
Ngày 21/7/2014, qua thông tin quần chúng Nhân dân cung cấp, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành bắt quả tang đối tượng Trần Thị Hiền đang có hành vi mua bán chứng chỉ giả trước cổng trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk. Mở rộng điều tra, Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh, truy bắt 04 đối tượng đã cung cấp chứng chỉ giả cho Trần Thị Hiền, gồm: Lê Hải Nhật (sinh năm 1987, trú tại số 24C, đường 359, phường Phước Long B, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh); Trần Văn Phong (sinh năm 1987, trú tại số 55, ngõ 177, đường Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Tp. Hà Nội) và Vũ Văn Nhân (sinh năm 1988, (trú tại số 01, ngõ 52, đường Minh Khai, phường Trưng Định, quận Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội).
Ngày 27/5/2015, TAND thành phố Buôn Ma Thuột đã xét xử sơ thẩm vụ án và tuyên án 04 bị can trong vụ án phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tuyên phạt 04 trường hợp án tù, cao nhất 04 năm tù, thấp nhất 01 năm 6 tháng tù. Ngày 27/8/2015, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm vụ án và tuyên án 04 bị can trong vụ án phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tuyên phạt 03 trường hợp án tù, cao nhất 03 năm tù, thấp nhất 02 năm tù và 01 trường hợp tuyên phạt 01 năm 06 tháng nhưng cho hưởng án treo.
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra đã thu giữ được số lượng lớn vật chứng gồm: 257 (hai trăm năm mươi bảy) chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nghi giả; 1.615 (một ngàn sáu trăm mười lăm) phôi chứng chỉ tin học, ngoại ngữ có sẵn chữ ký và con dấu; 13 (mười ba) phôi chứng chỉ tin học, ngoại ngữ có chữ ký nhưng không có con dấu và nhiều vật chứng khác.
Điểm cần lưu ý trong vụ án, tất cả 04 bị can trong vụ án dù sinh sống tại các địa bàn khác nhau nhưng có điểm chung là đều mới tốt nghiệp đại học chưa xin được việc làm ổn định. Mặc dù, đều có trình độ đại học nhưng mức độ nhận thức pháp luật của các đối tượng trên còn hạn chế, đa số các bị can đều cho rằng với hành vi mua bán chứng chỉ giả thì chỉ bị phạt hành chính chứ không bị xử lý hình sự nên khi thấy có người có nhu cầu làm chứng chỉ giả thì các bị can đã nhận làm trung gian để hưởng tiền chênh lệch.
Qua điều tra vụ án, cho thấy một phần nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án là do cơ chế coi trọng bằng cấp hiện nay. Sinh viên nếu muốn nhận bằng tốt nghiệp thì phải có đầy đủ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trình độ B, sinh viên sau khi đã ra trường muốn xin được việc làm thì trong bộ hồ sơ xin việc phải có thật nhiều các loại văn bằng, chứng chỉ thì mới dễ xin việc, cán bộ viên chức Nhà nước muốn được bổ nhiệm chức vụ, vị trí cao hơn thì phải có các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ theo quy định… Chính vì nhận thấy có nhiều người cần mua các loại chứng chỉ giả để bổ sung (làm đẹp) hồ sơ, nên đã trực tiếp thúc đẩy các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Đối tượng đặt mua chứng chỉ giả chủ yếu trong vụ án gồm: Sinh viên đang theo học các trường Đại học, Cao đẳng mua chứng chỉ để đủ điều kiện tốt nghiệp; số sinh viên đã tốt nghiệp mới ra trường mua chứng chỉ giả để bổ sung hồ sơ xin việc làm; một số ít trường hợp mua chứng chỉ giả để bổ sung hồ sơ thi công chức Nhà nước; đặc biệt tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp đang theo học các khóa đại học tại chức do Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh liên kết với các trường đại học tổ chức mua chứng chỉ giả để được miễn môn học ngoại ngữ, tin học.
Từ vụ án trên cho thấy chỉ vì hám lợi và nhận thức pháp luật còn hạn chế, cho rằng hành vi mua bán chứng chỉ giả chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính chứ không bị xử lý hình sự nên một số người đã cố tình thực hiện hành vi làm, mua bán chứng chỉ giả. Khi bị phát hiện và bị xử lý hình sự thì mất hết công danh, sự nghiệp. Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác có thể thấy rằng chính các quy định có phần “cứng nhắc” của các cơ quan nhà nước đã khiến cho nhiều người có nhu cầu mua chứng chỉ giả để bổ sung hồ sơ, chính từ nhu cầu này đã thúc đẩy nhiều đối tượng thực hiện hành vi mua bán chứng chỉ giả để kiếm lợi. Do đó, cần có những cách đánh giá năng lực thực tế của cán bộ thực chất hơn chứ không nên chỉ coi trọng bằng cấp, chứng chỉ./.
Quang Việt
- Công an phường Tân Lập, tỉnh Đắk Lắk xử lý 03 trường hợp sử dụng súng hơi trái phép (10/07/2025, 13:33)
- Những bài học kinh nghiệm sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (07/07/2025, 00:31)
- Tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy (05/07/2025, 22:22)
- Bắt nhóm đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy với số lượng lớn (05/07/2025, 09:30)
- Lĩnh án chung thân vì mua bán trái phép chất ma túy số lượng lớn (02/07/2025, 23:44)
- Tỉnh Đắk Lắk: Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng sản xuất, buôn bán các sản phẩm thảo dược giả (23/06/2025, 21:32)
- Mạo danh “Trại hè quân đội”, “Học kỳ công an”: Chiêu thức cũ, thủ đoạn mới (16/06/2025, 00:57)
- Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk xử lý nghiêm đối tượng sản xuất, buôn bán pháo nổ tự chế (15/06/2025, 23:54)
- Xét xử 03 bị cáo phạm tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” (12/06/2025, 22:47)
- Công an tỉnh Đắk Lắk đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ Giải chạy Buôn Ma Thuột Half Marathon năm 2025 (10/06/2025, 00:24)
- Tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 (09/06/2025, 09:06)