu thành tội phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
- Người nào thực hiện một trong các hành vi trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này; hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm, tùy tính chất, mức độ vi phạm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Đối với pháp nhân thương mại, có thể bị phạt tiền đến 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động. Pháp nhân thương mại còn có thể bị hình phạt bổ sung phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Trước thực trạng nêu trên, Công an tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ quan thuế, ngân hàng và các đơn vị chức năng có liên quan để phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về thuế trên không gian mạng. Công an tỉnh khuyến nghị người dân và các tổ chức kinh doanh trên mạng cần:
- Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ kê khai và nộp thuế.
- Không tiếp tay cho các hành vi như mua bán hóa đơn, lập doanh nghiệp “ma”, sử dụng tài khoản ngân hàng đứng tên người khác.
- Chủ động tố giác tội phạm, cung cấp thông tin về hành vi trốn thuế, gian lận thuế, sử dụng hóa đơn giả, giao dịch đáng ngờ trên không gian mạng.
Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng sâu rộng, việc đấu tranh với hành vi trốn thuế trên không gian mạng là một nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cơ quan chức năng và toàn xã hội. Mỗi người dân hãy là một “cánh tay nối dài” của lực lượng chức năng, cùng xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch - công bằng - tuân thủ pháp luật, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và đất nước nói chung./.
Mạnh Hùng
- Công an xã Ea Ral, huyện Ea H’leo truy bắt nhanh 02 đối tượng Cướp giật tài sản (23/04/2025, 18:33)
- Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk kịp thời khống chế đối tượng loạn thần cầm dao gây rối (23/04/2025, 09:52)
- Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Cơ quan cảnh sát điều tra; công tác truy nã, truy tìm quý I/2025 (14/04/2025, 14:40)
- Công an phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột bắt quả tang 05 đối tượng đánh bạc (09/04/2025, 22:27)
- Bảo đảm an toàn tuyệt đối Cảng hàng không Buôn Ma Thuột (03/04/2025, 10:36)
- Công an Đắk Lắk hỗ trợ thu hồi hơn 742 ha đất bị lấn chiếm ở huyện Ea Súp (03/04/2025, 10:00)
- Phát huy hiệu quả công tác thi hành án hình sự, tạm giữ, tạm giam và hỗ trợ tư pháp trong tình hình mới (27/03/2025, 23:37)
- Công an Phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột xử lý đối tượng trộm cắp tài sản tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (08/03/2025, 16:59)
- Công an tỉnh Đắk Lắk nhận thư khen từ Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn (07/03/2025, 09:28)
- Phòng Cảnh sát hình sự triệt phá tụ điểm đánh bạc dưới hình thức đá gà xảy ra tại huyện Krông Pắc (07/02/2025, 16:53)