
Tại các đô thị, do diện tích đất nhỏ, lại nằm trong các khu dân cư đông đúc nên đa phần các thiết kế nhà đều là nhà hình ống khép kín. Thiết kế này vô tình đã đẩy chính chủ nhà vào nguy hiểm khi hỏa hoạn xảy ra. Đây thực sự là nỗi lo thường trực bởi nhà dạng hình ống thường chỉ có một lối đi, khó thoát hiểm, trong khi 3 mặt nhà đều là bức tường, chỉ có mặt trước là có thể mở cửa, do vậy khả năng thông gió hoặc thoát khói của những ngôi nhà này thường rất hạn chế. Ngoài ra, do lo ngại về tình trạng tội phạm đột nhập trộm cắp tài sản nên trong xây dựng nhà ở, các gia chủ thường yêu cầu xây kín đáo và phải khóa cửa nhiều lớp, không làm cửa hậu hay lối lên mái hoặc xây bít ban công bằng khung sắt kiên cố (chuồng cọp) nên khi xảy ra sự cố, thì không có lối thoát hiểm khẩn cấp hoặc dự phòng. Với nhà được thiết kế kiểu này, lực lượng chữa cháy cũng khó khăn tiếp cận để cứu người, cứu tài sản, đặc biệt là nhà trong ngõ hẻm nhỏ. Do đó, khi xảy ra sự cố thường gây thiệt hại rất lớn, nhất là với sức khoẻ và tính mạng con người.
Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy lớn, trong đó có nhiều vụ cháy nhà dạng ống, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điển hình một số vụ cháy trong thời gian gần đây như: Vụ hoả hoạn xảy ra vào ngày 18/5/2019, tại một quán cafe thuộc xã Nam Hồng, huyện Đông Anh (Hà Nội), Để tiếp cận được hiện trường bên trong, lực lượng chữa cháy phải tiếp cận nhiều phía, từ trên cao nhà lân cận sang ban công để dùng búa phá cửa kính tại các tầng, tìm kiếm cứu nạn, vụ cháy đã khiến 2 người tử vong; trước đó, khoảng 01 giờ sáng 25/9/2017, một vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại nhà ông Trần Văn Nam ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, lực lượng chức năng cùng người dân đã cứu thoát 5 người, tuy nhiên có 2 cháu gái ngủ ở tầng 4 (là con của chủ nhà) thiệt mạng do ngạt khói; hay như ngày 19/7/2017, xảy ra vụ cháy tại ngôi nhà 4 tầng ở số 48, ngõ 41 (phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) để lại hậu quả thương tâm khiến 2 người chết,...
Một vụ cháy nhà dạng hình ống (ảnh minh họa)
Từ thực tế, nguyên nhân gây ra các vụ cháy tại các ngôi nhà dạng ống hầu hết là do ý thức chủ quan của người dân, nhất là do sử dụng các thiết bị điện không đảm bảo an toàn và sơ xuất, bất cẩn khi dùng lửa, người dân chưa được trang bị những kiến thức cơ bản về PCCC, chưa tự trang bị những phương tiện chữa cháy cần thiết,... Vì vậy, việc phòng ngừa cháy, nổ ở các nhà dạng ống là rất cần thiết, có thể kể đến một số giải pháp như:
- Khi xây dựng nhà, người dân cần phải thiết kế lối thoát hiểm, cũng như chuẩn bị phương tiện PCCC để đề phòng những sự cố cháy nổ có thể xảy ra. Đối với những gia đình khi xây dựng thì phải thiết kế sao cho bên ngoài không thể vào được, nhưng bên trong có thể ra được dễ dàng. Đơn cử như, phải để chìa khóa mở cửa thoát hiểm ở vị trí các thành viên trong gia đình đều biết và sử dụng được khi cần. Đặc biệt, cần treo thêm một chiếc búa nhỏ gần ổ khóa để trong những trường hợp khẩn cấp, nếu mở không được thì dùng búa đập khung sắt để thoát ra ngoài.
- Sau khi phát hiện ra cháy, cách tốt nhất là người dân nên tìm đường thoát hiểm phía đằng trước ngôi nhà như các ban công, sau khi ra ban công, phải đóng chặt cửa ban công để ngăn khói tỏa ra, tự thoát nạn bằng cách trèo qua lan can sang nhà bên cạnh, dùng dây hoặc chăn vải kết thành sợi dây thoát xuống phía dưới và kịp thời thông báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến giải cứu.
- Nếu ngôi nhà không có ban công và không thể thoát ra ngoài bằng dây thang thì lập tức chúng ta phải đóng chặt cửa ra vào phòng, lấy khăn ướt bịt kín các lỗ phía dưới và trên cửa để ngăn khói lan vào phòng; Gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC qua số điện thoại 114 và thông tin về đám cháy như: nơi xảy ra cháy, vị trí (tầng mấy, phòng mấy) và có khoảng bao nhiêu người mắc kẹt.
- Người dân không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ với số lượng ít nhất; ôtô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu... phải kín.
- Không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan; Xem xét lại hệ thống điện trong nhà, thường xuyên kiểm tra đường dây dẫn điện, các thiết bị bảo vệ như công tắc, cầu chì, aptomat. Kiểm tra các thiết bị tiêu thụ điện không để gần chất liệu dễ cháy như màn, rèm…
- Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện; bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
- Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas, Khi đun phải có người trông coi; trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết;
- Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì có cửa chốt trong và không được khoá. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Nếu cửa có nhiều khoá nên sử dụng các loại khoá kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khoá dễ thấy, dễ lấy.
- Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khoá cửa phòng của những người nêu trên; chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn; mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra.
- Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.
Công tác PCCC là của toàn dân, do đó việc thực hiện đầy đủ các giải pháp trên sẽ góp phần đảm bảo an toàn PCCC tại các khu dân cư, giúp bảo vệ sức khoẻ, tính mạng và tài sản của nhân dân ./.
Đức Trung
- Phòng Hậu cần sôi nổi chuỗi hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (01/05/2025, 21:47)
- Niềm vui ngày đặc xá tại Trại tạm giam Công an tỉnh (01/05/2025, 16:55)
- Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH tổ chức hướng về cơ sở kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhận dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (01/05/2025, 16:39)
- Đoàn thanh niên Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ (30/04/2025, 17:14)
- Công an tỉnh Đắk Lắk thăm hỏi người chiến sĩ dũng cảm cắm cờ chiến thắng giữa lòng địch, trong chiến dịch Tây Nguyên lịch sử (28/04/2025, 17:38)
- Công an phường Tự An tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biên pháp luật phòng chống tội phạm trên địa bàn (28/04/2025, 15:24)
- Xã Cư Suê, huyện Cư M’gar tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa cho các hộ dân trên địa bàn (28/04/2025, 14:56)
- Tăng cường công tác phối hợp hướng dẫn, quản lý hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế trên địa bàn tỉnh (28/04/2025, 14:09)
- Thông báo về việc áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 01 tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột (28/04/2025, 11:07)
- Công an tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật về an toàn thực phẩm (28/04/2025, 10:06)
- Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức kỳ thi tuyển Điều tra viên năm 2025 (26/04/2025, 23:30)